- Những đầu sách được đánh giá là tinh hoa và "chấn hưng dân trí" cũng chỉ bán được chừng 2000 bản.
Cuộc tọa đàm thông báo về giải thưởng Phan Châu Trinh 2012
diễn ra chiều 25/03 và từ đó người ta cũng biết thêm một sự thật đáng buồn. "Những
vấn đề được quỹ VH Phan Châu Trinh quan tâm và trao giải càng ngày càng
đa dạng và có uy tín. Thế nhưng tình trạng bán sách thì không khá hơn. Có lẽ những người
thật sự quan tâm đến sách thì không có nhiều tiền và những người có
nhiều tiền thì không quan tâm đến sách lắm" - ông Chu Hảo - Phó chủ tịch điều hành Quỹ nói.
Một số tác phẩm dịch của ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường)
"Mỗi
một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được trên 2000
cuốn, trên 84 triệu dân. Tôi nói như vậy chắc ai nghe cũng đau lòng. So
sánh với những cuốn sách có thị hiếu văn hóa như nhiều người nói là
không cao - chúng cũng bán được khoảng 10.000 đến 15.000 bản". Trong số các đầu sách của các tác giả đoạt giải, "Bàn về tự do" có lẽ đã gây ra cuộc đột phá lớn khi bán được 12.000 bản.
TS Chu Hảo cũng nhắc thêm về sự thay đổi của văn hóa
Mạnh Thường Quân trong nhiều năm gần đây. Nếu như khởi đầu của văn hóa
Mạnh Thường Quân là sự tài trợ, bảo trợ cho văn hóa, giáo dục, khoa học
và nghệ thuật, thì Mạnh Thường Quân ở Việt Nam ngày nay thường rót tiền
cho các giải bóng đá hay các cuộc thi hoa hậu, người đẹp.
"Không còn được như xưa nữa. Bây giờ họ muốn hình
ảnh của mình được quảng bá ngay tập tức tới hàng triệu người. Họ chưa
muốn tài trợ cho những cái không thể đánh bóng tên tuổi được nhanh.
Trước đây, ở Châu Á, Mạnh Thường Quân đã đóng góp nhiều cho các văn nghệ
sĩ. Còn ở Châu Âu họ bảo trợ cho khoa học. Khoa học phương Tây có thể
phát triển được mạnh mẽ cũng một phần nhờ có các Mạnh Thường Quân. Bây
giờ truyền thống đó vẫn còn, như ở trường Harvard chẳng hạn".
TS Chu Hảo và GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn trao đổi với các phóng viên xung quanh giải thưởng.
Quỹ
VH Phan Châu Trinh hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao cho thế
hệ trẻ khi ông Chu Hảo thông báo về 3 nhân sự mới sẽ tham gia Hội đồng
khoa học kể từ năm sau, nâng con số thành viên từ 8 lên 11 người. Đó là
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, nhà kinh tế học trẻ tuổi TS Nguyễn Đức Thành và TS Vũ Thành Tự Anh. Động thái này như ông Chu Hảo cho biết, thể hiện một "khuynh hướng trẻ hóa dần, canh tân văn hóa, giáo dục hiện đại"
trong bối cảnh những người đứng đầu quỹ đều đã cao tuổi. Nguyên phó chủ
tịch nước Nguyễn Thị Bình (chủ tịch quỹ, cháu ngoại của Phan Châu
Trinh) năm nay 85 tuổi, nhà văn Nguyên Ngọc 80 tuổi, ông Chu Hảo và
Nguyễn Trọng Chuẩn cùng tuổi 73.
Giải thưởng Phan Châu Trính sẽ chính thức được trao
vào 19h00 ngày 29/03 tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của chủ
tịch quỹ Nguyễn Thị Bình và các tác giả nhận giải Dịch thuật và Vì sự
nghiệp văn hóa và giáo dục. Vài ngày trước, bà Nguyễn Thị Bình đã có mặt
tại Pháp, đích thân trao giải thưởng Nghiên cứu và Việt Nam học cho GS
Lê Thành Khôi và TS Philippe Langlet.
Hồ Hương Giang
Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh 2012
- Ông Lê Thành Khôi: Giải thưởng Nghiên cứu (2012)
- Ông Philippe Langlet: Giải Việt Nam học (2012)
- Ông Vũ Đức Hiếu: Giải vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục (2012)
- Ông Chu Tiến Ánh: Giải thưởng Dịch thuật (2012)
- Ông Phạm Duy Hiển: Giải thưởng Dịch thuật (2012)
- Bà Bùi Trân Phượng: Giải vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục (2012)
|