- Nguyễn Việt Hà đã “giải phẫu” đám con trai đất Bắc theo một lối viết nửa nghiêm túc, nửa chọc cười độc giả…

TIN BÀI KHÁC
Tại sao con người khác loài diều hâu?
Sách “bom tấn” của tác giả “Harry Potter” đến VN
“Người không tay chân” đến VN truyền cảm hứng
Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường tìm lại thời gian đã mất

10 năm rồi Nguyễn Việt Hà không ra mắt tiểu thuyết nào mới. Sau “Cơ hội của Chúa” lẫn “Khải huyền muộn” (những cái tên đậm đà "Tây học"), dường như đã ngán viết dài, anh chuyển sang những cái ngắn: truyện ngắn, tạp văn.

Vì vậy, với những người mê "Nguyễn Việt Hà tiểu thuyết", quả thực không biết nên vui hay nên buồn khi cái “món bò sốt vang bán cho quảng đại tiểu thị dân, vừa tươi đỏ màu hoa hiên vừa nồng nàn mùi vang quá “đát” từ tập "Con giai phố cổ" (2013) - lại là "món" duy nhất anh chế biến và giới thiệu với độc giả, chiu chắt từ năm 2004.

Trước khi làm quen với độc giả qua tạp văn, Nguyễn Việt Hà đã nổi tiếng với "Cơ hội của Chúa" và "Khải huyền muộn"

Cầm trên tay quyển "Con giai phố cổ", lời bạt còn cho biết "Cơ hội của Chúa" (tác phẩm đầu tay của Nguyễn Việt Hà ra mắt năm 1999) vừa được nhà xuất bản L’Aube mua bản quyền, chuyển ngữ và ra mắt vào tháng 3 này. Càng có thêm cái cớ để độc giả nhớ về những cuốn tiểu thuyết của anh. L’Aube nổi tiếng cỡ nào thì không rõ, chỉ nhớ một chi tiết là nhà văn Chu Lai chưa nhận được đồng nào tiền bản quyền cuốn "Phố" (theo báo chí đưa tin từ năm 2009) khi hợp tác với họ. Hy vọng Nguyễn Việt Hà may mắn hơn.

Và để xem tạp văn của người viết tiểu thuyết thì như thế nào! Trước “Con giai phố cổ”, Nguyễn Việt Hà cũng đã từng cho ra mắt 3 tập tạp văn “Nhà văn thì chơi với ai”, “Mặt của đàn ông”, “Đàn bà uống rượu”. Nhưng “Con giai phố cổ” lại là một cái gì đó rất “động chạm”: Hà Nội, phái mạnh và cái cách dùng từ cổ xưa, kiêu bạc, kiểu công tử Hà Thành.

"Con trai phố cổ" chia làm 3 phần: 1. Đàn ông, con giai & mưu sĩ; 2. Đàn bà, thiếu nữ & thiếu phụ, 3. Mê, tình & những thứ khác. Phần 1 và 2 - nhất là phần 1 thì nồng độ Hà Nội tương đối cao, thậm chí là đậm đặc. Nó giúp người đọc tò mò, xa lạ hiểu rõ hơn Hà Nội. Ở đó có nhiều thông tin mang đượm vị quán bia phố cũ...

Và nhất là đàn ông Hà Nội, tác giả đã khắc hoạ được một số chân dung mà sau này nếu may mắn sẽ là một chủ đề cho giới mê hội họa: nhóm cao bồi già (hiện có rất nhiều ở quán café cóc khu Nhà hát Chuông vàng), bọn con giai phố cổ - "bọn này đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt được vào đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi, những gã “đạp xe không chậm lắm, mặt lành lạnh nửa vui nửa như bất cần”...

Chân dung của bọn "con giai phố cổ.

Những nhân vật ấy mang cả hình ảnh của Hà Nội lẫn đặc trưng con giai đất Bắc trong mình. Nguyễn Việt Hà còn cũng giới thiệu một số tuýp nhân vật nữa của thời hiện đại: đàn ông có “cạc” – những ông nhà văn kiêm nhà thơ kiêm giáo sư tiến sĩ, kiêm trưởng hội và phó trưởng hội của rất nhiều hội; đàn ông hoài cổ - “nôm na là “nhớ cũ”, và mười phần trong nỗi nhớ dung dị đấy thì đến bảy tám là bồi hồi run rẩy…

Tôi cho rằng những phần tinh túy nhất đã đọng lại ở những khu biệt đàn ông, rất "chúng mình" ấy. Sang đến phần sau, có lẽ chỉ còn lại những quan sát ngoại biên. Đàn bà là gì? Có lẽ phải để chính những thiếu phụ lên tiếng về các bức hoạ này. Những chủ đề sẽ được cười khanh khách là “thiếu phụ hồi xuân”, “thiếu phụ trẻ lâu”... Nhưng sau nụ cười ấy, người đọc phải chậm lại một giây để nghĩ về bóng dáng những người vĩ đại có thể đã khuất nơi chân trời. “Bởi cái đám đàn ông quen chật hẹp đố kỵ khoe khôn soi mói kia, có thể không có chị, có thể không có vợ, có thể không có bồ nhí nhưng vĩnh viễn chưa bao giờ bọn họ lại không có hiền mẫu…”

Với một tay viết gạo cội như Nguyễn Việt Hà, không hiểu do chủ ý tác giả hay biên tập mà trong sách lại sử dụng từ "trịnh thượng" thay cho "trịch thượng". Nhưng dù sao đó cũng chỉ là một thắc mắc nhỏ thôi, "Con giai phố cổ" làm người đọc thêm yêu Hà Nội, có khi thêm yêu cả tạp văn nữa không chừng.

Nguyễn Hữu Minh