- Một buổi chiều đầu năm, tôi gặp họa sỹ Lê Huy Tiếp - một người nổi tiếng trong giới Mỹ thuật được báo chí nhắc đến khá nhiều, tại một quán cà phê gần Bờ Hồ. Trong ánh điện vàng ấm áp của căn phòng, người họa sỹ ngồi đó, kể cho tôi nghe câu chuyện đời mình…
Cái chết "lạ lùng"
Họa sỹ Lê Huy Tiếp
Sinh năm Canh Dần (1950) tại Anh Sơn, Nghệ An, là con một trong gia đình mà cả ông trẻ và anh họ là những người có tiếng trong giới mỹ thuật. Nguyên quán ở Nghi Lộc nhưng cậu bé Tiếp đã được sinh ra trong lúc mẹ đi công tác ở trên mảnh đất miền núi phía tây tỉnh Nghệ An. Sống trong khu tập thể cơ quan bố mẹ, lúc bố mẹ đi công tác Lê Huy Tiếp được các cô bác cán bộ đồng nghiệp của mẹ chăm sóc, dạy dỗ.
“Cuộc sống thanh tịnh nhưng rất hạnh phúc dù suốt cuộc đời bố mẹ tôi không có nhà riêng”, anh nói. Lên 5, 6 tuổi, Lê Huy Tiếp bắt đầu thích vẽ và được người bố hiện đang điều trị bệnh bên Trung Quốc thi thoảng gửi tặng những cuốn sách về mỹ thuật. Đó là món quà vô cùng ý nghĩa đối với cậu bé đang ngày đêm cùng màu, bút mê mải hình dung về thế giới trên những trang giấy nhỏ bé của mình.
Khi được hỏi ngày bé mơ ước làm gì? Anh trả lời: “Mong ước lớn nhất của tôi là được làm họa sỹ". Bố anh, người hiểu hơn ai hết khát vọng cùng khả năng của con trai mình, khuyên anh cần phải học xong văn hóa cơ bản rồi hãy nghĩ tới chuyện học vẽ. Vậy là cậu bé Tiếp lặng lẽ theo đuổi hội họa bằng cách riêng của mình bên cạnh việc học văn hóa ở nhà trường. Những bức tranh vẫn được vẽ, nhưng chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của riêng cậu.
Nhớ lại quá khứ với một nụ cười tươi sáng, Lê Huy Tiếp kể cho tôi nghe câu chuyện ít ai biết. Năm 1964, khi giặc Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, bà Hoàng Thị Thế, con gái của Đề Thám, ở Paris về nghỉ mát tại Nghệ An. Bà là người nghiên cứu về tử vi nên khi gặp bố mẹ anh, bà đề nghị được xem bói cho hai cụ. Bà nói nhiều điều, nhưng có một câu mà lúc đó cả gia đình đều thấy lạ, rằng: “Năm sau gia đình ta gặp một đại nạn nhưng sẽ qua được, rồi mọi người lại được sum họp”.
Thời gian trôi qua, đến năm 1965, Lê Huy Tiếp gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Đầu thường xuyên đau nhức, mắt phải giảm thị lực chỉ còn 1/10, anh được bố mẹ cho ra Hà Nội để chữa trị. Bố anh nói: “Ra chữa bệnh xong thì cho đi học vẽ làm họa sĩ, lúc nào thích thì vẽ chứ ngồi làm toán suốt đau đầu”. Vậy là, cùng 3 người bạn của bố mẹ, cậu bé Tiếp đạp xe ra Hà Nội để chữa bệnh nhưng với một niềm phấn khích lớn: được theo đuổi mơ ước về nghệ thuật của mình.
Bức Sáng tạo
Song một chuyện hơi lạ lùng đã xảy ra với anh trong chuyến đi ấy. Đạp xe đến Tĩnh Gia, Thanh Hóa, địch dội bom khắp nơi, anh biết rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết lúc ấy vô cùng mong manh. Âm thanh và màu sắc dữ dội của cuộc chiến tạo thành một bức tranh nóng bỏng, đầy hiểm nguy bao trùm lên tất thảy. Bất chợt anh thấy nhói đau trong ngực, thấy máu chảy, thấy trời đất quay cuồng. Bức tranh trước mắt anh trở nên chao đảo, chông chênh.
