Mỹ Tâm cho rằng "đã được gọi là nghệ sĩ thì không thể quản lý bằng thẻ được", "người được cấp thẻ chắc gì hát hay hơn người không có" là suy nghĩ của Văn Mai Hương, còn Trương Ngọc Ánh cho rằng tài năng mới là chiếc thẻ tốt nhất của nghệ sĩ.


Thời gian gần đây, một lần nữa Cục Nghệ thuật biểu diễn lại khẳng định việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ là cần thiết, sau khi đề án này từng được đưa ra nhưng rồi bị rơi vào quên lãng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Trước thông tin ngày, có nghệ sĩ có khá nhiều băn khoăn về việc cấp phép cũng như đặt ra câu hỏi nghi vấn về việc liệu chiếc thẻ đó có giúp giảm bớt những “thảm hoạ” trong công tác biểu diễn hay không?

{keywords}

Nói về đề án cấp thẻ hành nghề, ca sĩ Mỹ Tâm cho biết cô thực sự chưa hiểu lắm về chủ trương này và cô không ủng hộ việc cấp thẻ bởi nghệ thuật thuộc về cảm xúc. Hơn nữa, theo cô việc cấp thẻ hành nghề chỉ có thể quản lý về số lượng chứ không quản lý được về chất lượng nghệ sĩ. Nó cũng chưa chắc đã giúp giảm bớt những “thảm hoạ” trong lĩnh vực nghệ thuật đang gây nhức nhối hiện nay.

Chia sẻ về điều này, Mỹ Tâm nói: “Tâm chưa hiểu cụ thể về chủ trương này còn ý nghĩa gì khác không nên cũng không thể có ý kiến gì. Về quan điểm cá nhân của Tâm thì nghệ thuật phần lớn là thuộc về cảm xúc, thật khó để cấp thẻ cho nghề biểu diễn, dù nó vẫn được gọi là một cái nghề.

Tâm hiểu sự lo ngại của các cơ quan quản lý về tình hình chung của môi trường nghệ thuật chúng ta hiện nay nhưng theo cá nhân Tâm thì không nhất thiết phải cấp thẻ hành nghề và thật sự chuyện này là không thể. Đã được gọi là nghệ sĩ thì không thể quản lý bằng thẻ được, một là cấp bằng khen hoặc công nhận của Bộ về đóng góp của họ. Hai là cấp danh hiệu kiểu “mâm xôi vàng” hay gì đó cho những cái không hay của họ thôi.”

Theo Mỹ Tâm, “Thật ra, cá nhân Tâm nghĩ Bộ hoặc Chính Phủ cứ ban hành luật biểu diễn cụ thể (cho người biểu diễn và đơn vị tổ chức biểu diễn) và cứ chiếu theo đúng luật ai sai phạm thì phạt thẳng tay thôi chứ cấp thẻ hành nghề thì chỉ có thể quản lý về số lượng chứ không thể quản lý được chất lượng. Làm vậy âm nhạc cũng sẽ khó phát triển mạnh và các tài năng mới cũng sẽ khó lộ diện và tỏa sáng. Mặt khác, là một nghệ sĩ Tâm nghĩ họ cũng phải biết tôn trọng nghề nghiệp và tôn trọng bản thân mình. Càng làm những việc không hay thì xã hội sẽ lên án và không chấp nhận, đó mới là hình phạt nặng nhất.”

Cũng giống như Mỹ Tâm, Văn Mai Hương cũng có cái nhìn không quá tin tưởng vào việc cấp thẻ. Cô cho rằng việc cấp thẻ cũng tốt, nhưng phải thấu đáo và tư chất chứ đôi khi người được cấp thẻ chưa chắc đã hát hay hơn người không được cấp thẻ hoặc người mới. Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà vấn đề thẻ hành nghề được bàn thảo suốt mấy năm qua.

Chiếc thẻ hành nghề, tất nhiên, không đảm bảo rằng ai có thẻ thì là nghệ sỹ chân chính, bởi cái gì cũng có sai số, giống như một số người có thẻ hội viên Hội nhà văn nhưng viết có khi lại không hay bằng những cây bút tự do. Tuy nhiên, nếu hầu hết nghệ sỹ chân chính có thẻ hành nghề thì đó là cách để họ bảo vệ quyền lợi cho mình. Tôi nghĩ, có thẻ cũng tốt, nhưng phải thấu đáo và thực chất”.

