- Một thành phố mới có tên gọi “Kinh đô điện ảnh phương Đông” vừa được khánh thành ở Thanh Đảo, Trung Quốc, trong một buổi lễ xa hoa có mặt nhiều ngôi sao Hollywood.


{keywords}
Catherine Zeta-Jones tại buổi lễ khánh thành “Kinh đô điện ảnh phương Đông” Thanh Đảo. Ảnh: NY Daily News.

Siêu dự án 8,2 tỷ USD

Người ta có thể ước chừng nhà tổ chức đã phải bỏ ra nhiều triệu USD để có được buổi ra mắt hoành tráng và phô trương đến vậy vào hôm 22/9 vừa qua. Bước trên thảm đỏ là một loạt ngôi sao hạng A đến từ Hollywood từ Nicole Kidman, Leonardo DiCaprio, John Travolta cho đến Catherine Zeta-JonesEwan McGregorKate Beckinsale, Christoph Waltz. Các ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ thì đông như nêm, từ Lương Triều Vỹ, Chung Tử Đơn, Chương Tử Di cho đến Triệu Vy, Châu Tấn, Huỳnh Hiểu Minh…

Chủ tịch Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ Cheryl Boone Isaacs, ông trùm phim ảnh Harvey Weinstein và nhiều lãnh đạo của các hãng phim lớn tại Hollywood cũng thấy xuất hiện bên cạnh các quan chức quản lý văn hóa của Trung Quốc.

Buổi lễ phô trương hào nhoáng tỏ ra phù hợp và xứng đáng với tham vọng to lớn thể hiện trong siêu dự án “Kinh đô điện ảnh phương Đông”, được xây dựng trên diện tích 376 héc-ta ở ngoại ô thành phố cảng Thanh Đảo, trên bán đảo Sơn Đông nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc.

Tổng vốn đầu tư cho “kinh đô điện ảnh mới” được nói lên tới 8,2 tỷ USD với khoảng 20 phim trường và các công trình như nhà hát 3000 chỗ, bảo tàng sáp, nhà triển lãm, nhà hàng, khách sạn, công viên chủ đề kiểu như Universal ở Mỹ…

Công việc xây dựng vẫn đang được tiến hành. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, “kinh đô” này sẽ đủ sức cho ra lò khoảng 100 bộ phim Trung Quốc mỗi năm và khoảng 30 phim nước ngoài đến thuê mướn địa điểm, nhân lực và điều kiện kỹ thuật.

Hiện chính phủ Trung Quốc đã đồng ý đây sẽ là nơi tổ chức LHP quốc tế Thanh Đảo vào tháng 9 hàng năm, bắt đầu từ 2016. Mục tiêu đặt ra là sẽ đưa sự kiện này trở thành một trong những liên hoan phim quốc tế hàng đầu trong vòng từ 3 đến 5 năm.

{keywords}
“Hoàng kim giáp”, một phim phô trương văn hóa và lịch sử Trung Quốc.

Quyền lực mềm

Người rót tiền vào siêu dự án này là ông Vương Kiến Lâm, 59 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Wanda Group, người vừa được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc hồi đầu tháng 9. Tổng tài sản của ông ước khoảng 14 tỷ USD.

Tập đoàn của ông vốn phất lên nhờ kinh doanh bất động sản, sau có thêm chuỗi trung tâm thương mại giải trí mang tên Wanda Plaza, hàng chục khách sạn 5 sao và một hệ thống rạp chiếu sở hữu khoảng 6000 màn ảnh…

Theo như tờ Hollywood Reporter trích lời ông thì mục tiêu hiện nay của ông là đưa Wanda trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp văn hóa. Và đó là lý do khiến ông chưa thể về hưu.

Cơ sở để ông tin tưởng mục tiêu của mình sẽ thành công là con số 1,3 tỷ dân và nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục trong ba thập niên. Ngành công nghiệp văn hóa hiện chỉ chiếm tỷ lệ 2% trong nền kinh tế, so với Mỹ là 20%, nhưng sẽ thay đổi trong tương lai. Riêng về chiếu bóng, doanh thu phòng vé dự kiến sẽ bằng Mỹ vào năm 2018 và gấp đôi vào năm 2023.

Tham vọng cá nhân của ông tỷ phú được xem là phù hợp với tham vọng chung của chính phủ Trung Quốc đang muốn gia tăng quyền lực mềm thông qua xuất khẩu văn hóa.

Nghịch lý là tham vọng này lại vấp phải một rào cản lớn, xuất phát từ một tham vọng khác: kiểm duyệt tất cả các sản phẩm văn hóa. Đây là nguy cơ khiến những đồng tiền tiếng là vung vãi cho văn hóa, cụ thể ở đây là điện ảnh, nhưng chỉ có thể tạo ra những chiêu trò nhảm nhí mua vui hoặc thị uy giả dối như đã thấy trong thời gian qua.

Và như thế, cái mỹ từ thời thượng “Chinawood” mà Trung Quốc đang cố gắng dàn dựng để đi vào lòng thiên hạ chỉ mãi là giấc mộng xa vời và có sức mạnh tự huyễn.

Minh Chánh