Về những lùm xùm quanh chuyện kiểm soát bản quyền đang xảy ra đối với hơn 1.000 nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Phạm Duy.
Câu chuyện được TS. Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên trường ĐH Kinh tế Luật, cũng là người bạn trong gia đình ông, chia sẻ và phân tích dưới góc độ pháp luật.
Các tin liên quan |
Phạm Duy: “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” Ngàn người rơi lệ tiễn đưa nhạc sĩ Phạm Duy
|
Tiến sĩ luật Nguyễn Ngọc Sơn. |
Xin hỏi ông luật pháp VN và quốc tế nói gì về bản quyền đối với một di sản âm nhạc được sử dụng phổ biến ở cả hai quốc gia mà tác giả đều mang quốc tịch?
Dước góc độ pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế, quyền tác giả luôn được pháp luật tôn trọng và bảo hộ ngay cả khi tác giả của các tác phẩm đã qua đời. Trong trường hợp này, quyền được bảo hộ sẽ chuyển giao cho người thừa kế thụ hưởng sau khi tác giả qua đời. Trong tình huống của cố nhạc sĩ Phạm Duy, có một số vấn đề đặt ra:
- Theo tôi được biết trực tiếp từ nhạc sĩ khi còn sống, ông đã nhượng quyền khai thác có thời hạn cho Công ty Phương Nam. Vì vậy, việc khai thác nhạc phẩm của ông còn phụ thuộc vào hợp đồng nhượng quyền của ông và Phương Nam. Chúng ta cần dựa trên hợp đồng này để xác định phạm vi về không gian (trong Việt Nam hay trên thế giới); về thời hạn (bao nhiêu năm). Người thừa kế của ông có trách nhiệm thực hiện hợp đồng này theo đúng nội dung được ghi trong đó;
- Về quyền thụ hưởng giá trị vật chất và quyền quyết định mọi vấn đề liên quan, chúng ta sẽ căn cứ theo di chúc hợp pháp của ông. Vấn đề thừa kế và vấn đề di chúc hợp pháp là vấn đề tế nhị trong phạm vi gia đình của ông.
Nhìn ra tương lai xa của 10 hay 50 năm tới, việc sử dụng kho di sản âm nhạc đồ sộ và phong phú này sẽ ra sao nếu chiếu theo luật định hiện hành?
Việc bảo hộ một nhạc phẩm luôn ở trong một thời hạn nhất định. Tức là pháp luật luôn đặt thời hạn cho việc bảo hộ tác phẩm của Ông (không là vĩnh viễn). Vì vậy, quyền thụ hưởng của người thừa kế cũng theo đúng thời hạn này. Theo tôi, gia đình ông biết rõ về thời hạn này và cộng đồng cũng không nên bình luận sâu.
Bản thông báo về tác quyền nhạc Phạm Duy trên một tờ báo hải ngoại gây dư luận gần đây. |
Hiện chỉ mới 1/10 số nhạc phẩm mà nhạc sĩ Phạm Duy để lại được cấp phép phổ biến tại VN. Vậy ai hay tổ chức nào có thẩm quyền hoàn thành di nguyện muốn có thêm nhiều bài khác được phổ biến của cố nhạc sĩ, thưa ông?
Do sự tồn tại của Hợp đồng nhượng quyền, người có quyền đề xuất hoặc đồng ý để người khác đề xuất phổ biến nhạc Phạm Duy không ai khác ngoài Công ty Phương Nam. Tôi cũng được biết là công ty Phương Nam đã và đang có những nỗ lực xin phép phổ biến nhạc Phạm Duy nhiều hơn nữa. Mặc khác, gần đây cũng có những thay đổi trong việc tổ chức phổ biến nhạc của những nhạc sĩ trước năm 1975 ở miền nam. Nhìn chung, tôi thấy có những tín hiệu khả quan cho việc phổ biến nhạc Phạm Duy.
Trước tình trạng nhiều ca sĩ hát sai lời hiện nay, có cơ chế nào để buộc các khai thác thương mại phải bảo vệ tính toàn vẹn và chính xác nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy không?
Cho đến nay, việc hát sai lời có nhiều nguyên nhân. Chúng ta chưa có chế tài cho việc hát sai lời một nhạc phẩm. Nhiều nhạc phẩm đã sinh ra nhiều dị bản do việc hát sai lời nhiều lần, qua nhiều thế hệ ca sĩ… Âm nhạc Phạm Duy vốn xuất sắc không chỉ ở giai điệu mà còn ở lời ca và ý thơ trong lời ca. vì vậy, tôi cho rằng với khung pháp lý về trình diễn hiện nay, chúng ta chỉ hy vọng vào sự nghiêm túc của ca sĩ mà thôi.
Cố nhạc sĩ Phạm Duy, người vừa ra đi ngày 27/1/2013, để lại cho đời di sản hơn 1000 nhạc phẩm |
Có thể thấy trong hoàn cảnh sinh hoạt trình diễn âm nhạc ở VN, những yêu cầu nghĩa vụ bản quyền khắt khe đang gây lo ngại sẽ hạn chế sự phổ biến của một di sản âm nhạc vốn rất cần được phổ biến. Theo ông, làm thế nào để có thể hài hòa lợi ích của những người thừa kế và lợi ích chung của xã hội?
Quả thật, pháp luật luôn đặt ra quyền bảo hộ để kích thích sự sáng tạo và cũng luôn quan tâm đến quyền lợi chung của xã hội. Việc hài hòa hai lợi ích chung – riêng đã thể hiện rõ trong thời hạn bảo hộ. Nhưng vấn đề của âm nhạc Phạm Duy có chút đặc biệt:
- Âm nhạc Phạm Duy là kho tàng đồ sộ mà nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến trong rất nhiều thập niên. Tuy nhiên, do sự xa cách quá lâu, nên âm nhạc Pham Duy còn mới mẻ đối với nhiều thế hệ trẻ sau này. Sự trở về của ông cũng mang trong đó một khát khao của Phạm Duy về việc phổ biến âm nhạc và tiếp thêm sức sống lâu dài cho dòng nhạc của mình.
Vì vậy, xét dưới góc độ mong muốn chính đáng và đích thực của Phạm Duy, việc yêu cầu được bảo hộ một cách quyết liệt của gia đình là hợp pháp nhưng có thể vô tình trở nên một rào cản, làm cho việc trình diễn và đem âm nhạc của ông đến công chúng trở nên khó khăn hơn.
- Trong gần 10 năm gần đây, ông đã không mệt mỏi đưa nhạc của mình đến các vùng miền trên cả nước và đến với nhiều thế hệ người nghe. Tôi thật sự xúc động khi nhớ về những đêm nhạc ông đã đích thân dẫn chương trình, đích thân tham dự cho đến lúc kết thúc và sẵn sàng trao đổi, thậm chí rất hào hứng và xúc động khi trao đổi về nhạc của mình với mọi tầng lớp, mọi thế hệ muốn trao đổi âm nhạc với ông.
Vì thế, cũng sẽ rất buồn khi thấy những khả năng xuất hiện rào cản cho việc phổ biến nhạc Phạm Duy trong thời gian gần đây. Dĩ nhiên, tôi nhắc lại là quyền quyết định về mức độ và phạm vi phổ biến âm nhạc của ông hoàn toàn phụ thuộc vào những người thừa kế và vào hợp đồng nhượng quyền mà ông đã ký, song dù sao dưới góc độ của người đã rất yêu mến nhạc Phạm Duy, người được ông yêu quí, tôi cũng thấy có chút chạnh lòng.
Minh Chánh thực hiện