Báo VietNamNet xin trân trọng gửi tới độc giả một số cuốn sách có giá trị lịch sử, có bề dày nghiên cứu và được đánh giá cao, viết về cuộc đời vị đại tướng tài ba của dân tộc - đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sách đã được xuất bản tại Việt Nam.
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ (xuất bản năm 2004) - Tác giả: Phạm Hồng Cư
Cuốn
sách là kết quả 10 năm sưu tầm tư liệu và nghiên cứu của Trung tướng
Phạm Hồng Cư (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân
Việt Nam) về quãng thời gian trước tuổi 20 (từ năm 1911 đến năm 1931)
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nhờ quá trình tìm tòi và nghiên cứu
này, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã xác định được tiệm cận nhất ngày sinh
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ngày 25/08/1911 so với các tài liệu khác
cả ở Việt Nam và quốc tế.
Tác giả đã có dịp tiếp xúc với Đại tướng, phu nhân
Đặng Bích Hà, ông Võ Thuần Nho - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - em ruột
Đại tướng.., được đọc các bức thư gia đình của Đại tướng - những kỷ vật
quý báu đã được lưu giữ hơn nửa thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa, Trung tướng
Phạm Hồng Cư đã có cơ hội gặp gỡ với thân mẫu của đại tướng Võ Nguyên
Giáp.
Bên cạnh tác phẩm "Võ
Nguyên Giáp" của sử gia Pháp Georges Boudarel - cuốn sách này đã bù lấp
lại khoảng trống lớn mà các tác giả trong và ngoài nước không đề cập -
hoặc chỉ đề cập phác qua về tuổi thơ và tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên
Giáp. Tác phẩm kể lại, thuở nhỏ, Đại tướng học rất giỏi. Ông đỗ đầu kì
thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’étudé primaires) ở tỉnh Quảng
Bình nhưng sau đó lại trượt kì thi vào Quốc học Huế. Năm 1924, ông thi
đỗ, tham gia phong trào yêu nước và từng bị đuổi học vì tổ chức bãi khóa
ở trường trong chuỗi hoạt động hưởng ứng để tang cụ Phan Chu Trinh.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi kí (xuất bản năm 2006) - Tác giả: Võ Nguyên Giáp
Một
bộ tư liệu đặc biệt quý giá, tổng tập hồi ký gồm sáu cuốn của Ðại tướng
Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên,
Chiến đấu trong vòng vây, Ðường tới Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên Phủ - điểm
hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng.
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi dấu ba mốc son
chói lọi: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Ðiện Biên Phủ và mùa Xuân 1975 đại
thắng. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng như
không thể làm được giữa thế kỷ 20. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân
tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng
những cường quốc đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức mạnh của chính
mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước
toàn thế giới.
Trong quá trình cùng với Bộ Chính trị chỉ đạo kháng
chiến, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều tác phẩm, luận văn chính trị
quân sự, bài viết, bài nói... góp phần chỉ đạo quân và dân ta tiến hành
hai cuộc kháng chiến. Ðặc biệt, những thời điểm, những giai đoạn có
tính chất bước ngoặt lịch sử của dân tộc, Ðại tướng đều có những tác
phẩm hồi ký, được thể hiện toàn bộ trong Tổng tập hồi ký này.
Cuốn sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên
Giáp" do Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) xuất bản
nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây thực
sự là một tài liệu quý để lưu giữ truyền thống cách mạng và lịch sử dân
tộc.
Sách được in khổ 21x24 cm, dày 212 trang, song ngữ
Việt - Anh. Gần 300 bức ảnh trong sách đã khái quát một cách chân thật,
sống động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đại tướng - một
vị tướng tài ba, một nhà cách mạng nổi tiếng, một người học trò xuất
sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của đất nước, được
nhân dân cả nước yêu mến và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.
Một số bức ảnh quý trong cuốn sách này đã được báo VietNamNet đăng tải. Độc giả có thể xem lại TẠI ĐÂY
4. Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh (xuất bản năm 2010) - Tác giả Trần Trọng Trung
Trong
lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam tính đến nay, có lẽ người duy nhất
được phong hàm một lần, và phong tột đỉnh ngay, không ai khác là Đại
tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong lịch sử vệ quốc của nhiều
nước, hiếm có trường hợp nào một vị chỉ huy lại bắt đầu sự nghiệp quân
đội của mình từ việc gây dựng lực lượng. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng
mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân được thành lập do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Từ buổi sơ khởi với 34
chiến sĩ ấy, một quân đội nhân dân hùng hậu đã trưởng thành nhanh chóng
và lập công liên tiếp từ nhỏ tới lớn.
Các vị danh tướng thời đại Hồ Chí Minh đều có chung
một phẩm chất được gọi là: "Anh bộ đội cụ Hồ”. Quân đội Việt Nam từ nhân
dân mà ra, do nhân dân mà trưởng thành, tình quân dân như cá với nước.
Vì vậy, các vị tướng lĩnh đều biết quý trọng xương máu của chiến sĩ.
