Nhiều ca sĩ không tìm hiểu kỹ lời bài hát gốc và ý nghĩa bài hát nên tự ý sửa đổi, “sáng tạo” theo ý mình. Một ca sĩ hát sai lời, nhiều ca sĩ khác sẽ hát lại, hát theo.


Chỉ cần sai một ca từ cũng khiến bài hát vốn sang trọng trở nên tầm thường. Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp lời bài hát sai dẫn đến nội dung hoàn toàn sai lệch và ý nghĩa bài hát bị bóp méo. Điều khiến tác giả ca khúc bức xúc là ca sĩ tự ý chỉnh sửa, phăng lời theo ý thích. Từ việc không hiểu đúng, hiểu rõ ý nghĩa của ca từ nên khi trình bày bằng lời “tự sáng tạo”, họ đã vô tình đánh mất “hồn vía” của ca khúc đó. Nhạc sĩ Quốc Dũng bức xúc: “Thử nghĩ xem, câu hát ta xa nhau, em xanh nước mắt mà hát thành ta bên nhau, em xanh nước mắt thì đúng là biến trắng thành đen mất rồi”.

“Tam sao thất bản”

Thực tế, có những bài hát ra đời cách đây khá lâu, lại không được ghi chép cẩn thận nên trong quá trình truyền miệng đã bị biến đổi lời. Bản gốc không được lưu giữ dẫn đến mỗi ca sĩ hát một lời mà không có cơ sở để đối chứng, chỉnh sửa. Thông thường, những trường hợp này, lời ca khúc được truyền nhau hát từ thế hệ này sang thế hệ khác, một người hát sai thì dẫn đến nhiều người sau đó cũng hát sai theo.


 
Ca sĩ Mỹ Tâm cũng bị chỉ trích khi hát sai lời trong chương trình trao giải Bài hát Việt 2012. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

Những văn bản ca khúc chính thức cũng ít được lưu giữ. Khi công nghệ internet phát triển, lời bài hát được đưa lên không bởi chính tác giả nên thường không có độ tin cậy cao. Hơn nữa, trong quá trình biểu diễn, các nghệ sĩ còn cố tình sửa đi, thêm hoặc bớt một vài lời cho phù hợp, thích nghi.

Bạn đọc Trần Quân cho rằng ngoài lỗi chủ quan của người hát, còn phải kể đến lỗi khách quan do nguồn nhạc: “Hiện nay, có rất nhiều nguồn cung cấp nhạc nhưng người hát không biết nguồn nào đáng tin cậy hơn. Ví dụ, bài hát Điệu buồn Phương Nam của Vũ Đức Sao Biển đăng trong cuốn Những ca khúc Việt Nam chọn lọc đang được yêu thích (soạn cho đàn organ 2) do NXB Văn nghệ TPHCM xuất bản năm 1999 có câu Về Phương Nam lắng nghe cung đàn thổn thức vọng dưới trăng mơ màng.

Trong khi đó, cuốn Tập ca khúc Vũ Đức Sao Biển Điệu buồn phương Nam, do NXB Trẻ in năm 2001, lại thành Về phương Nam lắng nghe cung đàn thao thức vọng dưới trăng mơ màng. Rõ ràng “thổn thức” và “thao thức” mang nội dung khác nhau xa vời...”.

Theo nhạc sĩ Quốc Dũng, cách đây vài chục năm, những bài hát thường phổ biến dưới hình thức tờ bướm in lời do chính tác giả viết khi mới ra đời. Vì thế, tỉ lệ lời bài hát bị sai rất ít. Thế nhưng, trong những năm gần đây, những bài hát của nhạc sĩ thường được các NXB gom lại và in thành tuyển tập.

Những tuyển tập này đa phần là do NXB giao cho một người chuyên đi thu thập và sao chép lại. Những nguồn thu lượm này có khi không nguyên gốc, không phải văn bản từ chính tay tác giả nên chuyện sai lời là dễ hiểu. Chính vì thế, nhạc sĩ Quốc Dũng đã cất công thu thập và bỏ tiền in  Tuyển tập hồi ký âm nhạc qua 100 ca khúc không chỉ như món quà nghĩa tình ghi dấu một đời sáng tác mà còn muốn đưa ra một văn bản chính xác nhất để “chỉnh sửa” những bản nhạc lâu nay bị chép sai, hát sai lời.

