Với rạp Việt, đây là phim có doanh thu cao nhất lịch sử trong ba ngày cuối tuần công chiếu, cũng như trong ngày chiếu đầu tiên.



Riêng đối với hãng phim Marvel, nơi cung cấp cho thế giới những nhân vật siêu anh hùng như người nhện, thần sấm, người khổng lồ xanh…, “Iron Man 3” (Người sắt 3) còn là phim có doanh thu dịp cuối tuần mở màn cao nhất của họ tại thị trường VN.

{keywords}
“Người sắt 3” trở lại màn ảnh sau khi xuất hiện trong “The Avengers” năm 2012 và “Người sắt 2” năm 2010.

Dù nhà phát hành Disney không công bố con số doanh thu cụ thể mà “Người sắt 3” kiếm được tại thị trường VN vào dịp cuối tuần qua, kể từ ngày công chiếu 26/4 nhưng họ cho biết con số này góp phần vào kỷ lục doanh thu 195,3 triệu USD của bộ phim trong ba ngày công chiếu đầu tiên tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kỷ lục này cũng giúp bộ phim vượt qua thành tích 185 triệu USD của “The Avengers”, bom tấn khởi động mùa phim hè năm ngoái.

“Người sắt 3” phá hàng loạt kỷ lục doanh thu khi “càn quét” các rạp chiếu ở Argentina, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Indonesia, Úc, Thụy Điển, Đan Mạch…, trước khi đến các thị trường quan trọng khác như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nga vào cuối tuần này. Nhiều phân tích dự đoán bộ phim của Robert Downey Jr. sẽ dễ dàng lọt vào danh sách những phim có doanh thu 1 tỷ USD sau khi kết thúc toàn bộ đợt chiếu. Nhưng “Người sắt 3” có lẽ khó vượt qua được “The Avengers” với tổng doanh thu 1,5 tỷ USD, “Titanic” 2,1 tỷ USD hay “Avatar” 2,7 tỷ USD trên toàn cầu.

{keywords}
Khán giả sẽ lại thấy Người sắt trong bộ phim “The Avengers” 2 ra mắt năm 2015.

Sự kiện “Người sắt 3” hốt bạc khắp thế giới gần như đã được dự báo trước không chỉ bởi sức hút của nhân vật, cách làm phim hoành tráng hay chi phí quảng bá lớn, mà còn ở cách phát hành khôn khéo của Disney. Để làm hài lòng nhà kiểm duyệt và những khán giả dễ tổn thương lòng tự tôn dân tộc ở Trung Quốc, Disney đã có hẳn một phiên bản “Người sắt 3” cho thị trường Trung Quốc. Với sự thêm thắt đôi chút và có sự góp mặt của ngôi sao địa phương Phạm Băng Băng và Vương Học Kỳ, phiên bản này được dành riêng chiếu tại Trung Quốc, nơi có thể bỏ túi dễ dàng hàng chục triệu USD!

Thậm chí, sau vài râm ran có thể gây khó cho bộ phim, rằng nhân vật phản diện Mandarin chính là…người Trung Quốc, nhà sản xuất Kevin Feige phải vội lên tiếng thanh minh về tính phi sắc tộc và mơ hồ về nguồn gốc của nhân vật này. Ông nói chiếc áo choàng với đầy những biểu tượng Trung Quốc, vẽ Rồng vẽ Phượng của hắn chỉ thể hiện nỗi ám ảnh đối với Tôn Tử và các tài liệu binh pháp chiến tranh mà hắn nghiên cứu.

{keywords}
Nhân vật phản diện Mandarin trong “Người sắt 3” là người Trung Quốc?

Tuy vậy, khán giả xem phiên bản toàn cầu, trong đó có VN, dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh Trung Quốc trong một cảnh mô tả một xưởng may miền biên ải bắt những phụ nữ Hồi giáo làm “nô lệ lao động”.

Thành công của “Người sắt 3” không thể không kể đến cách dàn dựng hấp dẫn của bản thân bộ phim, đủ sức làm khán giả háo hức và tránh được cảm giác chán chường lan tràn từ những phim phần tiếp theo quanh quẩn theo kiểu "cố đấm ăn xôi".

Chiêu bài mới giúp Marvel có cớ tung nhân vật ông trùm công nghiệp thiên tài đầy ngạo mạn Tony Stark/Người Sắt trở lại màn ảnh là tước đi bộ giáp sắt quyền năng, rồi đặt cho anh một dấu hỏi: “Con người làm nên bộ giáp sắt hay bộ giáp sắt làm nên con người?” nghe na ná câu ngạn ngữ “Chiếc áo không làm nên thầy tu” của người Việt.

Ngoài những màn chiến đấu kinh thiên động địa mà động cơ can dự từ cả hai phía thiện – ác được mặc định đơn giản như kiểu các game điện tử, “Người sắt 3” gây được cảm xúc nhiều hơn ở các mối quan hệ gần gũi giữa người sắt với cô bồ Pepper Potts (Gwyneth Paltrow đóng), người ghen tuông vì tình yêu của anh dành cho…công nghệ, hay với Harley (Ty Symkins), cậu bé mồ côi thông minh và đam mê máy móc.

Minh Chánh