"Tôi không có cảm giác gì hết về cái showbiz này, về việc tôi ở đâu..." - giọng ca của "Music of the Night" nói.

 

Hòa nhạc Điều còn mãi 2013 vào 14h chiều ngày 2/9 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và Truyền hình ANTV, Truyền hình Nghệ An sẽ nối sóng của VTV truyền hình trực tiếp chương trình. Ngoài ra Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát trực tiếp chương trình trên kênh FM Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đôi khi (chỉ đôi khi thôi), Đức Tuấn làm tôi nhớ đến nhân vật Roark trong tiểu thuyết "Suối nguồn" của Ayn Rand. Vì rằng, nếu như showbiz Việt hỏi: "Anh nghĩ gì về tôi?", chắc hẳn Đức Tuấn sẽ bình thản trả lời: "Nhưng tôi không nghĩ về bạn".

{keywords} 

 Đức Tuấn với thú vui chụp ảnh.

"Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương

Năm nay hòa nhạc Điều còn mãi không có Nguyên Thảo - gương mặt nữ được trông chờ trong nhiều mùa, bù lại có Tùng Dương và Đức Tuấn - hai gương mặt nam mới mẻ và đại diện cho hai cách hát khác nhau. Anh nghĩ sự khác biệt này có thú vị? Có sự so kè nào để khán giả phải thích người này hơn hay người kia hơn không?

- Thực sự tới giờ tôi không biết chương trình sẽ có ai, tôi chỉ biết sẽ hát thật hay phần của mình. Thế giới chung quanh chẳng ảnh hưởng gì tới không gian âm nhạc của tôi.

Năm nay anh sẽ hát "Nửa hồn thương đau" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương - một bài đậm chất trữ tình, và cả đau thương, buồn bã. Là anh chọn bài hay nhạc sĩ Dương Thụ chọn vậy?

- Trong ba bài nhạc sĩ Dương Thụ đưa cho tôi chọn, tôi đã chọn Nửa hồn thương đau. Về mặt nghệ thuật, âm nhạc, tôi lại thấy đây là một bài hoàn toàn phù hợp. Chẳng qua nội dung của nó hơi lạ so với Điều còn mãi những mùa trước. Những đó lại là điểm mà tôi thấy nó sẽ làm cho Điều còn mãi hấp dẫn hơn, nhiều màu sắc hơn. Và chắc là chú Thụ cũng muốn đổi một concept mới, khác với những gì mọi người đã từng làm.

Nghe bản thu của anh có một đoạn rất thú vị. Khi anh hát đến câu "Nhắm mắt chỉ thấy một-chân-trời-tím-ngắt", anh nhấn từng từ riêng lẻ, tạo nên cảm giác rất đặc biệt, tăng tính tự sự. Tại sao lúc đó anh lại xử lý như vậy?

- Thực sự mà nói, những bài như thế này cách xử lý của tôi là tự nhiên, như ở trong máu mình. Tôi không có toan tính chi hết, mỗi lần hát mỗi khác. Nhưng mà rõ ràng bài này có rất nhiều cảm xúc của cả ca từ lẫn chất liệu âm nhạc. Do sáng tác quá tốt nên người hát rất dễ chịu khi đặt mình vào trong đó.

Anh có biết hoàn cảnh ra đời của bài hát này không? (*)

- Tôi biết rất rõ hoàn cảnh ra đời của bài "Nửa hồn thương đau", hầu như tường tận nội tình và những nhân vật tham gia. Nhưng cái đó không quan trọng, vì hầu như khi hát một bài tôi thường tìm hiểu biết nó là cái gì chỉ để cho mình không sai. Còn khi hát, tôi đi theo cảm xúc của riêng mình.

Anh có nguyên một album hát nhạc Phạm Đình Chương, vậy tại sao lại chọn "Nửa hồn thương đau"? Sao không phải là "Đôi mắt người Sơn Tây" chẳng hạn?

- "Đôi mắt người Sơn Tây" cũng là một bài hay mà tôi rất thích. Nhưng "Đôi mắt người Sơn Tây" hơi dài và có tính vùng miền nhiều hơn. Có lẽ chương trình cần một bài có sự trung tính, gẫy gọn.

{keywords}

"Tại sao tôi phải hòa đồng?"

Nhớ lại năm 2010 khi anh hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" ở hòa nhạc Điều còn mãi có khá nhiều ý kiến khác nhau, người khen, kẻ chê. Anh thì nghĩ sao, khi một ca sĩ không thuộc dòng "kinh điển" từ nhạc viện ra lại hát cùng dàn nhạc?

- Bản thân tôi từ năm 2009 đã hát cùng dàn nhạc trong chương trình "Music of the Night" của mình. Hát với dàn nhạc là đúng sở trường của tôi, tôi cũng đã hát với quá nhiều dàn nhạc khi diễn hay làm đĩa. Tôi không có áp lực gì và thực sự tôi không hề nghĩ tới những ý kiến đó. Tôi chỉ ca hát như là việc thường ngày của mình.

Bình thường anh có hay đi chơi, đi event với mọi người trong giới ca sĩ không?

- Tôi không thích đi event nhiều, không chơi với những người trong giới nhiều, bạn bè chủ yếu ở bên ngoài, kinh doanh, thể thao cũng có, bạn cấp 3, bạn đại học...

Vậy anh có đủ niềm vui trong đời sống âm nhạc Việt?

- Đối với tôi niềm vui ca hát là dư thừa. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với những gì đang làm.

Nhưng anh có hòa đồng vào đời sống âm nhạc đó?