Cẩu thả

Điều đáng nói là hiện nay, không chỉ ca sĩ trẻ hát sai lời mà ngay cả những ca sĩ gạo cội cũng mắc lỗi này do quá chủ quan, cứ đinh ninh là lời bài hát đúng. Người hát, người trình diễn đôi khi hiểu sai, không hiểu hoặc hiểu đại khái nên mới có tình trạng hát sai, thay lời đổi chữ vô tội vạ. Một người trong giới cho rằng hiện nay, ca sĩ tất bật với việc chạy sô, mỗi đêm hát đến vài chục bài nên không có thời gian tìm hiểu lời, ý nghĩa bài hát. Vậy nên, đôi khi họ hát mà cũng không biết mình hát cái gì, từ việc không hiểu rõ ràng dẫn đến hát theo suy đoán.

Nhiều nhạc sĩ lý giải: “Tình trạng ca sĩ tự ý đổi lời, suy luận theo ý mình và phăng lời rất phổ biến. Nhiều ca sĩ không tìm hiểu kỹ lời bài hát gốc, không tìm hiểu ý nghĩa bài hát nên tự ý sửa đổi, sáng tạo theo ý của riêng mình. Một ca sĩ hát sai lời, nhiều ca sĩ sẽ khác hát lại, hát theo. Cứ như vậy, lời bị sai từ thế hệ này tới thế hệ khác mà không ai quan tâm, để ý để sửa lại cho đúng”.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài Một cõi đi về. Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một cõi đi về mà ông yêu thích nhất nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng lý giải: “Khi gọi một cô gái là “con tinh” hoặc “con yêu”, tức mang ý nghĩa chỉ một người nữ lém lĩnh, ranh mãnh, nghịch ngợm như loài “ma quái yêu tinh” nhưng cũng vừa thuần hậu, e ấp, mặn mà… Nhà văn Trần Kiêm Đoàn có tác phẩm Con yêu bánh nậm cũng nằm trong ý nghĩa đó”. Tương tự, khăn san bay lả lơi trên vai ai trong bài Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn - Từ Linh  bị hát thành khăn xoan bay...; tà áo ai bay trắng cả giấc mơ trong bài Phượng hồng của Vũ Hoàng - thơ Đỗ Trung Quân bị hát thành là áo ai bay...

Nếu cho rằng ca sĩ hiểu không đúng lời trong những bài hát có ca từ cao siêu, trừu tượng thì nhạc sĩ Quốc Dũng lại trăn trở vì lời bài hát của anh mộc mạc, dễ hiểu mà vẫn bị hát sai lời. Lý giải điều này, nhạc sĩ Minh Nhiên cho rằng một phần là do các ca sĩ ẩu. Khi thể hiện lại các ca khúc nổi tiếng, họ thường vào mạng để lấy văn bản, trong khi trên internet thì lời bài hát mỗi chỗ một kiểu.

Phạm luật

Hát sai lời vì bất cứ lý do gì xét cho cùng cũng làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm và như vậy là vi phạm luật về bảo hộ quyền tác giả. Ca sĩ là người thể hiện, truyền tải bài hát đến khán giả, nếu “hát sai” thì không chỉ thiếu tôn trọng nhạc sĩ và khán giả mà còn vi phạm luật. Vậy mà không ít ca sĩ trẻ còn cho rằng việc đổi một từ trong bài hát không ảnh hưởng gì đến giá trị ca khúc. Nhạc sĩ Phú Quang kể có lần, ông phát hiện bài hát của mình khi phát hành đĩa bị sai lời. Ông tìm đến đơn vị sản xuất hỏi thì người ta nói vì ca sĩ đó nổi tiếng nên họ có quyền sửa lời sao cho phù hợp!

Theo NLĐ