Nói về vụ nổ thảm khốc khiến 10 người chết và 3 người bị thương tối 24/2, nguyên do được cho là thuốc nổ phục vụ cho đoàn phim, nhiều nghệ sĩ bàng hoàng không dám tin, bởi "anh Phương là một người rất cẩn trọng và có nhiều kinh nghiệm".


Trương Ngọc Ánh đã từng hợp tác với ông Phương "khói lửa" trong phim Áo lụa Hà Đông.

Thông tin cả nhà ông Phương “khói lửa” bị chết trong vụ nổ rạng sáng ngày 24/2 khiến giới làm phim TPHCM bàng hoàng. Mất mát quá lớn và quá đột ngột này khiến nhiều nghệ sĩ không dám tin vào sự thật. Ngô Thanh Vân đang ở Hồng Kông nên biết tin khá trễ và “không thể tin điều này là sự thật”, còn Mỹ Uyên, Kim Phượng và Trương Ngọc Ánh đã phải gọi điện cho nhiều người bạn để xác định thực hư. Và khi đã biết đích xác đó chính là người đàn ông dễ mến mà mình từng làm việc cùng, “tôi đã bần thần cả buổi sáng”, Kim Phượng nói.

Chia sẻ với PV về ông Phương “khói lửa”, Trương Ngọc Ánh cho biết chị đã làm việc với ông Phương trong một thời gian khá dài khi tham gia phim Áo lụa Hà Đông. “Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh ấy là một người đàn ông cao lớn, hơi ngăm đen nhưng rất hiền lành và dịu dàng. Tuy nhiên, khi làm việc chung mới thấy, anh ấy còn là người rất kỹ tính và chu đáo nữa”, Trương Ngọc Ánh chia sẻ về Phương “khói lửa”.

Là một trong những người có thâm niên lâu năm trong nghề nên ông Phương rất được các diễn viên tín nhiệm trong những cảnh quay cháy nổ. Mỹ Uyên cho biết từ khi mới bước vào nghề chị đã biết tới người đàn ông có biệt danh “khói lửa” này. “Hầu hết những người từng tham gia các bộ phim về chiến tranh đều biết đến anh ấy. Anh ấy là một người cẩn trọng nên việc tai nạn xảy ra thảm khốc như vậy, quả thực tôi không dám tin”, cô nói.

Nói về sự cẩn trọng của ông Phương, Trương Ngọc Ánh cho biết ở Áo lụa Hà Đông có nhiều cảnh cháy nổ rất khó, đặc biệt là cảnh cho nổ cả ngôi trường nhưng ông Phương đều làm được và làm rất tốt: “Anh ấy thường tự mình đi kiểm tra lại tất cả mọi việc trước khi cho nổ. Tuy có một vài “đệ tử” nhưng anh ấy luôn tự đích thân làm và kiểm tra. Với những cảnh cháy nổ mà có anh Phương, diễn viên chúng tôi đều rất an tâm”.

Bởi vì tính ông Phương rất cẩn trọng và chu toàn nên hấu hết những người trong giới đều bất ngờ trước tai nạn này. Một vài người còn cho rằng “sinh nghề tử nghiệp” nhưng NSƯT Mỹ Uyên phản đối. Chị cho rằng không nên nói như vậy và thẳng thắn nhìn vào những khó khăn của nền điện ảnh Việt Nam.

“Nói “sinh nghề tử nghiệp” là không đúng và không nên. Tôi nghe từ đó thấy chua xót lắm, dù sao anh ấy cũng đã mất rồi. Chúng ta cần nhìn thấy rõ một sự thật rằng, ở Việt Nam không chỉ những cảnh cháy nổ mà còn nhiều công đoạn làm phim khác đều rất thô sơ và phần đa là làm thủ công, do đó rất nguy hiểm. Những người làm nghề như chúng tôi rất trân trọng anh ấy và đau lòng trước sự mất mát này. Những người làm cái nghề nguy hiểm này đã ít, nay lại càng ít hơn sau sự ra đi này”.

Quả đúng như vậy, các hoạ sĩ tham gia trong các bộ phim đều cho rằng ở Việt Nam hiện tại không có thử gọi là “công nghệ cháy nổ” mà hầu như tất cả những kỹ thuật viên đều tự mày mò pha chế và làm thủ công. “Ở nước ngoài, người ta không sử dụng thuốc nổ nữa mà họ sử dụng hoá chất tạo khói. Do đó ít nguy hiểm hơn mà vẫn đảm bảo được hiệu ứng cần có. Tuy nhiên Việt Nam thì vẫn sử dụng thuốc nổ và các thứ phụ trợ khác, điều này cực kỳ nguy hiểm và thực tế là đã có không ít tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra”.

Tai nạn thảm khốc này có thể nói là một trong những tai nạn nghiêm trọng nhất trong làng điện ảnh Việt Nam. Trước đây cũng từng có trước hợp một kỹ thuật viên bị thương và tử vong vì thuốc nổ hay chính ông Phương cũng từng có lần gặp tai nạn tương tự khi đang dựng bối cảnh ở phim trường nhưng rất may không ai bị thương. Tuy nhiên, sau vụ nổ khủng khiếp rạng sáng ngày 24/2, cả gia đình 6 mạng người của ông đều đã chết cùng 4 người khác tử vong và 3 người bị thương. Tai nạn này đã tạo nên một trang u ám trong làng điện ảnh Việt trong những ngày đầu năm 2013.

Theo Dân Trí