- Chiếc máy ảnh kỹ thuật số của thế kỉ 21 đã không thể bắt nét được nhiều tầng lớp trong không gian giấy cổ. Chúng đã được Vũ Kim Thư thu nhỏ bỏ vào trong những chiếc hộp - như để kể một câu chuyện thần kì.

TIN BÀI KHÁC


Những ai bước vào trung tâm Văn hóa Pháp cuối tháng 2 đến 18/3/2013 sẽ phải tò mò ngạc nhiên vì những chiếc hộp phát sáng được đặt so le ở sảnh chính; trông như những tòa nhà lơ lửng.

Ghé mắt nhìn vào, người xem kinh ngạc khi thấy cả một thế giới kì diệu hiện ra, tầng tầng lớp lớp. Càng nhìn ngắm càng say mê. Ánh sáng ấm áp tỏa ra từ sâu bên trong hộp - lớp cuối cùng - khiến càng nhìn càng hút mắt. Những lớp lang phía trước cũng khiến khán giả phải tò mò, ngắm nghía không chán những họa tiết kì lạ. Một em bé nói rằng bên trong hộp giống như một cửa hàng pizza em đã ăn ở đó hôm qua.


Không gian bên trong một chiếc hộp. Ống kính máy ảnh không thể thấy rõ các lớp rất sâu như mắt thường

"Có chiếc hộp được làm tới 5 - 7 lớp, có chiếc tôi lại chỉ làm 2 lớp" - nghệ sĩ tự do Vũ Kim Thư nói. Đây là triển lãm thứ 2 của Vũ Kim Thư sau Rangoli (học bổng Unesco) và thậm chí nó còn được đón nhận nồng nhiệt hơn người anh cả. Khác với Rangoli lấy cảm hứng từ loài hoa phù du Ấn Độ, "Sự thu nhỏ của không gian" bắt nguồn từ không gian Nhật Bản và Hà Nội - những không gian nhỏ hẹp, nhiều chi tiết và rất đặc trưng.

Nhìn từ xa

Cận ảnh một chiếc hộp

"Khi ở Nhật, tôi sống ở một làng xa thành phố. Cộng đồng ở đây nhỏ, dân số thấp. Tôi để ý thấy không gian trong nhà của họ rất đặc biệt. Người Nhật rất tiết kiệm không gian. Cánh cửa của họ không giống với cửa ở nước khác - khi thì là cửa, khi lại trở thành bức tường. Có khi ngồi trong nhà không biết ngôi nhà sâu bao nhiêu lớp khi người ta đóng mở những cách cửa ấy. Hơn nữa, trong ngôi nhà của họ cũng có nhiều đồ vật lạ.

Tôi mang chúng vào trong những chiếc hộp của mình, tất nhiên không chỉ có Nhật Bản mà còn có cả Hà Nội, Việt Nam. Ngoài ra còn những hình họa khác mà người xem sẽ tự tưởng tượng ra thế giới của riêng mình.
" - nghệ sĩ trò chuyện. 


Thế giới bên trong các lớp giấy washi


Mô phỏng một cánh cửa Nhật Bản

Vũ Kim Thư đã kết hợp giấy xuyến chỉ của Việt Nam và giấy washi (một loại giấy truyền thống của Nhật Bản), nhưng trong đó đến 99% là giấy Nhật. Loại giấy washi này đặc biệt mỏng và dai. Không biết các nghệ nhân Nhật Bản làm như thế nào mà chúng không hề bị thấm nước hay biến đổi khi chị dùng mực nho để vẽ lên.

Washi cũng chia làm nhiều loại, trong đó giấy gampi là mỏng nhất. Chính vì thế khi được đặt trong những chiếc hộp sáng của Vũ Kim Thư, chúng trở nên trong suốt và nhìn thấu. Tất nhiên loại giấy này cũng rất đắt. Nếu như giấy xuyến chỉ của Việt Nam khoảng 20.000 đồng/1 tờ A5, thì giá của washi từ 100 nghìn đến hơn 500 nghìn. Tôi tò mò hỏi chi phí để sở hữu những chiếc hộp phát sáng chứa đựng một thế giới kì diệu ấy; được biết giá của chúng từ 600$ đến 800$.


Ngắm toàn bộ triển lãm của Vũ Kim Thư

Nghệ sĩ Vũ Kim Thư và khán giả của mình (Ảnh: Xuân Tùng)


Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire