- "Các ca sĩ chuyên nghiệp để nổi tiếng như showbiz thì khó lắm, không làm được đâu. Không dùng một chiêu trò nào đó mà thể hiện hoàn toàn bằng tài năng - thì đó là cổ điển", Phạm Thị Duyên Huyền, giọng nữ cao được yêu thích nói. 


Phạm Thị Duyên Huyền là một giọng nữ cao rất sáng của âm nhạc cổ điển Việt Nam, là sự phát hiện của nhạc sĩ Dương Thụ trong hòa nhạc Điều còn mãi 2012. Huyền đã từng đoạt giải nhì cuộc thi hát thính phòng toàn quốc năm 2009. Năm ngoái, phần trình diễn "Trường ca sông Lô" của Duyên Huyền và Đăng Dương đã khiến khán giả thăng hoa và trầm trồ trước một giọng soprano mới của nhạc Việt.

{keywords}

Duyên Huyền khi chuẩn bị hát cùng Dàn nhạc giao hưởng Đông Bắc Đức.

"Ca sĩ không có tiền thì làm thế nào?"

Có người kết bạn với Huyền trên Facebook nói là hình như Huyền mở cửa hàng cắt tóc? Không biết có phải đi hát cổ điển/thính phòng khó khăn quá mà chuyển nghề không?

- Không phải đâu (cười lớn). Đó là cửa hàng thiết kế tóc của chồng mình. Thỉnh thoảng đi diễn, chồng cũng làm tóc cho vợ. 

Dòng nhạc của mình kén người nghe, nhưng đi hát cũng đủ kiếm sống dù Huyền không nằm trong biên chế đoàn nghệ thuật nào cả. Vừa rồi cũng bận hoàn thành chương trình cao học, và lại mới sinh em bé được 4 tháng nên cũng không đi diễn nhiều. Sắp tới có lẽ Huyền sẽ đi dạy và tính tiếp con đường theo đuổi cổ điển lâu dài. Mình rất quyết tâm đấy! (cười) 

Thị trường âm nhạc trăm hoa đua nở, đầy rẫy gameshow, chiêu trò. Sự kiện cứ ở mức độ chất lượng nghệ thuật nào cũng đều cố gắng lôi kéo sự chú ý của công chúng... Một ca sĩ dòng chính thống như Huyền có thấy e ngại trước sự phức tạp, hỗn mang này?

- Đúng là nhìn vào thị trường âm nhạc hiện tại Huyền thấy một sự hỗn tạp, nhiều chiêu trò, dùng điều này điều kia để đi lên. Nhưng phải có tiền thì người ta mới làm được như thế. Họ có thể ở mức tài năng bình thường thôi nhưng có PR, có tiền đầu tư thì tạo tên tuổi được ngay. 

Còn Huyền đã đi theo chuyên nghiệp, theo dòng cổ điển kén người nghe, để mà nổi tiếng được như họ thì khó lắm, không làm được đâu. Mình không dùng một chiêu trò nào đó, mà thể hiện hoàn toàn bằng tài năng - thì đó là cổ điển. 

"Ca sĩ không có tiền thì làm thế nào?" - đó có lẽ là câu hỏi của rất nhiều người, nhất là những bạn mới vào nghề?

- Thì cố gắng tham gia các chương trình, giữ uy tín để được mời tiếp chứ không tự mình bỏ tiền ra làm sự kiện. 

Có hiện tượng ca sĩ/diễn viên trẻ không có tiền, muốn làm nghề hoặc nổi tiếng sớm phải đổi tình để lấy những show diễn, vai diễn của các ông chủ, đại gia trong giới showbiz. Huyền có muốn chia sẻ gì với những bạn trẻ ấy không?

- Tuổi trẻ bao giờ cũng nông nổi, mà sự nông nổi dễ đưa đến sai lầm. Có thể họ nghĩ phải yêu người này người kia giàu có, để có tiền, có chỗ dựa đi lên. Mình rất khó nói với họ nên như thế nào, vì họ trẻ mà. Đó là cách họ chọn rồi. Họ đã chọn đi theo con đường ấy. Mình cũng tiếc nếu như các bạn ấy có tài năng thực sự. Mình trân trọng tài năng, nhưng để đi lên bằng cách như vậy thì mình không ủng hộ. 

{keywords}

Là một nghệ sĩ có sắc vóc, Huyền nghĩ phần nhìn chiếm bao nhiêu % khả năng hút khán giả trên sân khấu? 

