- "Bay đêm" và "Xứ con người" - hai bản dịch từ tác giả Antoine De Saint-Exupéry, cha đẻ của "Hoàng tử bé", vừa chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam.

 

Vốn được thế giới biết đến bằng kiệt tác văn học "Hoàng tử bé" nhưng gia tài văn chương mà phi công Antoine De Saint-Exupéry để lại cho nhân loại còn nhiều hơn thế. Năm 1926, 17 năm trước khi "Hoàng tử bé" ra đời, ở tuổi 26, Saint-Ex đã viết cuốn sách đầu tay với tựa đề "Người phi công" (L'Aviateur) - đặt dấu mốc đầu tiên cho sự nghiệp lẫy lừng của một nhà văn đam mê chinh phục, gắn bó với bầu trời và các vì tinh tú.

{keywords} 

Antoine De Saint-Exupéry, cha đẻ của "Hoàng tử bé"

18 năm sáng tác, Saint-Ex đã viết 8 tác phẩm, đa phần đều được đánh giá là đặc sắc. Ngoài "Hoàng tử bé" nổi tiếng, "Bay đêm" - cuốn sách thứ 3 của ông - đã giành giải thưởng Fémina danh giá. Tác phẩm thứ 4, "Xứ con người", dành Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp, mặc dù nó không hề được trình bày dưới dạng tiểu thuyết.

Văn phong phóng khoáng và lãng mạn, Saint-Ex chủ yếu thuật lại trải nghiệm trên các chuyến bay đêm của mình cùng đồng đội qua mọi miền thế giới, với gió, cát, sa mạc, biển cả, những dãy núi trùng điệp và cả những vì sao. Qua đó, ông cũng chiêm nghiệm về tình bạn, triết học, bản lĩnh, sự tiến bộ của con người, và cả những điều bó hẹp và bức bí trong xã hội.

Là một tác giả có những trải nghiệm thật sự về việc tung cánh trên bầu trời, vượt qua đời sống hàng ngày nhỏ bé, nên văn chương và suy nghĩ của Saint-Ex rất khác lạ với những nhà văn khác. Ông luôn có xu hướng muốn vượt qua sự tầm thường, nhìn thấy những kì vĩ của tự nhiên và mở lòng mình trước thế giới rộng lớn. Từ góc nhìn trên cao, Saint-Ex mô tả rất hấp dẫn khung cảnh của những vùng đất, những đỉnh núi, những đám mây mà ông đi qua, gắn chúng vào với sự vận động của Trái Đất.

{keywords} 

Cả 2 tác phẩm "Bay đêm" và "Xứ con người" đều ít nhắc đến những mâu thuẫn trực tiếp của người với người. Với lối tư duy mạnh bạo và phóng khoáng, Saint-Ex thường chỉ đối diện với những băn khoăn khi ông chứng kiến con người không vượt được qua giới hạn của đời sống hằng ngày, gắn chặt mình vào những thú vui đơn giản và sự ì trệ trong vùng thoải mái. Saint-Ex sinh ra để hành động và chinh phục. Ông yêu thương con người theo cái cách muốn con người đạt đến những giới hạn cao nhất của con người.

"Trong khi lao động duy nhất cho của cải vật chất, tự tay ta xây lấy nhà giam giam ta. Chúng ta tự giam mình cô độc, với đống tro tàn làm tiền tệ, cái thứ tiền tệ ấy không mua bán được gì đáng cho chúng ta sống". (Trích trong "Xứ con người")

Một trong những phần thú vị và xúc động nhất của "Xứ con người" là phần Saint-Ex viết về những người bạn hữu. Cuốn sách thực sự là một bản hùng ca dành tặng các phi công của hãng Không Bưu, đặc biệt là hai đồng nghiệp của tác giả - Jean Memoz và Henri Guillaumet. Những người bạn rất mực can trường của ông đã hiến tặng cuộc đời mình cho sự nghiệp Không Bưu và không bao giờ trở về với đất liền.

"Xứ con người" dường như được giới hàn lâm đánh giá cao hơn "Bay đêm" bởi tính phổ quát của tư duy, triết học thấm đẫm trong các tiểu luận ngắn và giàu cảm xúc. Nhưng "Bay đêm" cũng là một tác phẩm không thể bỏ qua của nhà văn Pháp kì tài này. Đó là một tiểu thuyết được viết hết sức ngắn gọn và tiết chế, gợi nhớ đến "Suối nguồn" - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế kỉ 20 của nhà văn/triết gia Mỹ Ayn Rand.

Nhưng so với cuộc chiến đấu của Roark Howard (nhân vật chính trong "Suối nguồn"), cuộc chiến đấu của Fabien và Rivière (nhân vật trong "Bay đêm") còn có phần quyết liệt hơn. Fabien và Rivière không không chiến đấu với con người xã hội như Roark, mà chiến đấu với con người ở bên trong mình, hiểu được những xúc cảm nhất thời của con người và vượt lên trên nó.

Saint-Ex đã viết lời đề tặng "Bay đêm" cho ông chủ hãng Không Bưu Didier Daurat - có lẽ là hình tượng cho nhân vật Rivière ở ngoài đời thực. Saint-Ex luôn có xu hướng gắn chặt những tác phẩm của ông với cuộc đời ông. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1944, người viết văn danh tiếng đã được thông báo mất tích trên đường bay gần vịnh Carqueiranne. Kết cục của ông cũng như nhân vật Fabien, như những người bạn vĩ đại Jean Memoz và Henri Guillaumet của mình.

"Fabien lang thang trên biển mây huy hoàng ban đêm, nhưng thấp mãi bên dưới là vĩnh cửu. Anh lạc lõng giữa các vì sao nơi anh trú ngụ có một mình. Anh vẫn còn nắm chặt thế giới trong đôi tay và đu đưa nó sát ngực mình. Anh siết chặt trong tay lái sức nặng sự phong phú của con người và, tuyệt vọng, anh lang thang từ ngôi sao này qua ngôi sao khác, mang theo các vật báu vô bổ mà anh sẽ phải buông ra...." (Trích "Bay đêm")

Hồ Hương Giang