{keywords}

Còn với Trương Ngọc Ánh, cô cho rằng: “Người nghệ sỹ, thẻ hành nghề lớn nhất là những sản phẩm nghệ thuật, đó là điều dù có tiền cũng không mua được. Tôi nghĩ rằng, nếu muốn cấp thẻ, phải đưa ra được quy chế thấu đáo và có hành lang pháp lý cho nó. Chứ nếu chỉ làm cho có thì đôi khi lại làm khó những nghệ sỹ lớn nhưng thích hoạt động tự do, giống như việc cấp dang hiệu hay bằng khen vậy. Cái gì thực chất và đi vào lợi ích cho nghệ sỹ, chăc chắn họ sẽ ủng hộ mà thôi.”

Ở phương diện là người quản lý, ông Thanh Long, Giám đốc công ty người mẫu PL lại cho rằng điều đó là hết sức cần thiết. “Với lĩnh vực người mẫu, các thành viên tham gia vào Hiệp hội người mẫu với mong muốn được cấp thẻ hành nghề, để tự hào với nghề. Ngoài vấn đề tự hào, đương nhiên họ cũng có cơ sở để các sở, ban ngành nắm được quân số, cũng như đảm bảo được các vấn đề về thuế, ví dụ đóng thuế thu nhập cá nhân...

Trước đây tôi cũng đã ủng hộ đề án này bây giờ vẫn vậy. Tôi nghĩ việc cấp thẻ không đồng nghĩa với việc ràng buộc ai vào một nghĩa vụ gì. Ngay cả những người mẫu tự do cũng có thể xin cấp thẻ hoặc gia nhập vào các hiệp hội người mẫu (để được tạo điều kiện cấp thẻ - PV).

Cũng là một người làm công tác quản lý với vai trò phó giám đốc Nhà hát 5B, NSƯT Mỹ Uyên lại có một góc nhìn khác. “Vào khoảng năm 97 chúng tôi đã có nghe về nghị quyết làm thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, lúc đó tôi luôn hoang mang không biết mình sẽ đi làm thẻ ở đâu, bởi lúc đó tôi đang hoạt động tự do. Tôi gặp chị NSND Hồng Vân và chị tìm cách giúp đỡ tôi, chị nói hay là em lên Sở Văn hoá xem? Nhưng sau đó lại giới thiệu tôi về Nhà hát 5B để tôi có thể xin cấp thẻ. Nhưng tôi nói với chị, em có học hành đàng hoàng, có tốt nghiệp bằng cấp đàng hoàng... nếu lỡ em không có thẻ thì em không được diễn sao? Lúc đó tôi thực sự hoang mang nhưng rồi không ai nói gì thêm nên cũng... quên luôn.”

Mỹ Uyên cho rằng, “Tôi nghĩ việc cấp thẻ hành nghề cũng là một chủ trương đúng thôi, tôi rất ủng hộ. Nhưng phải làm bài bản, sâu rộng và rõ ràng. Ví dụ như quy định đơn vị nào được cấp thẻ, cấp thẻ ra sao, quy trình thế nào... nếu là nghệ sĩ tự do thì xin cấp thẻ ở đâu? Điều kiện có dễ dàng và minh bạch không, hay lại vấp quy định này, giấy tờ kia... Bản thân tôi cũng đang là người quản lý, tôi nhận thấy việc này có thể khả thi và dễ dàng nếu với các nhà hát, các công ty biểu diễn... nhưng với nghệ sĩ tự do thì hơi khó. Đặc biệt là bên ngoài kia có rất nhiều nghệ sĩ “tay ngang”, không qua trường lớp thì lấy “tiêu chí” nào để cấp thẻ và không cấp thẻ? Nếu nghệ sĩ “tay ngang” mà đóng phim hay, diễn xuất tốt cũng phải cấp thẻ cho họ chứ?”

(Theo Dân trí)