- Tại sao tôi phải hòa đồng với cái hiện nay? Tôi không hiểu tại sao tôi phải làm chuyện đó? Tôi vẫn đang làm cái mình đang thích, có khán giả mà tôi thích, tìm được những người đồng cảm với mình và chia sẻ được với họ rất tốt. Nếu những điều tôi làm hòa đồng được thì là hòa đồng, còn nếu không tôi vẫn là tôi. Nên tôi không lo lắng mình đang ở đâu, chỉ biết làm tốt việc của mình chứ trông ngóng nhiều quá tôi cũng không muốn

Năm 2010, tôi có viết về Lê Cát Trọng Lý như là "Hoàng tử bé lạc loài giữa showbiz". Anh có lạc loài giữa showbiz không?

- Tôi không có cảm giác gì hết về cái showbiz này, về việc tôi ở đâu. Tôi rất hăng say với công việc, lúc nào cũng có cái muốn làm. Cảm giác lạc loài là sao? Cô độc, không thuộc về? Có thể tôi không thuộc về nó lắm, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì tôi hết. Tôi không cảm thấy nó. Nhưng tôi vẫn là môt cái tên được nhắc đến nhiều trong showbiz. Nói chung tôi là trường hợp cũng kì lắm, chương trình bán vé cũng có tên, chương trình nghệ thuật cũng có tên.

{keywords} 

Đức Tuấn hát trong hòa nhạc Điều còn mãi 2010.

Nói vậy tôi mới nhớ, không thấy có ca sĩ trẻ nào đi theo phong cách musical/crossover của anh, ngay cả ca sĩ Tùng Dương cũng có một vài người trẻ muốn đi theo, kiểu Nguyễn Đình Thanh Tâm. À, Phạm Thu Hà thì sao nhỉ?

- Phạm Thu Hà hát cổ điển. Thực ra tôi thích cách hát nhạc nhẹ hơn cổ điển. Mà dân cổ điển chê giọng tôi dữ lắm, nhưng tôi có phải hát cổ điển đâu, đem cổ điển áp dụng với tôi là một sai lầm. Tôi hát pop, đơn giản vậy thôi. Crossover, musical là pop, chẳng qua mình có cái màu nó hơi khác. Tôi thiên về duy mĩ. Đối với tôi âm nhạc phải duy mĩ. Tôi muốn hát tròn vành rõ chữ, từ nào ra từ đó, tiếng Anh cũng vậy, tiếng Việt cũng vậy.

Sắp tới anh có kế hoạch âm nhạc gì không?

- Tháng 10 tôi có một dự án khá lớn, sẽ ra thêm một album nhạc Phạm Duy nữa, khá đặc biệt, kiểu nhạc cầu hồn. Có một số bài như "Nếu một mai em sẽ quên", "Đường chiều lá rụng", "Nắng chiều rực rỡ", "Những gì sẽ mang theo vào cõi chết", "Mùa thu chết"... Album này hoàn toàn làm ở Đức cả thu âm và ê-kip thực hiện. Nó có hơi hướng acoustic, thính phòng, ít nhạc cụ, mà Đức hiện nay là một trong những quốc gia hàng đầu về âm thanh kiểu này. Lần này tôi làm chất lượng cao hi-end, phục vụ cho giới chơi nhạc công nghệ cao ở Sài Gòn.

Album mới này của anh tốn kém không? Anh còn tiền để làm không sau liveshow "Thiên Thai" nghe nói tốn mất 3 tỉ?

- Không phải 3 tỉ đâu, 4 tỉ mấy lận. Album này cũng tốn kém, mất cả tỉ đồng. Gom cũng gần hết rồi. Tính tôi là vậy, có bao nhiêu tiền đi hát tôi đổ hết vào làm nhạc. Đơn giản vậy thôi. Tôi không toan tính với âm nhạc. Nếu nó đòi hỏi phải tốn tiền thêm mà tôi có thể, thì tôi sẽ tìm mọi cách để đầu tư cho nó.

Xin cảm ơn anh, chúc anh sẽ hát thật hay trong hòa nhạc Điều còn mãi sắp tới!

(*) - Bài hát "Nửa hồn thương đau" ra đời từ bi kịch của gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong những năm 1960 tại Sài Gòn. Nữ ca sĩ đầy quyến rũ - Khánh Ngọc - vợ ông được cho là có người khác. Rất nhiều người biết sự việc đó. Phạm Đình Chương buộc phải ly dị bà trong đau khổ.

Đây là quãng thời gian Phạm Đình Chương không còn tâm trí biểu diễn. Ông lui về trong bóng tối thầm lặng viết những bài tình ca buồn, như để tâm sự với chính mình. Sau khi ly dị, nhạc sĩ Phạm Đình Chương được quyền nuôi con, khi ấy mới khoảng 4 – 5 tuổi, ông bắt đầu đi hát trở lại. Một lần tình cờ gặp Khánh Ngọc trên một sân khấu đại nhạc hội, ông có ý muốn đưa Khánh Ngọc về nhà vì trời đang mưa, nhưng bị từ chối. Khi lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm với một thời sống cùng Khánh Ngọc, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc, giờ đang trôi theo dòng nước.… có người nói Phạm Đình Chương định tự tử, nhưng nghe tiếng khóc của con, ông mới từ bỏ ý định !?

Hình ảnh của đêm khốn cùng ấy đã đi vào từng lời bài hát “ Nửa hồn thương đau” được Phạm Đình Chương viết trong đêm rã rời đó. Từ bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, ông đã viết thêm ý rồi đổi tựa để thành ca khúc Nửa hồn thương đau.

Hồ Hương Giang

 

Trân trọng cảm ơn các Nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (nhà tài trợ Vàng), Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Nhà tài trợ Đồng), Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ) và café Trung Nguyên số 3 Ngô Quyền Hà Nội. Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC).