Đọc hơn 300 trang sách của Nhật Nam, tôi tin rằng những người trước đây chỉ trích em sẽ ngượng ngùng, bởi họ thấy rằng mình hiểu về Nam quá ít.

Có lẽ nhiều người Việt sẽ không hài lòng với so sánh tiêu đề, bởi Tốt-tô-chan đã trở thành biểu tượng trên toàn thế giới về niềm mơ ước được học trong một ngôi trường yêu thích của trẻ em. Nhưng tại sao mình lại phải e dè khi so sánh Nam và Tốt-tô-chan, nếu như liên tưởng là có thực?

Sự không chính xác của trí tưởng tượng là tất yếu, nhưng "Tốt tô chan - cô bé bên cửa sổ" và "Đỗ Nhật Nam - Những con chữ biết hát" có mối tương đồng không nhỏ. Nếu như sách của Tốt-tô-chan viết về mối quan hệ lý tưởng giữa trẻ em và trường học, thì sách của Nam viết về quan hệ lý tưởng giữa trẻ em với trường học gia đình. Ở đó bố mẹ là thầy cô và là người hướng dẫn, yêu thương.

{keywords}

Nhật Nam chơi trượt ván

Người đọc sẽ thấy Nhật Nam có những suy nghĩ rất hay, như: "Người lớn yêu trẻ con nên muốn cho trẻ con những thứ mà người lớn thích, như đồ ăn ngon hay quần áo đẹp; nhưng thực ra trẻ con có khi chỉ cần một chiếc lọ với mấy con cá nhỏ nhiều màu sắc là đã vui rồi".

Hoặc tình yêu của người lớn với các em hãy thể hiện bằng sự được ủng hộ và tin tưởng. Nam đã được bố mẹ tin tưởng để học những thứ mình yêu thích, được khuyến khích, được không - sợ - điểm - số. Đó quả là giấc mơ cho rất nhiều đứa trẻ Việt Nam.  

Đọc hơn 300 trang sách của Nhật Nam, tôi tin rằng những người trước đây chỉ trích, giễu cợt em sẽ xấu hổ ngượng ngùng, bởi họ sẽ thấy rằng mình hiểu về Nam quá ít. Họ đã không hiểu về sự hồn nhiên của em, về thái độ và trách nhiệm của em (còn hơn rất nhiều người lớn) khi làm việc và học tập, về niềm vui thuần khiết của cậu bé đã 2 lần giành giải nhất trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh với các anh chị sinh viên đại học.

Nam không phải là thần đồng theo cách một đứa trẻ sinh ra có sẵn những yếu tố của thiên tài. Kết quả của Nam là sự nỗ lực không ngừng của em và cha mẹ, với một phương pháp học tập khoa học, nhân văn, không kì vọng vào kết quả mà chỉ là niềm hạnh phúc và thực hành hiểu biết. Nam cũng không phải là "ông cụ non". Em là đứa trẻ thông minh, trong sáng và mạnh mẽ. Một chàng trai nhỏ tuổi.

Trong cuốn sách thứ hai của mình, chàng trai nhỏ tuổi cũng kể về "mối tình đầu" ngộ nghĩnh mới xảy ra, và sau đó thì "tớ chợt thấy một cái gì đó như ...tan vỡ" . Nhưng bí mật ấy của Nam xin dành lại sau cho người đọc.

*

Trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Những con chữ biết hát" của Đỗ Nhật Nam. Thái Hà Books phát hành tháng 05/2013. Trong sách có rất ít sự can thiệp của biên tập, câu chữ của Nam hầu như được giữ nguyên.

Nước Nhật cũng giúp tớ học được nhiều điều mà có lẽ những điều đó sẽ theo tớ rất lâu, trở thành một phần làm nên tính cách của mình.

Ngày đó, tớ thường theo mẹ đến các lớp học mẫu giáo ở gần nhà. Theo mẹ là bởi tớ không đi học chính thức, chỉ là một học sinh dự khuyết thôi. Đến lớp, việc đầu tiên là phải xếp túi đựng đồ của mình vào ngăn tủ, xếp áo khoác vào ngăn đựng áo và để dép vào đúng vị trí.

Tất cả những điều này đều phải tự làm và phải làm rất nhanh.Tớ thường gặp khó khăn nhất ở khâu để giày dép. Tháo giày ra đã khó, để cho đúng lại càng khó hơn. Khi để giày, bạn phải so sao cho hai chiếc thật bằng nhau, để đúng hàng với các bạn, không được xô lệch. Những việc này, không có ai nhắc nhở, các cô giáo đều ở trong lớp học nhưng bạn phải nhìn những người bạn đi trước và để cho đúng vị trí. Nếu một mình bạn để sai, rõ ràng là bạn đã không tuân theo nguyên tắc lớp học rồi.

