- Không thể so Uyên Linh với Y Moan, vì đó là sự so sánh vô cùng khập khiễng. Nhưng nếu bị gạt ra khỏi hạng mục “Ca sĩ của năm” thì tên tuổi của Y Moan lẽ ra phải nằm ở đâu?

Là một giải thưởng văn nghệ thường niên được xem là cao cấp và có uy tín, nhưng tranh cãi từ những “đột phá” của các hạng mục đề cử 2010 khiến nhiều người không khỏi nảy sinh những suy nghĩ mới để cân nhắc thêm về giải thưởng này.

Xét theo tiêu chí “cống hiến hết mình” với âm nhạc của giải, liveshow Ngọn lửa cao nguyên của Y Moan được thực hiện khi người nghệ sĩ đang mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cây đại thụ của âm nhạc, của tiếng nói núi rừng Tây Nguyên đã cống hiến hết mình để cháy lên tiếng hát cuối cùng trước khán giả. Và khi cái tên Y Moan không có trong danh sách đề cử Ca sĩ của năm, không ít người cảm thấy hẫng hụt nếu so sánh với ca sĩ Uyên Linh - một cái tên còn mới tinh trong làng nhạc.
Y Moan chỉ có mặt trong danh sách đề cử Chương trình “Ngọn lửa cao nguyên”

Không thể so Y Moan với Uyên Linh, vì đó là sự so sánh vô cùng khập khiễng. Nhưng ai cũng có thể nhìn thấy một sự thật hiển nhiên, là cái tên Y Moan đã bị gạt ra ngoài danh sách đề cử Ca sĩ của năm để còn lại vừa xinh 5 ca sĩ. Vậy thì tên tuổi của ông lẽ ra phải nằm ở đâu?

Khó có thể nói liveshow Ngọn lửa cao nguyên được đề cử hạng mục Chương trình của năm là đủ thuyết phục, đủ “xứng tầm” Y Moan. Hiển nhiên, một liveshow không đủ để có thể công nhận và nhìn nhận hết Y Moan. Sự mất mát của Y Moan trong năm 2010 với nền âm nhạc Việt không chỉ đơn thuần là sự mất mát của một ca sĩ lớn – mà đó là sự mất đi của cả một thế hệ, một con người/nghệ sĩ đã sống với sứ mệnh đại diện cho sự kết nối dân tộc.

“Điều mà Y Moan trăn trở nhất là khi Y Moan mất đi rồi, ai sẽ là cầu nối gắn kết các dân tộc với nhau. Ai xứng đáng là sứ giả văn hóa giữa các vùng dân tộc?” - Chặng đường dài của một nghệ sĩ lớn đã dừng lại vào năm 2010.
Nhìn vào vị trí của hạng mục Chương trình trong giải Cống hiến 2010, liveshow tổ chức một đêm như Ngọn lửa cao nguyên, dù có tốt đến mấy cũng khó có thể so với quy mô một series hơn 20 đêm được truyền hình trực tiếp trên sóng Trung ương hàng tuần lễ, được các phương tiện truyền thông săn đón, cập nhật liên tục, có hiệu ứng cao về mặt hình ảnh và thương mại như Vietnam Idol; hay cũng có phần thiệt thòi hơn nếu so với một chương trình mang ý nghĩa tôn vinh Tổ quốc và dân tộc như Điều còn mãi.

Hơn thế nữa, đề cử trong danh sách hạng mục Chương trình của giải Cống hiến, phần lớn nhằm tôn vinh những người tổ chức thực hiện chương trình, chứ không mang đầy đủ ý nghĩa chỉ dành riêng cho người ca sĩ. Gạt Y Moan ra khỏi danh sách đề cử “Ca sĩ của năm”, nên chăng, cần phải có một đề cử “Cống hiến trọn đời”, cao quý hơn cả giải thưởng “Ca sĩ của năm” để trao cho ông?
Khi phóng viên VietNamNet đề cập những vấn đề này với BTC, Nhạc sĩ Hữu Trịnh – Phó trưởng ban tổ chức trả lời: “Chúng tôi nghĩ việc này đã có Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã và đang thực hiện trong việc trao danh hiệu NSƯT”.

Câu trả lời có phần thoái thác của BTC dường như không làm thỏa mãn những khán giả không bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng của người trẻ” hay “hiệu ứng truyền thông”. Nhớ lại cuối tháng 2/2011, Bài hát Việt 2010 đã bất ngờ trao giải thưởng Cống hiến đầu tiên của chương trình cho Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm để ghi nhận những đóng góp của anh. Giải thưởng này hoàn toàn nằm ngoài các hạng mục đã từng xuất hiện những năm trước đó. Có thể thấy, BTC Bài hát Việt đã kịp chuyển mình và khẳng định mình nhanh hơn BTC Cống hiến rất nhiều.

  • Hồ Hương Giang