Những mảnh bom bi xuyên vào ngực, tay, hàm anh. Anh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Bố mẹ anh lúc bấy giờ đang ở thành phố Vinh được báo tin rằng đứa con trai duy nhất của họ nhiều khả năng sẽ không qua khỏi. Nhưng số phận đã mỉm cười với Lê Huy Tiếp: sau 3 ngày chết lâm sàng, anh tỉnh dậy và mấy ngày sau nữa gặp lại bố mẹ mình, lòng ấm áp khi nhìn thấy nước mắt cùng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt họ. Họ nhớ lại lời của bà Hoàng Thị Thế và mỉm cười: “Đúng là gia đình lại được sum họp”.
Sau chuyến đi cùng “cái chết” lạ lùng đó, anh ra Hà Nội điều trị bệnh và thi đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp ngành đồ họa thiết kế. Anh cười nửa đùa nửa thật: “Vì mình mắt mờ nên được đi học vẽ và trở thành họa sỹ”. Chỉ có điều, sau khi bị trúng bom, một mảng ký ức của anh bị lãng quên. Hỏi về những ngày còn nhỏ ở quê, anh bảo chỉ nhớ rất ít.
Từ bức tranh đầu tiên đến các giải thưởng danh giá
Bức Tự họa
Lê Huy Tiếp kể rằng, trong số những kỉ niệm ít ỏi còn neo lại được trong ký ức anh, kỷ niệm đẹp nhất là khi học lớp 6, lần đầu tiên anh được tham gia một triển lãm tại thành phố Vinh do Sở VHTT tổ chức. “Đó là bức tranh tĩnh vật, tôi nhớ là có vẽ củ su hào, cái nón… Tôi đã rất sung sướng khi bức tranh được chọn treo trong triển lãm”.
Sau này, qua một thời gian dài học tập rèn luyện ở trong nước và nước ngoài, Lê Huy Tiếp đã chọn được hướng đi cho riêng mình. Ban đầu Lê Huy Tiếp chịu ảnh hưởng nhiều bởi các họa sĩ của trường phái hậu ấn tượng và những trường phái hiện đại châu Âu, song từ 1975, anh bắt đầu với dòng tranh tả thực lãng mạn mang tinh thần của chủ nghĩa siêu thực và tượng trưng.
Anh là một trong những người tiên phong cho khuynh hướng tả thực của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Sự nhàu nát của tờ báo, từng mạch máu, gân tay, những nếp nhăn trên gương mặt và quần áo, màu trắng xốp bồng bềnh của mây, màu vàng chấm li ti của bãi cát…, tất cả được Lê Huy Tiếp diễn tả một cách thành thực, chuẩn xác bằng những nét cọ tài hoa.
Tranh của Lê Huy Tiếp thường ưa những gam màu tươi sáng, hiện đại, có chiều sâu và tinh tế đến bất ngờ. Với bút pháp tả thực, nhiều bức sơn dầu khổ lớn của anh như “Miền Trung”, “Cô gái và con chó trắng”, “Sáng tạo”, “Chiến tranh”, “Quê hương”, “Đợi”, “Trời và đất”… đã tạo được một ám ảnh về một cảm giác nội tại nào đó, một suy nghĩ mang tính triết lý nào đó, và một nỗi buồn man mác trước sự phù du kiếp người nhưng trên hết là một tình yêu đối với vẻ đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên và cuộc sống.
