- Nhiều rạp chiếu tại TP.HCM vừa nhận được công văn của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN yêu cầu trả tác quyền nhạc phim lẫn nhạc chờ.

TIN BÀI KHÁC


Công văn đến,
rạp chiếu không bận tâm

Sự việc hoàn toàn gây bất ngờ đối với giới làm nghề, đặc biệt ở yêu cầu về nhạc phim, vốn là một trong những công việc sáng tạo, cộng hưởng với nhiều sáng tạo để hình thành nên tác phẩm điện ảnh. Bởi trong quá trình sản xuất phim, chuyện tác quyền của tất cả khối lượng sáng tạo đã được đặt ra và buộc phải giải quyết giữa tác giả và nhà đầu tư sản xuất.

Nhưng nay, một đơn vị được ủy quyền đi đòi tác quyền nhạc phim đối với rạp chiếu, vốn là khâu cuối trong chuỗi sản xuất - phát hành - chiếu phim của ngành công nghiệp điện ảnh. Sự việc chưa từng có tiền lệ nếu được mở ra tại VN, có thể các thành phần khác từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim cho đến thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng sẽ ùn ùn kéo đến rạp đòi trả tác quyền.

{keywords}
"Mỹ nhân kế", bộ phim Việt có nhạc phim gây sốt trong thời gian gần đây.

 Công văn của Trung tâm, mà VietNamNet có trong tay, nêu cơ sở pháp lý nói rằng: Các rạp chiếu phim trên toàn quốc đang sử dụng các tác phẩm âm nhạc để phát tại hai khuôn viên: sảnh chờ và giờ giải lao giữa các suất chiếu phim trong các rạp, đồng thời khi trình chiếu các bộ phim đều có các tác phẩm âm nhạc trong phim được sử dụng.

Như vậy, với hình thức sử dụng nêu trên, các rạp chiếu phim đang sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (performing right) thông qua các chương trình ghi âm (CD...), ghi hình (DVD) được quy định tại điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ. Công văn kết luận: do vậy, các rạp phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho các tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Cũng như "khẩn trương liên hệ với Trung tâm để tiến hành thực thi pháp luật".

Có vẻ như các rạp chiếu không hề bận tâm lắm đến công văn nói trên, vốn rất "kỳ lạ" khi hoàn toàn bỏ qua Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó quy định cụ thể và rõ ràng về nhạc phim và các công việc sáng tạo khác trong phim. Đại diện truyền thông của nhà phát hành - chiếu bóng Megastar nói "không biết có công văn này".

Trong khi một lãnh đạo của khối rạp có nguồn gốc sở hữu Nhà nước cho biết khối rạp của ông không nhận được công văn nói trên, vì vậy ông phỏng đoán "chắc họ chỉ nhắm tới các rạp nhà giàu". Đại diện một rạp chiếu ở Quận 1 tiết lộ có đến làm việc với trung tâm ông được yêu cầu ký một bản cam kết trả tác quyền mà không rõ đó là tác quyền âm nhạc của bộ phim nào, VN hay nước ngoài, tác quyền được tính theo trọn gói hay theo... từng suất chiếu, theo như cách "suy diễn" luật của trung tâm.

Chưa từng thấy nước nào yêu cầu rạp chiếu phải trả tác quyền nhạc phim

Trao đổi với VietNamNet, TS.Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa luật kinh tế của Đại học Kinh tế - Luật nói: ông "chưa từng thấy quốc gia nào trên thế giới yêu cầu rạp chiếu phải trả tác quyền nhạc phim". Theo ông, về lý thuyết, âm nhạc khi đưa vào phim đã trở thành một phần của bộ phim. Người ta đến rạp để xem phim chứ không để nghe tác phẩm âm nhạc.

Còn về thực tiễn, không ai trả tiền tác quyền hai lần cho một tác phẩm. Tác giả âm nhạc sau khi trao quyền sử dụng tác phẩm cho nhà sản xuất phim bằng hợp đồng, thì chỉ còn lại quyền nhân thân (bao gồm quyền được đặt tên, bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm, đứng tên dưới tác phẩm) và các quyền khác theo thỏa thuận của hai bên.

{keywords}
Nhiều rạp chiếu có phát nhạc chờ phục vụ khán giả ở đại sảnh và giữa các suất chiếu.

 TS.Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, trong trường hợp tác giả đã bán tác phẩm trực tiếp cho nhà sản xuất phim, vấn đề ủy quyền (cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN) mặc nhiên không còn tồn tại. Còn trong trường hợp bộ phim sử dụng tác phẩm âm nhạc không xin phép, tác giả hay đơn vị ủy quyền chỉ có thể đòi tiền tác quyền ở nhà sản xuất. Và tiền tác quyền được trả một lần duy nhất, không thể bắc cầu sang nhà phát hành và rạp chiếu.

Trong hợp đồng giữa rạp chiếu với nhà phát hành, giữa nhà phát hành với nhà sản xuất, đều có một khoản ghi rõ đơn vị cung cấp phim phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến tác quyền của bộ phim. Thực tế hiện nay, để thực hiện một bộ phim, nhà sản xuất thường phải có ít nhất trên 10 hợp đồng sở hữu trí tuệ liên quan tới các thành phần sáng tạo trong đoàn phim, từ ý tưởng kịch bản, ý tưởng thiết kế cho đến thời trang, âm nhạc...

Riêng câu chuyện về nhạc chờ được phát trong sảnh rạp chiếu và giữa các suất chiếu, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chỉ có thể đòi tác quyền khi xác định được rạp chiếu đang sử dụng băng đĩa được sản xuất cho mục đích cá nhân (personal/home use), mà không phải băng đĩa phục vụ kinh doanh, vốn được bán với giá cao hơn để khách hàng có thể mang sản phẩm cho thuê hoặc kinh doanh tiếp mà không phải trả thêm phí.

Để rộng đường dư luận, VietNamNet đã nhiều lần liên lạc với ông Đinh Trung Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, ông Cẩn đã có email nói rằng sẽ trả lời những câu hỏi của phóng viên VietNamNet nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được những câu trả lời này.

Minh Chánh