- “Cuộc sống của nghệ sĩ nhạc dân tộc trôi nổi. Đa phần nhà hàng nuôi họ, chơi quanh quẩn dăm ba bài, chẳng bõ công học hành công phu”.

Đó là câu trả lời khái quát của NSƯT Tuyết Mai khi VietNamNet đặt câu hỏi cảm nhận của chị về đời sống của các nghệ sĩ, nhạc công của dòng âm nhạc dân tộc hiện nay tại TP.HCM. Còn về nguyên nhân của thực trạng thì theo chị: “Có đoàn âm nhạc dân tộc nào kiếm được show diễn hàng tuần, để góp thêm mấy trăm nghìn vào đồng lương còm cõi của nghệ sĩ?”.
 

“Oọc rơ”, vở cải lương hài đề cập chuyện nghệ nhân đờn ca tài tử mưu sinh ở nhà hàng bia ôm.

Trong cách chị trả lời một cách ngắn gọn và dứt khoát, người ta có thể nhìn ra một tâm tư đại diện cho giới làm nghề, vò võ bấy lâu và mòn mỏi chờ đợi một thực tế khác đi. Bởi với tâm hồn nhạy cảm, không gì gây tổn thương hơn cho người nghệ sĩ bằng việc phải đem ngón đàn mài giũa khổ cực trong mười mấy năm ở nhạc viện, ra “giúp vui” cho đám khách khứa say sưa.

Câu chuyện của những nghệ sĩ nghệ sĩ, nhạc công nhạc dân tộc còn có thêm một khía cạnh đặc thù giữa thời buổi mà các giá trị truyền thống còn có thể được khai thác như một biện pháp trang trí “nét văn hóa” cho môi trường kinh doanh.

NSƯT Tuyết Mai kể: “Có nhà hàng chỉ yêu cầu miễn sao mình tạo được hình ảnh trên sân khấu với chiếc áo dài, khăn đống và cây đàn là được, còn nghệ sĩ đánh sao thì mặc. Dĩ nhiên, tôi không nói 100% nhà hàng đều thế, cũng không phải nghệ sĩ nào cũng thế, còn số ít nghệ sĩ vẫn cứ thả hồn vào chơi đàn bất kể hoàn cảnh”.

 Liệu người ta có thể nhìn vào khía cạnh tích cực của thực trạng này như một sự duy trì và quảng bá các loại hình âm nhạc dân tộc? Chị không ngần ngại trả lời ngay câu hỏi của VietNamNet: “Trong biểu diễn nghệ thuật, cách làm mà không mang tính ý đồ về hiệu ứng thì không tốt. Trong lúc ồn ào, mọi người mải lo ăn uống, còn nghệ sĩ đánh đàn kiếm tiền”.

“Không phải tôi chê nhà hàng, nhưng việc đi đánh (đàn) nhà hàng thực sự giết chết bao nhiêu là tình cảm, kỹ thuật. Dù nghệ sĩ có cố gắng thả hồn để đàn rất hay, nhưng người nghe chỉ biết “dô dô”, thử hỏi bạn có thích không?”.

Trình diễn trước đám đông “không hiểu gì”

Tuy nhiên, cuộc sống của những nghệ sĩ, nhạc công nhạc dân tộc chưa hẳn chỉ gánh chịu duy nhất sức nặng của cơm áo, gạo tiền. Nỗi cô đơn và sự lạc lõng khi trình diễn trước những đám đông “không hiểu gì” dường như khiến họ cảm thấy mình đang gánh trên vai một trách nhiệm còn nặng nề hơn: phải gìn giữ và làm lan tỏa những nghệ thuật âm nhạc mà tổ tiên để lại.

Phòng hòa nhạc do vợ chồng NSƯT Đinh Linh và NSƯT Tuyết Mai mở để giới thiệu âm nhạc dân tộc. 

Những chuyến đi trình diễn ở các giảng đường đại học, chị thường xuyên đứng trước câu hỏi quen thuộc của sinh viên “đàn gì mà sao nghe thánh thót thế”. Chị bật ra câu hỏi trong đầu và tìm thấy câu trả lời: “Vì sao không nhiều người Việt tìm đến nhạc dân tộc? Vì họ không hiểu”.

Chị thuật lại câu chuyện mà chị và chồng là NSƯT Đinh Linh (thổi sáo) đã “tự cứu mình” trên cả hai phương diện kinh tế và chức nghiệp: “Tất nhiên, trong cái khó ló cái khôn. Vợ chồng tôi có điều kiện đi nhiều nơi trên thế giới, học hỏi được cách làm của họ. Nên ngay từ năm 1992, chúng tôi đã mở phòng hòa nhạc miễn phí ở dinh Thống Nhất và lấy doanh thu từ bán băng cassette để tồn tại”.

Sau rất nhiều bấp bênh, khó khăn, vợ chồng chị đến nay đã ổn định với cơ ngơi nho nhỏ là một phòng hòa nhạc có tên Truc Mai House Music trên đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh với “80% khách ghé qua là khách Tây, chăm chú nghe rồi mua băng cassette để ủng hộ”.

Ngoài dụng ý phòng hòa nhạc trở thành nơi quảng bá âm nhạc dân tộc, chị mong muốn nó trở thành một câu lạc bộ dành cho những người yêu thích ghé qua. Từ ba năm nay, cứ vào khoảng thời gian từ 15/7 đến 15/9, chị lại mở các lớp dạy miễn phí cho mọi đối tượng lứa tuổi, nghề nghiệp. Có năm thu hút tới hơn 60 người tham gia học tập.

Nhiều người tỏ ra hoài nghi hai tháng làm sao dạy được một người biết đàn? Chị nói: “Tôi không hề có tham vọng này. Thực tâm tôi chỉ muốn người học hiểu được một cách cơ bản về âm nhạc truyền thống, gọi được đúng tên nhạc cụ và hiểu được cách chơi của gần 30 cây đàn ở đây. Để làm sao rời khỏi đây sau hai tháng, họ có thể chơi được một bài dân ca trên một loại đàn cụ thể. Từ đó, họ sẽ giúp tôi làm một “tuyên truyền viên” làm lan tỏa tình yêu và sự hiểu biết âm nhạc dân tộc trong cuộc sống”.

Trở lại vấn đề, người ta dễ nhận thấy đây không phải là mô hình cứu thoát cho nhiều người mà chỉ là cách tự cứu lấy mình từ một nỗ lực riêng lẻ. Vấn đề của những nghệ sĩ, nhạc công nhạc dân tộc bỗng trở nên rộng hơn và trở thành câu chuyện của Nhà nước và xã hội.

Bài cuối: Thu nhập "khủng" của giới ca sĩ 

Minh Chánh