- Đã nói đến âm nhạc thì âm nhạc phải chiếm phần quan trọng. Ngoại hình cũng quan trọng nhưng không thể nhiều hơn âm nhạc. Đi xem nhạc và đi nghe nhạc là 2 điều khác hẳn nhau. Theo mình, với dòng cổ điển, âm nhạc chiếm 70%, nhan sắc chiếm 30% - còn ở showbiz thì ngược lại. Nhạc showbiz hỗn tạp đến mức nhiều khi bây giờ mình không hiểu họ hát cái gì nữa. Lên sân khấu thì chủ yếu là make-up, vũ đạo, chiêu trò để khán giả điên cuồng, phấn khích. Ăn mặc hở hang cũng là cái để câu khách (cười)

Ca sĩ dòng nào cũng phải học

Huyền thường chọn bài hát và cách biểu diễn như thế nào? 

- Mình chọn bài dựa trên nhiều khía cạnh: hợp giọng, có chiều sâu, có đất diễn để cho mình thể hiện.  Mùng 2/9 tới mình sẽ hát "Hòn vọng phu" của nhạc sĩ Lê Thương cùng ca sĩ Đăng Dương trong hòa nhạc Điều còn mãi. 

Khi hát, mình phải tìm hiểu bài, tìm hiểu tác phẩm  rất kỹ, có nội dung cụ thể; như thế khi hát mới có chiều sâu, mới hiểu được tác phẩm để còn xử lý. Năm ngoái ở hòa nhạc Điều còn mãi, mình hát "Trường ca sông Lô", năm 2009 đi thi thính phòng thì hát "Người Hà Nội". "Trường ca sông Lô" và "Người Hà Nội" cùng tính chất thính phòng nên kỹ thuật giống nhau, độ hào hùng, hoàng tránh tương đương nhau nhưng thể hiện thì lại khác. "Người Hà Nội" nội tâm hơn, "Trường ca sông Lô" mang tính chất khỏe khoắn, nhịp đi và thể hiện tinh thần dân tộc nhiều hơn. 

Phạm Thị Duyên Huyền tỏa sáng cùng Đăng Dương với "Trường ca sông Lô".

Huyền từng trả lời phỏng vấn rằng "Từ ca sĩ chỉ nên dành cho những người được đào tạo bài bản". Điều này có đúng với ca sĩ theo dòng nhạc đại chúng như pop/dance... hay chỉ đúng với nghệ sĩ cổ điển? 

- Đào tạo nghĩa là được học ở trường hoặc theo học các lớp chuyên biệt, nó dành cho những người muốn theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp chứ không phải những người tham gia văn nghệ quần chúng cũng được gọi là ca sĩ. Như thế mình thấy bất công cho những người được học hành bài bản nhiều năm. 

Khi bắt đầu đi hát Huyền có bị cám dỗ không? Có ai đề nghị điều này điều kia để mình đi nhanh hơn không?

- Cũng có. Từ khi ra trường đi hát, làm nghề, đúng là có những mối quan hệ mình hết sức trân trọng, nhưng cũng có những mối quan hệ mình xác định là không thể giữ lâu được. Mình không đi lên bằng cám dỗ dù biết là như thế hơi chậm. Chậm nhưng chắc. 

Làm sao để chống lại sự cám dỗ ấy? Ai cũng biết chống lại cám dỗ là khó.

- Mình đã quyết theo âm nhạc chân chính chứ không phải đi theo sự nổi tiếng được đánh đổi bằng cái này cái kia, không phải vì đồng tiền trước mắt. Mình xác định được một con đường đi lâu dài. Huyền may mắn có được lời khuyên, sự căn dặn của mẹ - từng là ca sĩ vùng mỏ Quảng Ninh. Mẹ đã khuyên nhủ nhiều điều trước khi Huyền vào nghề.

Cảm ơn Duyên Huyền!

Phạm Thị Duyên Huyền là một giọng nữ cao rất sáng của âm nhạc cổ điển Việt Nam, khi hát có thể lên đến nốt Rế Mí ở quãng trên, là sự phát hiện của NS Dương Thụ trong hòa nhạc Điều còn mãi 2012. Huyền đã từng đoạt giải nhì cuộc thi hát thính phòng toàn quốc năm 2009. Năm ngoái, phần trình diễn "Trường ca sông Lô" của Duyên Huyền và Đăng Dương đã khiến khán giả thăng hoa và trầm trồ trước một giọng soprano mới của nhạc Việt.

Hồ Hương Giang

Hòa nhạc Điều còn mãi 2013 vào 14h chiều ngày 2/9 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và truyền hình ANTV, Truyền hình Nghệ An sẽ nối sóng của VTV truyền hình trực tiếp chương trình. Ngoài ra Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát trực tiếp chương trình trên kênh FM Đài Tiếng nói Việt Nam. Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (nhà tài trợ Vàng), Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Nhà tài trợ Đồng), Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ) và café Trung Nguyên số 3 Ngô Quyền Hà Nội. Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC).