Điện ảnh Việt sẽ có thêm dòng phim độc đáo, tạm gọi là phim đấu thầu, nếu thông tư về đấu thầu phim có sử dụng ngân sách Nhà nước ra đời.
Đằng sau những bản hợp đồng đắt giá của nghệ thuật Việt
"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ
Điện ảnh Việt, từ cẩu thả đến tai họa
Chuyện chẳng có gì mới. Khi mà nó đã được bàn thảo tới lui nhiều năm, để cuối cùng, Bộ VHTT&DL trình ra được bản dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện đấu thầu phim làm từ ngân sách, gửi Chính phủ phê duyệt.
“Cát nóng”, một phim được nói là do Nhà nước đầu tư 6 tỷ khi phương án đấu thầu phim còn nằm trên bản dự thảo |
Nhưng chắc là sẽ còn rất lâu nữa người ta mới có thể quen thuộc với ý tưởng, rằng: Một tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn có thể ra đời theo quy trình vốn được dùng để…xây cầu cống, đường xá, hay trong các lĩnh vực kinh tế khác. Chiếu theo luật đấu thầu, dự án phim sẽ phải có một cấp quản lý, tức chủ đầu tư đưa ra yêu cầu của gói thầu, sau đó tổ chức mời thầu, chấm thầu, duyệt thầu, công bố kết quả, giám sát thực hiện, nghiệm thu, quyết toán...
Do một quy trình sản xuất phim như vậy còn nằm trên bàn trình duyệt, vẫn chưa bộ phim nào ra đời nhờ đấu thầu, nên người ta hiện chưa thể nói gì về diện mạo hay chất lượng của nó. Nhưng nhìn trên mục tiêu của văn bản, việc đấu thầu sản xuất phim rõ ràng đang được trông chờ như một “bước đột phá”, nhằm sử dụng hiệu quả hơn đồng vốn tài trợ của Nhà nước dành cho điện ảnh.
Còn cơ sở cho niềm kỳ vọng là việc mở rộng quyền tiếp cận nguồn ngân sách tài trợ làm phim hàng năm của Nhà nước, vốn trước nay là một đặc quyền của các hãng phim Nhà nước.
Bởi việc mở rộng quyền tiếp cận không chỉ đáp ứng lẽ công bằng mà các thành phần kinh tế đang tham gia làm phim gần đây lên tiếng đòi hỏi, mà còn thuận theo lẽ cạnh tranh tất yếu của thị trường. Trong khi cơ sở vật chất và nhân lực của các hãng phim Nhà nước ngày càng cũ kỹ, lạc hậu, phim làm ra đều rơi vào cảnh cất kho; thì khu vực tư nhân ngày một năng động, tiếp cận được thế giới ở cả công nghệ lẫn tư duy làm phim và chinh phục được thị trường.
Một khi chính sách trên được phê duyệt và đi vào thực tế, rất có thể thị trường điện ảnh sẽ phải định nghĩa lại cụm từ “phim Nhà nước”, vốn được hiểu như một dòng phim do Nhà nước đặt hàng đề tài, phê duyệt kịch bản và giao kế hoạch ngân sách hàng năm cho các hãng phim Nhà nước cân đối thực hiện. Sự tham gia của thành phần tư nhân, trên nguyên tắc, đã xóa bỏ vòng tròn khép kín này.
“Đam mê”, một phim Nhà nước mà đến nay chỉ mới được chiếu ở một liên hoan phim trong nước và một giải thưởng |
Xét trên thực tế ngành phát hành phim chiếu rạp đang nằm trong tay của tư nhân và nước ngoài, Nhà nước chỉ nắm vai trò duyệt phim, thì các phim – do Nhà nước đầu tư vốn nhưng tư nhân kiêm nhà phát hành trúng thầu sản xuất – sẽ có cơ hội ra rạp nhiều hơn. Việc còn lại thuộc về sự đón nhận của khán giả với sự phán xét công bằng đối với bộ phim.
Riêng các phim nhận vốn đầu tư từ ngân sách còn lại vẫn sẽ rất khó tìm được đường ra rạp. Dù nghị định số 54 do Chính phủ ban hành năm 2010 có quy định các rạp chiếu phải đạt tỷ lệ 20% số suất chiếu từ 18 đến 22 giờ trong ngày là dành cho phim Việt. Nhưng do ngành điện ảnh đến nay chỉ sản xuất được chừng 15 đến 20 phim mỗi năm, các rạp đủ lý do chính đáng để không phải thực hiện quy định này.
Nhưng có một điểm khác biệt cơ bản giữa phim sử dụng vốn ngân sách và các dự án kinh tế hay xây dựng cơ bản. Các bộ phim chỉ cần đáp ứng nội dung đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà không hề được yêu cầu phải thu hồi lại vốn và kiếm được lợi nhuận ngoài phòng vé.
Ngay cả khi phim làm ra bị các nhà phát hành từ chối, những người làm phim từ tiền ngân sách dường như vẫn đầy niềm tự hào và có đủ lý lẽ để biện minh: dòng phim của họ là gạch nối kế tiếp của nền điện ảnh cách mạng đầy vinh quang trong quá khứ, có hàng ngàn người xem thông qua hệ thống chiếu bóng lưu động nhân các dịp lễ lạt. Và quan trọng nhất, phim của họ thuộc dòng nghệ thuật, giữ vững nhiệm vụ chính trị bằng những câu chuyện luận đề, lịch sử, không thể “thị trường” như phim tư nhân.
Câu chuyện hình như còn có thêm khía cạnh “nhân văn” khi thỉnh thoảng người ta nghe được đâu đó hãng phim X, Y, Z đổ cho phim dở vì phải cấu véo phần lớn ngân sách làm phim vào việc trả lương, phúc lợi cho anh em. Trong đó có không ít người đang bơ vơ, tiếng là có chỗ làm nhưng thường xuyên không có việc làm, vật lộn với cuộc sống khó khăn bằng những nghề mưu sinh khác.
Những lập luận mang tính “phải đạo” như vậy lâu nay vẫn được nêu ra trong các réo đòi từ phía những hãng phim từng được bao cấp, rằng Nhà nước phải cấp vốn cho họ làm phim. Chừng nào còn phù hợp với lợi ích của một bộ phận nhân lực trong ngành điện ảnh, thì có lẽ phim Nhà nước còn tồn tại, cho dù có phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Nhưng rõ ràng, rất nhiều người trong nghề đang tỏ ra sốt ruột vì Nhà nước đang đổ tiền vô ích cho việc sản xuất phim. Trong khi việc đáng làm hơn rất nhiều là hỗ trợ nền điện ảnh đào tạo nhân lực, xây dựng phim trường, hợp tác quốc tế như những gì mà chính phủ Hàn Quốc đã làm, và đúng theo nguyên tắc “những gì tư nhân không làm được thì Nhà nước hãy xắn tay vô làm”.
Minh Chánh
Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ minhchanh.dang@vietnamnet.vn