- Một đứa trẻ nhạy cảm sống dưới một mái nhà với người cha có tính khí vô cùng độc đoán... 

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
“Đọc sách phải trở thành một niềm hạnh phúc ích kỷ”
Phụ nữ có thể hạnh phúc một mình?

Tại sao con người khác loài diều hâu?


Đứa trẻ ngày ấy là Franz Kafka, người sau này đã có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn hiện sinh Châu Âu và hiện thực huyền ảo Mỹ la tinh như Albert Camus hay Gabriel Gacia-Máques...

Trong những văn bản mà Kafka để lại, "Thư gửi bố" được xem như chìa khóa giúp giải mã nhiều tác phẩm quan trọng của ông. Những nhân vật bối cảnh của bức thư là có thật, và là chính gia đình của Kafka.

{keywords}

Nhà văn Franz Kafka

Một số nhà nghiên cứu cho rằng quan hệ cha con ở đây được diễn giải theo hướng là một cuộc đấu giữa kẻ cai trị và người bị trị. Nhưng điều đáng lưu ý là giữa kẻ cai trị và người bị trị không hề có xung đột về quyền lợi, chủng tộc hay giai cấp. Mà họ là cha con. Người này là niềm hy vọng của người kia.

Người cha đóng vai một thứ quyền lực tối cao được biện hộ đơn thuần bởi vị thế tự nhiên, người con - tự nhận mình khác biệt về khí chất và thể chất - muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng của người cha nhưng vô vọng.

Người đọc đại chúng khắp nơi trên thế giới thì nhìn nhận tác phẩm gần gũi hơn, như thể nó đã giúp diễn giải một mối quan hệ khó khăn, không công bằng và thường gặp giữa người yếu và kẻ mạnh, giữa người giàu xúc cảm với người ít khả năng thấu cảm. Một số độc giả trưởng thành còn cho rằng, họ đọc nó còn để hiểu con cái có thể cảm thấy thế nào trong mối quan hệ cha-con.

Tuy nhiên, dù "cuộc đấu" có thể đại diện cho nhiều phe phái khác nhau, thì tài văn chương của Kafka trong tác phẩm này là điều hiển nhiên được thừa nhận. Diễn biến tâm lý và nhận định về bản chất được Kafka viết rất sắc bén mà mềm mại, chân thành.

Bức thư dài 103 trang viết tay này, đã không bao giờ đến được tay người nhận. Hình bóng áp chế của cha - có lẽ - đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của Kafka. Trong các tiểu thuyết lớn của ông như Vụ án hay Lâu đài, người ta tìm thấy những motif chung về một cuộc đấu tranh với thứ quyền lực không rõ mặt.

{keywords}

Trang 1, bản viết tay bức thư với nét chữ của Kafka.

* Trích đoạn dưới đây nằm trong "Thư gửi bố" (Brief an den Vater), dịch giả Đinh Bá Anh dịch từ nguyên bản tiếng Đức, do Phương Nam Book phát hành (năm 2013).

Ngày đó, những ngày đó, con đã luôn cần được động viên đến nhường nào. Thì chỉ riêng sức nặng cơ thể của bố thôi đã đủ khiến con bị đè nén rồi. Chẳng hạn, con nhớ mình thường cùng thay đồ trong một ca-bin. Con gầy gò, yếu ớt, mỏng manh; bố mạnh mẽ, cao to, tráng kiện.

Ngay trong ca-bin, con đã thấy mình thật thảm hại, không chỉ thảm hại trước mặt bố, mà truớc cả thiên hạ, bởi với con, bố là thước đó của mọi sự trên đời. Rồi chúng ta bước ra khỏi ca-bin, trước tất cả mọi người, con bám tay bố, một cái xương sườn nhỏ nhoi, run rẩy, chân trần dò dẫm trên sàn, sợ nước, bất lực làm theo những động tác bơi của bố, những động tác mà bố, vì muốn tốt cho con, đã liên tục làm mẫu làm đi lại lại, nhưng thực tế chỉ khiến con thấy nhục nhã.

Con đã tuyệt vọng biết bao, và trong những khoảnh khắc ấy, tất cả kinh nghiệm tồi tệ nhất của con trên mọi lĩnh vực bỗng dưng kết hợp lại một cách huy hoàng. Đối với con, dễ chịu nhất là đôi lần bố thay đồ trước, con được ở một mình trong ca-bin để tránh nỗi nhục bước ra càng lâu càng tốt, cho tới khi bố quay lại kiểm tra và đẩy con ra ngoài. Con đã biết ơn bố lắm, vì hình như bố không hề nhận ra sự khốn khổ của con, và con cũng tự hào về cơ thể của bố mình. Có điều sự khác biệt này giữa hai ta vẫn còn nguyên cho đến hôm nay.

