- Các cấp quản lý văn hóa có chạy theo kịp những "biến hóa đa dạng" của hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa, gây ra bởi những người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng?
Có một sự thật đang diễn ra trong làng giải trí: sự nổi tiếng và thành công không phải lúc nào cũng là kết quả của một nhân cách có văn hóa, tài năng và nghị lực.
Hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng giả làm bác sĩ vụ Cát Tường trong lễ hội Halloween. |
Điều không may là những trường hợp cần phải được hạn chế ở mức cá biệt như vậy, trong cảm nhận của nhiều người, lại đang ngày một phổ biến. Thực tế này phát lộ qua những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng xảy ra nhan nhản trong thế giới người nổi tiếng. Từ cấp độ nhẹ như phát ngôn động trời, khoe khoang của cải, hỗn hào với bậc cha chú cho đến những chuyện "động trời" như hôn môi sư trên sân khấu, giả hình ảnh của một bác sĩ thẩm mỹ vừa gây ra cái chết của một bệnh nhân trong lễ hội Halloween...
Chuyện xảy ra, rất nhanh chóng, được bệ phóng tiếng tăm bắn thẳng vào môi trường truyền thông vốn đang nhiễu loạn, gây nhiều phẫn nộ cho cộng đồng. Tùy mức độ giận dữ và khác biệt quan điểm, mà công chúng, từ thể hiện thái độ mong muốn cơ quan quản lý có động thái xử lý, đến xuề xòa mua vui hoặc không bận tâm. Tính chất ầm ĩ của các vụ việc dễ gây cảm tưởng cho nhiều người, rằng: những hành vi này đều xứng đáng bị áp chế bởi "chiếc gậy" quản lý (gồm các hình thức: cấm, phạt, cảnh cáo, nhắc nhở) mà bất cứ ai cũng có thể nhân danh các điều khoản vốn còn chung chung để yêu cầu áp dụng.
Chuyện ầm ĩ do vậy cũng khiến các cấp quản lý nhà nước không thể không bày tỏ động thái, hoặc có hành động để thể hiện trách nhiệm kịp thời trên lĩnh vực được giao gác cửa. Tuy nhiên, với những trường hợp xảy ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định dành cho giới nghệ sĩ biểu diễn, người ta có thể nhìn thấy sự lúng túng và thiếu nhất quán nhất định giữa các cấp quản lý.
Đơn cử như việc người ta có thể dễ dàng xử phạt Đàm Vĩnh Hưng 5 triệu đồng vì hành vi hôn môi sư vi phạm thuần phong mỹ tục trên sân khấu. Nhưng lại khó thuyết phục được dư luận nếu muốn xử phạt "ông hoàng scandal" trong trường hợp giả làm bác sĩ thẩm mỹ Cát Tường trong một lễ hội vui chơi thuần túy, không phải là hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Dù cảm xúc giận dữ của công chúng và những chuẩn mực văn hóa bị phá vỡ trong cả hai vụ việc có thể được xem là như nhau.
Một khả năng khác cho các nhà quản lý, vốn đã được xem xét bàn bạc nhiều, là việc cấp thẻ hành nghề nhằm chấn chỉnh sự lộn xộn, nâng cao chất lượng nghệ sĩ và hoạt động biểu diễn. Nhưng đến nay, phương án này vẫn chưa thể thành hiện thực vì tính võ đoán của nó trong một lĩnh vực được điều chỉnh và vận hành bởi thị trường và thị hiếu.
Nói đi cũng nên nói lại, chuyện ầm ĩ xoay quanh ứng xử của những người nổi tiếng có lẽ nên được xem là tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo. Bởi ít nhất, nó cho thấy sức mạnh phòng vệ văn hóa của xã hội. Những giá trị tốt đẹp được định hình vững chắc hơn sau hành vi vi phạm và những tranh cãi qua lại.
"Chiếc gậy" quản lý có thể không giúp một con người trở nên có văn hóa hơn, thậm chí có khi còn nực cười với màn giao nộp 5 triệu đồng cho thuần phong mỹ tục. Nhưng sức mạnh cộng đồng chắc chắn là có thể.
Minh Chánh