Với người Nhật, những điều gì đã thành nguyên tắc thì họ tuân thủ chặt chẽ, nếu để ai phải nhắc nhở mình thì cảm thấy xấu hổ. Mẹ tớ nói, người Nhật có lòng tự trọng rất cao. Có thể tinh thần võ sĩ đạo vẫn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Nhật Bản. Ở Nhật, nếu bạn nghĩ rằng, bạn làm sai và sẽ có người chạy ra nhắc nhở thì không đúng đâu. Tất cả đều do bạn tự quan sát, tự học hỏi để làm đúng những nguyên tắc nơi công cộng.

Lòng tự trọng và tôn trọng người khác đã được hình thành từ những lớp học đầu đời. Tất cả những điều đó, tớ học được hoàn toàn nhờ vào cảm nhận của mình, chỉ khi lớn lên, nhìn lại mới thấy chúng có ý nghĩa với mình nhường nào. Tớ hiểu rằng, nếu mình được tôn trọng, mình sẽ biết tôn trọng người khác và sẽ tìm mọi cách để giữ gìn sự tôn trọng mà người khác dành cho mình.

Trong các lớp học mầm non ở Nhật, cô giáo sẽ chỉ nêu các quy định, không hò hét, không la mắng nhưng các bạn nhỏ vẫn làm đúng những điều đó. Như thế, không phải cứ là trẻ con thì không hiểu gì, là cần “cầm tay chỉ việc”, là phải giảng giải tỉ mỉ mọi điều.

Bạn có nhận thấy một điều đơn giản này không: ví dụ, khi bạn đi vệ sinh ở một nơi rất sạch sẽ, như là sân bay chẳng hạn. Bạn sẽ cố gắng đi thật sạch, vứt giấy đúng nơi quy định. Nếu bạn làm sai, bạn sẽ thấy mình thật là đáng trách. Nhưng cũng là bạn, nếu bạn đi vệ sinh ở một nơi không được sạch sẽ lắm, bạn có thể sẽ cho mình quyền vứt một chút giấy ra đất, làm dây nước ra sàn nhà mà có vẻ không áy náy gì.

Tại sao lại như vậy?

Có thể vì ở nơi đã rất sạch sẽ, bạn thấy mình được tôn trọng, được chăm sóc và bạn phải đáp lại điều đó. Tớ nghĩ phương châm của người Nhật cũng như vậy. Họ sẽ làm mọi thứ tốt nhất cho mình trong khả năng có thể và đổi lại, mình sẽ phải cố gắng để trở thành một người lịch sự, biết giữ gìn cho bản thân mình và cho mọi người xung quanh.

Tớ rất thích được đối xử như vậy. Tớ không thích những nơi công cộng mà có biển đề: Không được khạc nhổ bừa bãi; Không vứt rác bừa bãi; Không nói to, làm ồn... Nghe nó có vẻ lạnh lùng làm sao. Mặc dù mẹ tớ đã nhiều lần giải thích là do có quá nhiều người không chấp hành nên họ phải khuyến cáo như vậy, tớ vẫn thấy không thoải mái lắm khi vào những chỗ đó.

Tớ muốn mọi người có thể nhìn nhau và tự điều chỉnh. Ở Nhật, trong hàng người đang xếp hàng rồng rắn, nếu một mình bạn chen lên, sẽ chẳng ai nói cả nhưng bạn sẽ thấy rất xấu hổ. Nỗi xấu hổ đó như đóng dấu lên khuôn mặt bạn khiến ban đầu bạn sẽ đỏ bừng mặt lên, sau rồi bạn sẽ ngại đến mức không thể ngước nhìn lên được nữa. Vì thế, dù mưa hay nắng, dù chỗ đứng xếp hàng ngoài mái che của nhà chờ, bạn phải kiên nhẫn chờ đợi nếu không muốn bị xấu hổ.

Chắc các bạn cũng đã được nghe kể về trận động đất sóng thần kinh hoàng ở Nhật thời gian vừa qua rồi chứ. Trong những tòa nhà cao ốc, khi nghe tiếng còi báo động, từng hàng người vẫn xếp hàng đi xuống cầu thang dù mặt ai cũng tái mét vì sợ hãi, tuyệt nhiên không có sự chen lấn, xô đẩy. Tớ tin rằng, phẩm chất đó của người Nhật đã được hình thành từ trong những lớp học mầm non. Khi cô giáo không cần giải thích, không cần làm mẫu mà mọi học sinh vẫn hiểu rằng, chen lấn khi xếp hàng là rất xấu.

Tớ cũng thích cách mà bố mẹ vẫn dành cho tớ mỗi khi cần làm một điều gì đó. Bố mẹ chỉ cần nói: Bố mẹ muốn con thực hiện như thế này, bố mẹ tin ở con. Thế là tớ sẽ cố gắng thực hiện dù có thể gặp khó khăn một chút. Sự kỉ luật, những nguyên tắc nơi công cộng tớ đều học được một cách tự nhiên. Và tớ biết ơn những điều tự nhiên đó. Để khi thành một cậu bé chững chạc hơn, tớ không bao giờ bị nhắc nhở vì những hành vi không đúng nơi công cộng.

Vân Sam