- “Thành lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng sớm càng tốt, vì giá trị di sản nhất là giá trị tinh thần, giá trị ký ức và ý nghĩa giáo dục của bảo tàng này”, TS Lê Thị Minh Lý.

Rất, rất nên!

Trong giới bảo tàng hiện nay cũng đang bàn luận xôn xao việc nên hay không nên thành lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đa phần các ý kiến là nên làm, riêng tôi thì cho rằng rất, rất nên.

Đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt tay ngay vào nghiên cứu, đặt những viên gạch đầu tiên hình thành nên bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi chắc rằng nhiều người sẽ tình nguyện tham gia vào công việc này.

Thứ nhất, cuộc đời bác Giáp có rất nhiều sự kiện và câu chuyện, mặc dù nói cuộc đời cá nhân của bác nhưng cuộc đời này lại gắn liền và liên quan tới lịch sử dân tộc. 

{keywords}
Nhân dân thành kính nghiêng mình tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất Mẹ (Ảnh: T. Lê)

 Thứ hai, chúng ta yêu mến và kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ bởi những chiến công mà ông đã làm cho dân tộc mà còn bởi con người với lối sống đầy chất nhân văn và nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Ai cũng biết Đại tướng có tuổi thơ vô cùng nhọc nhằn. Thế nhưng, vượt qua tất cả, Bác đã trở thành một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam với tri thức và tầm nhìn không chỉ người dân Việt Nam mà cả thế giới nhiều người ngưỡng mộ.

Con người mà cả cuộc đời không ngừng học hỏi là một tấm gương đáng để chúng ta, đặc biệt là giới trẻ hiện nay học tập.

Thứ ba, Đại tướng có rất nhiều câu chuyện về đạo đức, từ lối sống giản dị, đúng mực, yêu thương người trong gia đình, đồng chí, đồng bào. Đó là một cách sống vô cùng đáng quý mà đâu đó ta thấy được cũng là triết lý của dân tộc mình - điều mà lâu nay do cơm áo gạo tiền mà đôi khi con người trở nên vô cảm với đồng loại.

Khi chúng ta kể lại câu chuyện như vậy, người xem cũng thấy có sự kết nối bởi trong hình ảnh bác Giáp người ta nhìn thấy phẩm chất đáng quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Tôn Đức Thắng hay Võ Văn Kiệt… Xâu chuỗi lại, người xem cả trong nước và quốc tế sẽ thấy được truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Thứ tư, cuộc đời của Đại tướng có nhiều điều mà đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi, có những thông tin mà chúng ta chưa biết. Đây là điểm thú vị, sẽ vô cùng kịch tính để bảo tàng thu hút được công chúng, công chúng có thể đến bảo tàng, bàn luận và đưa ra những hiểu biết của mình về Đại tướng….Đó là sự tương tác - điều này rất cần thiết với bảo tàng.

{keywords}
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên giấc ngàn thu nhưng ký ức về Người thì sẽ còn mãi mãi.

Chọn ngay ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm bảo tàng

Bảo tàng ra đời phục vụ công chúng, xã hội và sự phát triển xã hội thì với những gì mà Đại tướng đã làm được trong gần một thế kỷ qua, với những gì chúng ta vừa được trải nghiệm trong những ngày Đại tướng về với đất Mẹ cho thấy nhu cầu của công chúng và tiềm năng công chúng của Bảo tàng Võ Nguyên Giáp trong tương lai. Tất cả những tình cảm mà người dân cả nước dành cho Đại tướng kính yêu là xuất phát từ trong tim, mà cái gì rung động từ trái tim sẽ bền vững.

Việc có một bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhằm tôn vinh vị tướng tài ba đức độ mà trong đó còn có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn lao.

Không chỉ người Việt Nam mà nhiều người nước ngoài nhắc tới Việt Nam là họ nói đến hai tên tuổi lớn là Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp. Với nhiều người nghiên cứu về Việt Nam, chắc chắn Bảo tàng sẽ là một địa chỉ thú vị đáp ứng nhu cầu công chúng không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Xét về mặt quản lý bảo tàng, tôi thấy việc có một bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là có lợi. Bảo tàng này có thể góp phần vào sự phát triển xã hội không? Chắc chắn là có. Công chúng cần, xã hội cần thì sự ra đời của bảo tàng là cần thiết.

Nếu chọn ngay ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng đã từng sống và làm việc để làm bảo tàng thì lại càng có lợi hơn rất nhiều. Ngôi nhà ấy là một nhân chứng, ngôi nhà ấy không chỉ có cái vỏ vật chất mà nó có cả linh hồn. Nó rất sống động, nó đã đi vào ký ức của rất nhiều người. Những người đã sống trong ngôi nhà ấy, những người đã từng đến đó làm việc hay những người đã đến thăm Đại tướng và cả hàng vạn người mới đây thôi đến tiễn biệt Đại tướng. Đấy là ký ức xã hội, là di sản.

Nếu bỏ ngôi nhà ấy mà làm ở một nơi khác thì chúng ta sẽ rất thiệt thòi, chúng ta sẽ mất đi một di sản, vô vàn ký ức quý giá đã chứa đựng trong ngôi nhà ấy.

Thành lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng sớm càng tốt, vì các di sản phi vật thể mai một rất nhanh đôi khi ta không nhìn thấy. Nhất là những ký ức của con người cùng thời với Đại tướng, được làm việc với Đại tướng họ cũng đã già và chúng ta chưa thể nói trước được điều gì. Nếu chúng ta làm ngay, chúng ta có thể bảo tàng hóa các ký ức ấy, khiến các câu chuyện bảo tàng sẽ sâu sắc, sinh động hơn, bằng không sẽ vô cùng thiệt thòi.

Còn việc làm và bảo tàng này sẽ thuộc về ai thì phải có một tầm nhìn có sự phát triển lâu dài. Có thể do quân đội hoặc tổ chức xã hội nào đó, có thể là tư nhân…Tuy nhiên được sự đỡ đầu của nhà nước là tốt nhất. Bởi đây không chỉ là bảo tàng vinh danh một con người mà nó còn là một phần ký ức của dân tộc.

Tình Lê (ghi)