“Tôi cảm thấy cuộc đời này rất đẹp, rất đáng yêu và quá ngắn ngủi. Tranh của tôi có thể bảng lảng buồn nhưng không bi quan”, anh nói. Quả thực, ngay cả khi sự cô đơn hiển hiện trên bức tranh, người ta vẫn không tìm thấy sự bi lụy, khổ đau ở đó. Đấy là cái đẹp buồn buồn, man mác, cái đẹp của sự suy tư và tĩnh lặng, cái đẹp của những điều giản dị gần gũi có thể có bất cứ đâu trong cuộc sống quanh ta nhưng không phải vì thế mà con người dễ dàng nhận thấy. Đó là cái-đẹp-buồn thường có trong những câu chuyện đáng yêu của Pautovsky - nhà văn nổi tiếng của văn học Nga Xô viết mà Lê Huy Tiếp vô cùng yêu mến.
Mỗi bức tranh của họa sỹ Lê Huy Tiếp gắn với một câu chuyện thú vị. Năm 1975, bức “Cô gái và con chó trắng” được dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Bức tranh mang đến một luồng gió mới cho cuộc triển lãm cũng như không khí nghệ thuật lúc bấy giờ bởi bút pháp lạ và giàu biểu cảm của nó. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng bức tranh này không phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc đó, rồi nó bị hạ xuống.
Chính bức tranh này 17 năm sau đã được bán cho một nhà sưu tầm tranh người Mỹ với giá khá cao, cùng với đó là lời đề nghị mua toàn bộ các tác phẩm khác của Lê Huy Tiếp. Sau bức “Cô gái và con chó trắng”, anh vẽ “Sáng tạo” trong vòng 2 năm (1976-1978), một bức tranh sơn dầu tràn trề màu sắc. Cả thế giới hay có thể nói cả ý niệm về thế giới trong con mắt nghệ thuật được đặt vào bức tranh ấy. “Sáng tạo” cho trình hiện cả không gian của nền nông nghiệp, công nghiệp, cả gia đình, cá nhân, xã hội, thiên nhiên, con người, cả cái đẹp, tri thức, khoa học, và tất nhiên cả nghệ thuật.
Bức “Tự họa” (hay còn có tên “Sự khởi đầu”) là sự trăn trở về hướng đi nghệ thuật của Lê Huy Tiếp. Anh suy ngẫm về nghệ thuật phương Đông và phương Tây, về nghệ thuật của cái đèm đẹp và nghệ thuật của cái mạnh mẽ, nghệ thuật của sự bình lặng chắc chắn và nghệ thuật của sự đột phá cách tân. Họa sỹ tự họa mình đang ở giữa hai phong cách ấy, phía sau xa xa là con thuyền cô lẻ nằm trên bãi biển. Người nghệ sỹ cũng giống như con thuyền, đang đơn thương độc mã trên con đường nghệ thuật của mình, và hơn ai hết anh hiểu rằng anh phải tự chọn hướng đi, phải tự quyết định cho bút pháp của mình.
Con đường mà họa sỹ Lê Huy Tiếp chọn đã mang lại cho anh hết thành công này đến thành công khác. Năm 1986 anh đoạt giải đặc biệt trong triển lãm Quốc tế Hà Nội. Năm 1990 giải Nhì triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, năm 1997 lại đoạt giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2001 và 2003 anh đều đoạt giải cao trong triển lãm Mỹ thuật khu vực I (Hà Nội). Đặc biệt, năm 2007 anh đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, một giải thưởng danh giá mà mọi nghệ sĩ đều mơ ước.
“Thế là có thể trở về với đất được rồi”, anh cười nói nửa đùa nửa thật. Tôi nhìn đôi mắt anh, đôi mắt không được tinh tường như mọi người, nhìn vết chàm chảy dài trên má như một vệt màu bí ẩn do cây cọ số phận vô tình hay hữu ý quệt phải, rồi nhìn nụ cười anh lúc nào cũng mang vẻ thân tình. Bất giác tôi hiểu vì sao anh nói anh yêu cuộc sống lắm. Những bức tranh của anh, giống như con người anh, cũng có mảng tối buồn, mảng vui sáng, cũng có cung bổng cung trầm nhưng trên hết là tình yêu ấy, tình yêu mà nếu thiếu nó, nghệ thuật sẽ mất đi sức nặng và mất đi chính lý do để nó tồn tại.
Quỳnh Lâm