- Đạo diễn Charlie Nguyễn trả lời phỏng vấn báo VietNamNet xoay quanh những rắc rối gần đây của “Bụi đời Chợ Lớn” vì nội dung bạo lực.

Các tin liên quan

Hà Nội - mùa nhạc hay khó bán vé

Cao Thái Sơn và những cú lừa ngoạn mục

Những pha trượt chân buồn cười trên sàn catwalk

Kyo York nói về chuyện gạ gẫm "tình tiền"

Bạn trai tiết lộ chuyện 'yêu' Lâm Chi Khanh

Những điều ít biết về vợ sắp cưới của Đan Trường

 {keywords}

Đạo diễn Charlie Nguyễn (phải) và diễn viên Johnny Trí Nguyễn trên phim trường “Bụi đời Chợ Lớn”

Bị "thổi còi" vì cảnh hành động quá thật?

Được biết ông vừa phải quay lại một số cảnh trong bộ phim hành động tội phạm “Bụi đời Chợ Lớn”. Chuyện gì xảy ra với bộ phim?

Bộ phim là thông điệp về nỗi ám ảnh, sự khao khát quay về thế giới bình yên của những tay anh chị, sau khi đã lỡ bước chân vào giới giang hồ và rất khó để rút lui. Tôi làm lại để thông điệp này sáng tỏ hơn. Vì trong lần duyệt phim đầu tiên, tôi nhận được vài góp ý của Hội đồng duyệt, trong đó có nêu ra vài điểm mà phim phải điều chỉnh. Cá nhân tôi nghĩ vấn đề của bộ phim không nằm ở thông điệp, mà ở nhiều cảnh mang tính bạo lực.

Trong hoàn cảnh bạo lực dễ bị cho là nội dung cấm kỵ, vậy điều gì có thể lý giải cho tính cần thiết và hợp lý của chúng trong một bộ phim?

Về mặt giải trí lẫn nghệ thuật, một bộ phim dù là hài hước hay hành động cũng đều phải có những xung đột, mâu thuẫn và chống đối một cách gay cấn và kịch tính. Với phim hành động thì xung đột dẫn tới những cảnh đánh đấm, rượt đuổi. Cả thế giới đều làm theo công thức này. Vì vậy, tính bạo lực trong thể loại phim hành động là không thể thiếu được.

Còn về mặt nội dung, nếu mình muốn làm một bộ phim nêu thông điệp chống bạo lực, ma túy hay chiến tranh, tôi cho rằng mình phải làm tới nơi tới chốn, rất là cực. Mục tiêu của thông điệp có thể đạt được một cách hiệu quả qua cách mình cố gắng làm phim hay và chân thật, ám ảnh và khốc liệt, cũng như gây được cảm nhận cho khán giả về cái giá mà nhân vật phải trả. Những bộ phim như vậy mới có thể khiến người xem quan tâm và suy tư về thông điệp mình đã nêu.

Trên thế giới cũng có rất nhiều phim mô tả thế giới ngầm của các băng đảng với mức độ máu me, bạo lực ở cường độ cao như loạt phim “Bố già”, “Goodfellas”, “Gangs of New York”, “The Departed”… Nếu các đạo diễn không làm tới bến như vậy, những bộ phim này khó có thể được xếp vào hàng kinh điển và đoạt được nhiều giải Oscar như chúng đã được vinh danh.

Quan niệm như vậy nên tôi muốn những cảnh hành động trong “Bụi đời Chợ Lớn” phải chân thật, khắc nghiệt và trung thực như đời sống thật bên ngoài. Có thể vì chính nguyên nhân này mà hội đồng duyệt thấy nó mang tính bạo lực quá mạnh, làm ảnh hưởng đến người xem trẻ.

 {keywords}

Một cảnh thanh toán nhau của giới giang hồ trong “Bụi đời chợ lớn”

Không có chuyện “Bụi đời Chợ Lớn” tôn vinh bạo lực

Không thể chối cãi là phim ảnh phải có nhiệm vụ phản ánh đời thực, trong đó có chủ đề bạo lực. Nhưng ông có cho rằng những mô tả bạo lực trên màn ảnh có thể kích thích những hành động bạo lực ngoài đời thật?


Tôi không hề muốn làm phim tôn vinh hay đề cao bạo lực, mà chỉ muốn đưa một góc nhìn thật để người ta suy nghĩ về nó nhiều hơn. Do vậy, nếu bảo “Bụi đời Chợ Lớn” tôn vinh bạo lực thì đó là cái nhìn sai lạc. Trước hết đây là phim hành động võ thuật, giống như phim võ hiệp của Trung Quốc, samurai của Nhật hay cao bồi của Mỹ. Chỉ có điều khác ở đây là câu chuyện xảy ra trong thời hiện đại, giữa giới võ lâm giang hồ.

Do kinh phí làm phim hạn hẹp, phim không thể đặt nó vào bối cảnh cổ trang, mà chỉ có thể phản ảnh thế giới giang hồ đương đại trên những điều kiện làm phim mà mình có sẵn. Nếu không nhìn sâu vào thông điệp, tức trái tim của bộ phim, bạn sẽ chỉ thấy nó đơn thuần câu chuyện của đám bụi đời, du đãng giang hồ đánh nhau.

Tôi nghĩ câu chuyện này cần truy nguồn gốc về nền tảng giáo dục nhà trường và gia đình của mỗi cá nhân. Nhìn lại vụ thảm sát mô phỏng theo nhân vật trong phim Batman vừa qua ở Mỹ, ta có thể thấy: nếu một người đã có sẵn mầm mống bạo lực, bệnh hoạn trong tâm thần thì sự bùng nổ là tất yếu.
{keywords}
 Johnny Trí Nguyễn làm đạo diễn hành động kiêm diễn viên chính của bộ phim

Phim của tôi không thể bạo lực bằng phim Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ

Nhiều bộ phim nhập ngoại gần đây như “Hành trình Django” hay “Thợ săn phù thủy”…đều mô tả bạo lực ở cường độ rất mạnh. Ông có cho rằng đang diễn ra một phân biệt đối xử đối với phim Việt không, thưa ông?


Bạo lực trong phim nước ngoài quả là sẽ dễ hơn so với phim Việt. Tôi có thể hiểu Hội đồng duyệt cho rằng bạo lực xảy ra trên phim nước ngoài thì đó cũng là chuyện của xứ người, xa vời với mình nên dễ có cái nhìn cảm thông và cởi mở hơn. Còn phim phản ánh hiện thực ở đây, họ sẽ quan tâm để ý hơn. Thật khó nói điều này là công bằng hay không công bằng.

Nhưng ngược lại, nếu nói phim của tôi bạo lực thì chắc là không thể bạo lực bằng phim Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ. Và thực tế là chúng ta đang không thể cấm khán giả trẻ không được xem phim bạo lực bởi chúng đầy trên internet.
  {keywords}
Những rắc rối vì cảnh bạo lực khiến bộ phim đã phải hoãn lại lịch chiếu đã ấn định ngày 19/4

Tiếc vì bao nhiêu công sức của hàng trăm con người đã bỏ ra

Việc “Bụi đời Chợ Lớn” phải dời lịch chiếu và ông phải quay lại một số cảnh có làm kinh phí bộ phim đội lên?


Chắc chắn rồi, tôi phải tổ chức đoàn lại, viết lại, dàn dựng lại, làm hậu kỳ lại, từ âm thanh, kế hoạch in bản nhựa… Kinh phí này nằm ngoài tình huống nên nhà sản xuất phải đắp thêm vào khiến vượt mức an toàn doanh thu.

Được biết đoàn làm phim có người đã phải đổ máu trên phim trường đến mức phải nhập viện. Những khó khăn đến giờ chưa hết có làm ông nản lòng làm phim hành động?

Không, chuyện bị thương trên phim trường là bình thường. Bất cứ hoạt động nào của bạn trong cuộc sống cũng không thể tránh khỏi rủi ro bị thương. Chúng ta không có xe khủng, súng cối, đạn bom, máy móc đủ kiểu, làm nổ cao ốc, đường xá này kia như Hollywood, nên phải lấy sức tay chân của mình ra để đánh đấm. Do vậy chuyện này lại càng không thể tránh khỏi. Nhất là khi sau nhiều giờ làm việc, cơ bắp của các diễn viên đã mỏi nhừ không còn chính xác nữa. Tôi chỉ hơi tiếc nếu bộ phim không được Hội đồng duyệt đồng ý. Tiếc vì bao nhiêu công sức của hàng trăm con người đã bỏ ra.

Minh Chánh thực hiện