- "Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời.". Vậy, cái gì tồn tại ở nơi không có ánh mặt trời?

>> Cuốn sách làm tăng tình yêu và lòng can đảm
>> 'Tri thức, cụ thể là triết học sẽ là nhà trường của tự do'
>> Sách Việt ra thế giới: Bóng nhạn cuối chân trời

"Hoang tâm" của Nguyễn Đình Tú được xem là dấu mốc khó quên của nhà văn sinh năm 1974 này, sau khi anh đã ra mắt tới 5 tác phẩm. Mở đầu cuốn sách, nhà văn/nhà văn hóa Inrasara viết lời dẫn nhập: "Lịch sử Việt Nam giai đoạn qua đầy thiếu khuyết. Cải cách ruộng đất, đã có vài tác phẩm động cập đến, nhưng chưa nhiều. Chiến tranh biên giới Tây Nam càng hiếm hơn nữa. "Hoang tâm" của Nguyễn Đình Tú nằm trong dạng hiếm ấy. Nhưng đó không phải là tiểu thuyết sử thi... nó người hơn."

Phóng viên VietNamNet trò chuyện với Nguyễn Đình Tú khi tác phẩm vừa ra mắt. Cuộc trò chuyện nhằm làm rõ tâm thế sáng tác của nhà văn, và cách nhà văn giải thoát những chấn thương tâm lý cho người lính.


{keywords}
"Hoang tâm" là một cuốn sách hiếm có viết về chiến tranh biên giới Tây Nam.
Cuộc chiến nổ ra sau khi quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam,
giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975-1978.

Tại sao anh lựa chọn từ "chiến trường K." để nhắc về cuộc chiến của quân đội Việt Nam với thế lực Pol Pot ở Campuchia cuối những năm 70 (chiến tranh biên giới Tây Nam)?

-  Chỉ vì tôi không muốn ám thị bạn đọc về một hiện thực có sẵn. Tôi muốn bạn đọc được lạc vào một thế giới do tôi dựng nên. Tất cả những cách diễn đạt đó có tính biểu tượng và mã hóa rất cao. Bạn có thể hiểu đó là cuộc chiến này, cũng có thể hiểu đó là một cuộc chiến khác.

Dẫn nhập truyện, anh viết "Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời"? Vậy, cái gì tồn tại ở nơi không có ánh mặt trời?

- Đó là những cái trong tâm tưởng. Đừng tưởng những bi kịch vật chất mới là kinh khủng, kinh khủng hơn cả là những bi kịch trong tâm hồn, những dư chấn tâm lý, những suy tưởng xuyên không gian, thời gian đủ để hiện diện rất nhiều câu chuyện âm bản không tồn tại dưới ánh mặt trời. Lời đề từ đó có thể là gợi ý một cách hiểu của bạn đọc khi đến với tiểu thuyết "Hoang tâm".

Bản thân nhà văn đã trải qua cuộc hành trình như thế nào, sau khi viết xong "Hoang tâm"?

- Bắt đầu một cuốn tiểu thuyết là bắt đầu một hành trình. Sau khi kết thúc, tôi tìm được nhiều thứ hơn tôi tưởng. Tôi đã nghĩ mình chỉ có thể đi vài chục km đường, nhặt được vài thứ hoa trái - nhưng hóa ra tôi đã đi được hàng trăm km và tìm được nhiều điều hơn thế.

Khi bắt tay vào cuốn tiểu thuyết thứ 6, tôi biết rằng mình buộc phải tìm ra một kết cấu mới, giọng văn mới, một kiểu nhân vật mới. Và rốt cuộc, cuốn tiểu thuyết đã được hoàn thành, tôi tương đối hài lòng và phần nào thấy thú vị. Trước đây, tên tuổi Nguyễn Đình Tú "chết dí" với văn học hiện thực, nhân vật hiện thực, dù độc đáo hay dị biệt, giọng văn thì có người nhận xét là "thô", là xô bồ hay "ngôn ngữ mang tính ám ảnh bạo lực" hoặc “ám ảnh tình dục”. Nhưng với "Hoang tâm", tôi sử dụng lối viết như có người nhận xét là ma mị hơn, liêu trai hơn. Nó dẫn dụ được bạn đọc tới một miền xa thẳm nào đó. Nó thoát ly được hiện thực, trong khi những tác phẩm trước của tôi thường bám lấy hiện thực, dù ở những góc độ khuất lấp hay nghiêng lệch.

Ngoài những khám phá về mặt thủ pháp, khám phá mang tính nhân sinh là gì?

- Cũng vẫn là để kêu gọi nhân văn, nhân tính. Xét cho cùng, cuốn tiểu thuyết đề cập đến những dư chấn, những hoang mang khắc khoải của nhân vật Anh - để kết chuyện, anh ta được an nhiên, được sống đẹp, tự giải thoát mình khỏi bi kịch. Ngoài ra, khác với những người khác, tôi thiêng liêng hóa mầm dục trong con người. Mầm dục mà tôi muốn nói ở đây không đồng nghĩa với cái thô bỉ, thấp hèn.


{keywords}
Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Anh có thực sự tin rằng: với 1 người chán chường (như nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết), bản năng tính dục được hồi sinh sẽ là cứu cánh cho anh ta?

- Tôi rất tin chữ "dục" là động lực sống của con người. "Dục" có thể hiểu là tất cả nhu cầu sinh học để duy trì sự sống. Là ăn uống, hít thở, là chuyện giới tính. Người ta gọi nó là ham muốn. Khi sống mà không có ham muốn, đã tắt hết "lửa lòng" rồi - thì cũng không còn động lực để lao động, học tập, cống hiến. Ở đây tôi đang bàn đến số đông chứ không phải các bậc tu hành.

Tình dục là một ý nhỏ nhưng quan trọng, trong cả một hàm nghĩa lớn của chữ "Dục". Tôi cũng muốn dùng nó để đưa vào tác phẩm với ý "mầm dục" là cái quyết định đến động lực phát triển của xã hội. Trong tiểu thuyết, tộc người Mụ theo chế độ mẫu hệ, nhưng luật tục quy định khi nữ tộc trưởng tắt dục thì phải nhường ngôi cho người khác. Đó là một câu chuyện hư cấu và vấn đề “mầm dục” được đưa ra như một ám chỉ nghệ thuật.

Nhân vật chính (không có tên, được gọi giản dị là Anh) tìm lại được "mầm dục" của mình khi đồng hành cùng cô gái mang tên Son Phấn. Anh ta đã có thể thanh thản, ngủ yên. Nhưng còn kí ức về cuộc chiến tranh thì sao? Tôi có cảm giác nó chưa được giải quyết. Anh ta có thể giải thoát mình khỏi ám ảnh với cuộc chiến đó không?

- Kết thúc tiểu thuyết, từ một người mất ngủ, nhân vật đã có thể ngủ lại được, có nghĩa là đã phần nào xóa đi, làm lành được vết thương lòng của mình. Dù bản thân anh ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng anh ta đã vượt qua được những dư chấn tâm lý ấy và tìm thấy cho bình sự bình an.

Lịch sử loài người từ trước tới nay không thoát khỏi những cuộc chiến tranh. Quá khứ không thể sửa chữa. Nhưng với tư cách là nhà văn, qua tác phẩm của mình, phải có khả năng phản tỉnh, phải nhận ra bi kịch thụ động của một lớp người này để thế hệ sau sẽ hiểu và dự liệu phần nào.

Như vậy là, sau khi "Hoang tâm" kết thúc, nhân vật Anh đã lùi lại phía sau, để lại bài học cho hậu thế?

- Không phải chỉ anh ta, mà cả cô Son Phấn, cả cuốn tiểu thuyết đã lùi lại phía sau. Phía trước của tôi là những kiểu nhân vật mới, những câu chuyện cùng những cách thể hiện mới mà tôi muốn dùng nó để tiếp tục giao cảm với đời.

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú!

Hồ Hương Giang