- Khán giả được nghe lại một trích đoạn rất quen thuộc trong vở nhạc kịch “The Phantom of the Opera” (Bóng ma nhà hát) của nhà soạn nhạc người Anh Andrew Lloyd Webber.

“Từ cổ điển đến musical” là chương trình hòa nhạc dựng lại một hành trình của âm nhạc nước Anh qua tác phẩm nổi bật của những bậc thầy.

TIN BÀI KHÁC

Tinh thần cổ điển và hơi thở của cuộc sống hiện đại sẽ là hai chủ đề chính của chương trình do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) hợp tác với Hội đồng Anh thực hiện, diễn ra vào ngày 29/3 tại Nhà hát Thành phố.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh sẽ chỉ huy dàn hợp xướng và giao hưởng của chương trình.

Trong phần đầu “Hành trình âm nhạc Anh quốc”, nhạc trưởng trẻ Trần Nhật Minh chỉ huy dàn hợp xướng, piano và ban nhạc nhẹ của nhà hát trình diễn 5 tác phẩm âm nhạc nổi bật của nước Anh qua các thời kỳ.

Theo đó, bản “Halleluja” trích từ thanh xướng kịch “Мessiah” của nhà soạn nhạc George Frideric Handel (1685 – 1759) mở đầu chương trình như là một đại diện cho thời kỳ tiền cổ điển. Bản nhạc mang âm hưởng nhạc nhà thờ này được cho là khởi nguồn của mọi hình thức và thể loại âm nhạc kinh điển Châu Âu phức tạp sau này.

Hành trình tiếp tục đi tới thời kỳ âm nhạc lãng mạn qua tác phẩm “Ave verum” của nhà soạn nhạc Edward Elgar, người nổi tiếng với những giai điệu tuyệt đẹp và thơ mộng. Sau đó, sẽ bùng nổ với âm nhạc của Freddie Mercury, linh hồn của ban nhạc rock Queen và cũng là người vào năm 2009 được bình chọn là ca sĩ nhạc rock vĩ đại nhất mọi thời đại.

Nhà soạn nhạc người Anh Andrew Lloyd Webber, cha đẻ của nhạc kịch nổi tiếng “The Phantom of the Opera”.

Cuối hành trình âm nhạc là sản phẩm nghệ thuật đặc biệt của thế kỷ 20: musical (nhạc kịch). Loại hình nghệ thuật này được nói đã làm nên kỳ tích trong lịch sử nghệ thuật cũng như giải trí. Musical thu hút một lượng khán giả khổng lồ nhờ kết hợp cả âm nhạc kinh điển lẫn đại chúng; nghệ thuật múa; nghệ thuật kịch và hiệu ứng sân khấu.

Trong phần này, khán giả được nghe lại một trích đoạn rất quen thuộc trong vở nhạc kịch “The Phantom of the Opera” (Bóng ma nhà hát) của nhà soạn nhạc người Anh Andrew Lloyd Webber. Đây được xem là tác phẩm âm nhạc sân khấu thành công nhất mọi thời đại, xét trên sự công nhận của hàng loạt giải thưởng, chuyển thể sang 20 ngôn ngữ khác nhau và có số buổi diễn lên tới hơn 10 ngàn show trên sân khấu Broadway (Mỹ) và West End (Anh), đến nay vẫn còn tiếp tục.

Tác phẩm múa đương đại “Những mảnh ghép của giấc mơ” của hai biên đạo là anh em ruột: Phúc Hải và Phúc Hùng.

Một vở khác nổi tiếng không kém của Webber là “Cats” cũng được giới thiệu, qua trích đoạn “Những khúc hát về Jellicle”, như là tiết mục khép lại phần đầu tiên của chương trình. Phần hai của chương trình là tác phẩm múa đương đại “Những mảnh ghép của giấc mơ” của hai nhà biên đạo trẻ đang rất thành công và cũng là cặp anh em ruột: Phúc Hải và Phúc Hùng.

Tác phẩm múa này lấy cảm hứng từ một cấu tứ của Cherry Hartman: “Nếu ước mơ của bạn đang đổ vỡ, hãy giữ lại những mảnh vụn của giấc mơ, bạn có thể tìm thấy mảnh vỡ của hy vọng trong đống đổ nát ấy”.

Phần âm nhạc trong vở đan xen tác phẩm của hai nhạc sĩ Việt là Nguyễn Mạnh Duy Linh và Vũ Việt Anh (nổi tiếng với ca khúc “Dòng sông lơ đãng”) và của ba nhạc sĩ đương đại: Philip Glass, Michael Nyman và Max Richter. Vở diễn được đánh giá có ngôn ngữ khá táo bạo và mới mẻ, tạo được ấn tượng mạnh, tính triết lý và sự suy tưởng. Các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Ballet của HBSO sẽ trình diễn tác phẩm này.

Khải Trí