Tương tự là sự thống trị của bố về mặt tinh thần. Bố đã tự mình làm nên từ hai bàn tay trắng, bởi vậy bố có niềm tin vô hạn và quan điểm của mình. Hồi bé điều này đã không làm con hoa mắt chóng mặt như khi đã là một thiếu niên sắp trưởng thành.

Tựa lưng vào chiếc ghế bành, bố cai trị cả thế giới. Quan điểm của bố là đúng, còn lại tất cả đều là hâm hấp, chập cheng, rác rưởi, không bình thường. Mà sự tự tin của bố lớn đến mức bố không thấy mình cần phải nhất quán, và bố không bao giờ chịu mình sai. Đôi khi bố hoàn toàn không có quan điểm về một việc nào đó, nhưng vì thế bố cho rằng tất cả những quan điểm khác mà người ta có thể xoay quanh việc ấy đều sai, không có ngoại lệ. Chẳng hạn, bố có thể chửi dân Séc, chửi dan Đức, rồi quay ra chửi dân Do Thái, và không chửi một việc nào cụ thể, mà chửi tất. Rốt cuộc chẳng còn ai, ngoài bố.

Vậy là với con, bố trở thành một bí ẩn, bí ẩn của tất cả những tên bạo chúa, những kẻ xây dựng lí lẽ dựa trên con người của họ chứ không phải dựa trên lí trí. Ít nhất thì con cũng cảm thấy thế.

Quả thực bố đã luôn giữ quan điếm bố đúng với con một cách kỳ lạ, trong lúc trò chuyện đã đành, mà giữa bố và con làm gì có trò chuyện, nhưng trên thực tế cũng vậy. Song điều này cũng chẳng có gì đặc biệt khó hiểu. Con luôn chịu áp lực nặng nề của bố trong mọi suy nghĩ, ngay cả - và đặc biệt là - trong những suy nghĩ không giống bố.

Tất cả những suy nghĩ tưởng như độc lập với bố đều bị bóp nghẹt ngay từ đầu bởi sự phán xét miệt thị. Dưới áp lực ấy, để níu giữ và phát triển hết suy nghĩ đó là điều gần như không thể. Ở đây con không muốn nói tới suy nghĩ gì cao xa, mà chỉ là những chuyện nho nhỏ của trẻ con. Chỉ cần ta cảm thấy thích một cái gì đó, ta về nhà, hăm hở nói ra, thì câu trả lời luôn là một tiếng "Hừm!" mỉa mai, một cái lắc đầu, một cái gõ tay lên mặt bàn: "Có cái còn đẹp hơn nhiều!", hoặc "Có thế mà cũng nói!", hoặc "Rỗi hơi!", hoặc "Vớ vẩn!" hoặc "Thích thì mua về!".

Dĩ nhiên ta không thể đòi bố phải hào hứng với mỗi trò con trẻ, trong khi bố luôn phải tối mặt tối mũi làm lụng lo toan. Nhưng vấn đề không phải thế. Vấn đề đúng ra là, do thể tạng đối nghịch, bố gần như luôn luôn và triệt để phải làm cho đứa trẻ thất vọng, và còn hơn thế, do sự đối nghịch này được gia tăng không ngừng bởi sự lặp đi lặp lại của chất liệu, rốt cuộc đối nghịch trở thành thói quen, ngay cả những khi bố có cùng quan điểm với con; cuối cùng, những nỗi thất vọng của đứa trẻ không còn là những nỗi thất vọng thông thường nữa, mà chúng ăn sâu vào tận tim gan con, bởi chúng liên quan đến bố - thước đó của mọi sự trên đời.

Con không thể giữ được lòng can đảm, sự quyết đoán, sự tự tin và niềm hứng khởi trong việc gì khi bị bố phản đối, hoặc chỉ cần nghĩ rằng bố sẽ phản đối. Mà con nghĩ, có lẽ hầu hết những việc con làm bố đều phản đối.

Vân Sam

Quý độc giả có thể phản hồi cho người viết theo địa chỉ huonggiang.ho@vietnamnet.vn