- Những căng thẳng ở chùa Chân Long đã diễn ra từ 3 năm nay nhưng vụ việc chỉ được dư luận quan tâm tới cách nay 3 ngày khi những hình ảnh người dân địa phương phản đối một bức tượng có hình tướng Phật được chia sẻ trên mạng xã hội.

 {keywords}

Chùa Chân Long trong khu phố chợ Chàng Sơn.

Nằm cạnh đình làng, bao quanh bởi một khu phố chợ đông đúc và náo nhiệt, chùa Chân Long là hình ảnh của một di sản sống động, nơi diễn ra sinh hoạt tâm linh của làng từ hàng trăm năm nay. Nó chính thức được nhà nước bảo vệ bằng Luật di sản kể từ năm 1992, thông qua việc công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc Quốc gia. Nhưng điều đó không có nghĩa sẽ mang lại cho ngôi chùa bộ áo giáp vững chắc trước những xâm hại.

Người dân giận dữ cáo buộc sư trụ trì Thích Minh Phượng đã bỏ đi pho tượng cổ cũ và cho tạc bức tượng với khuôn mặt giống với khuôn mặt mình để người dân phải “thờ ông Phượng”. Sự việc nhanh chóng tràn lên các mặt báo.

Sáng ngày 8/11, khi có mặt tại khu vực sân chùa, chúng tôi nhận thấy hàng chục người vẫn còn tụ tập bày tỏ giận dữ với truyền thông và cơ quan chức năng. Một người đàn ông kéo chúng tôi vào khu nhà Tứ Ân nằm bên trái khu tam bảo chùa chính. Ông chỉ tay vào 14 bức tượng được xếp vào cuối gian nhà và nói: “Đó là những bức tượng mới mà trụ trì mang về, chúng tôi không cúng những vị này”. Đầu năm 2012, những bức tượng này từng có thời gian ngắn được sư trụ trì đưa lên bệ thờ ở khu nhà tổ, thay cho những bức tượng cổ, trong đó có pho tượng Ngọc Hoàng cao 1,2 m, tuổi thọ chừng 300 năm.

{keywords}

14 bức tượng mới bị người dân phản ứng không được thay thế tượng cũ.

Vụ việc bị người dân phát giác, UBND xã Chàng Sơn lập biên bản, yêu cầu trả lại hiện trạng cũ, nhưng pho tượng Ngọc Hoàng thì đã…biến mất. Theo lời thuật của sư trụ trì thì pho tượng được ông bọc bao tải đưa ra ngoài bờ sông Tây Ninh tắm. Ngày hàng ngàn dân làng kéo ra bờ sông cách chừng 700m để chứng kiến chính quyền xã tìm lại pho tượng, mọi người chỉ thấy một thùng sắt được sư trụ trì để lại. Ông Nguyễn Kim Toàn, Phó chủ tịch xã phụ trách văn hóa, nói đến nay chiếc thùng vẫn còn được niêm phong giữ trong ủy ban “chờ cấp trên hướng dẫn xử lý”.

Những cố gắng thay đổi hiện trạng ngôi chùa của thầy Thích Minh Phượng, bất chấp Luật di sản, có lịch sử từ khi ông được chọn làm sư trụ trì vào tháng 6 năm 2010. Từ chuyện xây mới nhà vệ sinh trong khuôn viên cho thuận tiện với sinh hoạt, đến tự ý thay đổi những pho tượng cho phù hợp với niềm tin mới của ông và một bộ phận người dân trong làng.

 {keywords}

Hàng chục người dân vẫn còn tụ tập trong khuôn viên chùa sáng 8/11.

Tranh chấp chuyện đặt tượng được len lén đặt vào sử dụng lý lẽ “chuyện của chùa”, còn bên canh chừng phát giác biết mình được Luật di sản bảo vệ. Xung đột đáng tiếc lẽ ra đã không xảy ra nếu người được giao trụ trì chùa không cố gắng áp đặt niềm tin mới lên không gian tâm linh đã được định hình và bảo vệ. Người Chàng Sơn chưa bao giờ chia rẽ đến vậy. “Trước khi sư chưa về, dân kéo đến chùa ngày rằm, ngày mồng một, ngày tết rất là đông vui, đầm ấm và đoàn kết. Người Chàng Sơn đều lạy Phật cả nhưng ông ấy cứ giảng theo một cách khác”, ông Quang Điệp, tuổi ngoài 70, ở đội 4, nói.

Vài vụ bạo lực được nói đã xảy ra giữa một số cá nhân, nhưng phổ biến là tâm lý “không nhìn mặt” hay xa lánh giữa những niềm tin đa số và niềm tin thiểu số. Sự bình tĩnh là điều cần thiết vào lúc này. Vụ việc rõ ràng để lại thêm một bài học về những xâm hại di sản có thể gây ra cơn giận dữ thế nào, một khi niềm tin tâm linh bị thương tổn.

Hiện không ai biết trụ trì chùa Thích Minh Phượng đang ở đâu và cũng không ai liên lạc được với vị trụ trì này.

{keywords}

“UBND xã nhận thấy người dân bất bình vì họ lo lắng cho niềm tin về mặt tâm linh của mình. Việc đảm bảo an toàn cho chùa làm chúng tôi rất quan tâm. Xã rất mong cấp trên giúp địa phương sớm xử lý vụ việc”, ông Nguyễn Kim Toàn, Phó chủ tịch phụ trách văn hóa của UBND xã Chàng Sơn.

 Trụ trì tự ý thay đổi tượng là quá tự tiện

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT & DL cho biết, sáng nay (8/11), Sở đã cử cán bộ xuống chùa Chân Long để xem xét, đồng thời gửi công văn hỏa tốc tới UBND huyện Thạch Thất yêu cầu làm rõ vụ việc. Theo QĐ 11 về việc phân cấp quản lý nhà nước, UBND huyện Thạch Thất sẽ phải kịp thời xử lý vụ việc gây nóng dư luận này. Kèm theo đó, Sở cũng đã báo cáo việc này với Ban Tôn giáo T.Ư về để xin ý kiến chỉ đạo.

"Đứng trên góc độ quản lý, chiếu theo Luật di sản thì trường hợp trụ trì Thích Minh Phượng nếu muốn thay tượng phải báo cáo với cơ quan chức năng, làm như vừa qua là quá tự tiện vi phạm Luật di sản', ông Tiến nói.

GS Trần Lâm Biền: Trụ trì chỉ có quyền trông coi, không tự ý thay đổi kiến trúc

Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, các di sản văn hóa là tài sản của toàn dân, của đất nước. Nhà sư chỉ là người trông coi, cùng dân bảo vệ nó. Mọi hành động tự ý thay đổi kiến trúc, xây dựng, dỡ bỏ… hay bất cứ việc gì gây ảnh hưởng đến di tích mà không được cơ quan chức năng, cấp quản lý cho phép đều là vi phạm pháp luật.

 Minh Chánh - Tình Lê