Chiến tranh không thể tránh khỏi đổ máu. Thế nên cách tốt nhất để hạn
chế xương máu chiến sĩ là: Đã đánh phải thắng; Thắng mà không phải, hay
ít đổ máu mới là chiến thắng thực sự.
Với Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, việc
quý máu xương chiến sĩ là phải làm sao có những sách lược, phương châm
tác chiến hiệu quả nhất. Để bù đắp vào vốn tri thức quân sự không được
đào tạo bài bản, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường xuyên tìm
tòi trong lịch sử giữ nước của ông cha ta. Vốn không nề hà bất kỳ công
việc nào mà Đảng giao phó, kể cả công việc mà nhiều người cho là không
hợp với ông, những nỗ lực của cá nhân ông đã mang lại những đổi thay to
lớn.
Đại tướng đã thực hiện tốt lời Bác khuyên: "Việc gì
có lợi cho dân cũng phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân cũng phải hết
sức tránh”. Sau khi nghỉ hưu, Đại tướng vẫn đau đáu nỗi niềm vì nước vì
dân, suy tư và góp ý nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước...
Cuốn sách được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những tác phẩm giá
trị nhất viết về nhà quân sự lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Tác giả của nó -
sử gia Georges Boudarel biết sử dụng tiếng Việt thành thạo. Nhờ đó, ông
có thể tham khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, kết hợp với
nhiều nguồn sách báo nước ngoài nên trong cuốn sách của ông có nhiều tài
liệu và nhiều quan điểm, đánh giá mới mẻ. Ông đã khắc họa chân dung Đại
tướng Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị
chỉ huy của quân đội Việt Nam trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều
nguồn tư liệu khác nhau.
Ngoài những chi tiết nói về những chiến tích của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp - không có gì khác biệt so với các cuốn sách khác
của các tác giả phương Tây - còn có những chi tiết rất thú vị cho chúng
ta biết về cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp đã kiên cường trước
những âm mưu của kẻ thù như thế nào. Những mua chuộc đã cho một kết quả
ngược lại. Chàng trai trẻ Võ Nguyên Giáp đã trở thành học trò xuất sắc
của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một sử gia Pháp khác đã bình luận về tướng Giáp
trong cuốn sách này: "Một mình ông chống lại khoảng 15 sĩ quan cao cấp
được đào tạo bài bản tại ở các trường quân sự phương Tây! Cuộc đấu tranh
xem ra không cân sức... "
6. "Không phải huyền thoại" (xuất bản năm 2010) - Tác giả: Hữu Mai
"Không
phải huyền thoại" là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ
Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào chiến
dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhà văn Hữu Mai với mối quan hệ đặc biệt với nhân
vật của mình, đã có cuộc hành trình trên trang giấy để tìm ra đâu là
khía cạnh phi thường của một con người giữa quan hệ với muôn người,
những ảnh hưởng đến sinh mệnh và cục diện chiến cuộc, đâu là khía cạnh
chân thực của những nét ngoại cỡ của tầm vóc lịch sử.
Về cuốn tiểu thuyết hiếm có này, độc giả Đinh Hoàng
Minh (Tp HCM) viết: "...sống động đến từng chi tiết. Một anh "Văn" hiền
lành như thư sinh, khuôn mặt nghiêm cẩn nhưng cũng luôn tươi cười. Ẩn
sâu trong vị Đại Tướng là một tinh thần thép, một nhân cách lớn... một
con người vượt lên trên cả những lý thuyết học thuật quân sự, táo bạo
trong chiến thuật. Người đời sau khi nghiên cứu lại những trận chiến của
Đại Tướng, người ta còn phải sửng sốt thốt lên "Không thể tin được, ông
ấy thật điên rồ"...
Còn độc giả Phạm Thành Trung (Hà Nội) thì bình luận:
"Tác giả đã viết tác phẩm này một cách nhẹ nhàng, chân tình và gần gũi,
nhưng vẫn hết sức tinh tế và giàu cảm xúc. Chân dung một vị đại tướng
tài năng, một nhân cách lớn của dân tộc hiện lên trên mỗi con chữ, khắc
sâu vào lòng người đọc một hình ảnh sống mãi với thời gian."
Tổng hợp danh
sách hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo lời nhà sử học Dương
Trung Quốc, mỗi cuốn đều có tầm quan trọng và đánh dấu những thời kì
lịch sử khác nhau của dân tộc, không thể bỏ qua một cuốn nào.
Hồi ký tiếng Việt
Vấn đề dân cày (đồng tác giả với Trường Chinh), 1938;
Đội quân giải phóng, 1950
Từ nhân dân mà ra, 1964;
Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, 1964;
Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, 1970;
Những năm tháng không thể nào quên, 1970
Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, 1972;
Những chặng đường lịch sử (gồm 2 tác phẩm đã in trước đó là Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên), 1977;
Chiến đấu trong vòng vây, 1995;
Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 1979;
Đường tới Điện Biên Phủ;
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử;
Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng, 2000.
Hồi ký tiếng Anh
Unforgettable Days, Vo Nguyen Giap, NXB Thế giới, 2003
Dien Bien Phu, Vo Nguyen Giap, NXB Thế giới, 2004
Fighting under Siege, Vo Nguyen Giap, NXB Thế giới, 2004
|