- “Mỗi khi ai đó hỏi về tranh của tôi, tôi lại cảm giác như có lỗi, cảm thấy mình không xứng đáng với sự thăm hỏi và mong đợi của họ”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi mở đầu cuộc trò chuyện với tôi. Anh châm điếu thuốc, và rồi dường như mượn khói thuốc để làm nhòa đi chính gương mặt mình.

Tranh luận nóng về việc chọn Quốc hoa

Họa sỹ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961 tại Con Cuông, Nghệ An. Gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng lên 6,7 tuổi anh đã bắt đầu thích vẽ. Ngô Xuân Khôi thường dùng phấn học sinh hoặc những mảnh gạch nhỏ vẽ lên bất cứ chỗ nào có thể.


Lên 7, hồi đó còn chiến tranh, trong lâm trường nơi bố mẹ anh làm có hầm chữ A rất to. Trong các lần xuống hầm chơi, Xuân Khôi thường vẽ lên thành gỗ nâu sẫm của căn hầm đủ các thứ ngộ nghĩnh, trong đó có hình ảnh các chú bộ đội đang bắn máy bay Mỹ. Chỉ có điều, những nét vẽ hướng đi của đường đạn không nhằm thẳng vào mục tiêu mà đón trước theo hướng máy bay bay tới.

Anh bảo: “Mình tuổi trâu nên vất vả lận đận lắm”. Đúng vậy, tuổi thơ anh theo bố mẹ lăn lộn trên các cánh rừng, cung đường miền sơn cước. Sau Giải phóng, gia đình anh chuyển về thành phố Vinh. Đang học cấp 3 dở dang, năm 1979, như bao thanh niên khác lúc bấy giờ, anh hăng hái lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Đành gác lại bút nghiên, gác lại ước mơ làm nghệ thuật.

Trong quân đội, vì có chút hoa tay nên anh được làm công tác tuyên huấn ở Binh đoàn 318. Đến năm 1983 anh ra quân, về học tiếp cấp 3 và thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành tranh tường. Thời gian học đại học đã giúp Xuân Khôi tiếp cận được những vấn đề chuyên môn và mới mẻ nhất của mỹ thuật hiện đại. Bên cạnh công việc học tập trong nhà trường, anh còn tham gia bất cứ việc gì liên quan đến vẽ tranh, để học hỏi và khám phá chính mình, kể cả vẽ biếm họa.

Thời sinh viên anh từng làm cộng tác viên chuyên mục hài hước cho các tờ Tiền phong, Hà Nội mới, Nhân dân, Đầu tư… “Tranh biếm họa đòi hỏi người vẽ phải có óc hài hước, có cái nhìn phát hiện và bút pháp thể hiện phải cường điệu, đặc biệt là rất “kiệm lời"", anh nói. Thời gian này anh cũng sáng tác được nhiều tranh sơn dầu và lụa. Cái cảm giác được diễn đạt suy nghĩ, xúc cảm của mình trên cây cọ, được bày tỏ, chia sẻ với mọi người bằng ngôn ngữ của sắc màu khiến anh hạnh phúc. Anh cảm thấy từng nốt trong khuông nhạc tâm hồn mình được chạm tới mỗi khi vẽ.


"Phố", 1995

Hết Đại học, năm 1991 Ngô Xuân Khôi ra trường và đây là lúc anh thỏa sức sáng tác tranh. Năm 1993, anh đoạt giải Ba trong triển lãm Mỹ thuật Thủ đô với bức tranh lụa “Phố thu”. Những mái phố màu nâu, những tán lá sấu vươn ra trong gió và vài chiếc lá vàng rơi lả tả trên các mái nhà… được khắc họa một cách tinh tế, mềm mại trên mặt lụa. Đó là bức tranh đầu tiên đánh dấu thành công của anh trên con đường hội họa. Năm 1997 và 2002 các tác phẩm của anh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng trong triển lãm Mỹ thuật khu vực I (Hà Nội).

Thử sức mình ở nhiều loại chất liệu, thích những gam màu mạnh mẽ, đa dạng, có chiều sâu của sơn dầu, thích cái mềm mại dịu dàng của tranh lụa, nhưng Ngô Xuân Khôi cũng rất yêu giấy Dó. Ở ở đó anh tìm được cho mình cách diễn đạt cảm xúc tối ưu nhất, thể hiện được phong cách riêng của anh. Anh đã có 2 triển lãm chung với 2 họa sỹ khác vào các năm 1993, 1995 chủ yếu là với tranh lụa và giấy dó. Nhiều người còn nhắc đến chùm tranh vẽ về người dân tộc ở Hà Giang và chùm tranh vẽ phố Hà Nội của anh sau hai cuộc triển lãm ấy.


Thanh niên người Dao, 1990

Nhả khói thuốc rồi cười buồn, Ngô Xuân Khôi nói: “Tôi cảm thấy mình mắc nợ những gam màu, mắc nợ chính mình…”. Rồi anh kể cho tôi nghe “sự phụ bạc” của anh với hội họa. Tất bật trong cuộc mưu sinh, Ngô Xuân Khôi gần như đã “quên” sáng tác tranh suốt gần chục năm nay. Nỗi đam mê vẫn còn nguyên đấy, nhưng anh bỏ đói nó để lao đầu vào những sách vở, những công việc, những trách nhiệm, những niềm vui nho nhỏ dễ đến và dễ qua đi.

Hiện tại, Xuân Khôi là họa sỹ vẽ minh họa, thiết kế bìa sách cho Nhà xuất bản Phụ nữ. Công việc cũng thú vị, khiến anh hài lòng, nhất là những khi một ấn phẩm được in ra. Gần như năm nào Ngô Xuân Khôi cũng được giải vẽ bìa sách của Hội Xuất bản Việt Nam, với các cuốn như “Thần thoại Hy Lạp”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”… Đó cũng là thành công ít người có được, cũng là niềm vui của anh.

"Ở góc độ nào đó, tôi quan niệm không phải người họa sỹ nào cũng được đào tạo để sáng tác hội họa. Họ có thể làm nhiều công việc, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều có đích chung là cái đẹp”, Ngô Xuân Khôi nói.
    
Quỳnh Lâm