- Orhan Pamuk - một trong những nhà văn lớn nhất của văn chương đương đại, chủ nhân của giải Nobel văn học năm 2006 - vừa mang đến cho bạn đọc Việt Nam những phân tích đáng kinh ngạc trong tác phẩm "Những màu khác".

Nữ văn sĩ Alice Munro đoạt Nobel văn chương 2013

Nobel Văn chương: “Người Trung Quốc đã đợi quá lâu”

"Những màu khác" là tập hợp những ghi chép bên lề xung quanh cuộc sống và ý tưởng để khởi nguồn cho những cuốn sách nổi tiếng nhất của Orhan Pamuk như "Tuyết", "Pháo đài trắng", "Cuộc đời mới", "Istanbul", "Cuốn sách đen", "Tên tôi là đỏ".

{keywords}
Tác phẩm "Những màu khác" bản tiếng Việt, ra mắt tháng 10/2013.

Đây là một tác phẩm trộn lẫn giữa thể loại kí, tự sự, phê bình và tiểu luận. Là một nhà văn đọc nhiều từ khi còn nhỏ, đồng thời sinh trưởng ở Istanbul - vùng đất nằm bên rìa Châu Âu, bị ảnh hưởng sâu sắc của cả hai nền văn minh Đông - Tây như thể có hai linh hồn trong một bản thể, Orhan Pamuk có biệt tài phân tích kĩ lưỡng về sự khác biệt giữa các giai tầng trong xã hội, cũng như những khát khao, ẩn ức và xung đột của những giai tầng này. 


Có lẽ nhiều người đọc sẽ đặc biệt bị ấn tượng ở những phần Orhan Pamuk bình luận về các tác phẩm của Dostoyevsky, Nabokov, Bernhard, Gide. Họ là những nhà văn kiệt xuất mà ông ngưỡng mộ. Điểm mạnh và điểm yếu của họ (theo cách nhìn của Pamuk) dường như đã góp phần giúp ông nhìn nhận sâu sắc hơn về sự phức tạp/đa diện của con người; trong đó có xung đột Á - Âu, Đông - Tây, hay những mâu thuẫn và thiếu sót của giới trí thức với tầng lớp dưới đáy trong xã hội. 

{keywords}
Orhan Pamuk năm nay 61 tuổi, là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đoạt Nobel văn chương.

Orhan Pamuk đặc biệt ngưỡng mộ nhà văn Nga Dostoyevsky trong hai tác phẩm lớn: "Lũ người quỷ ám" và "Bút kí dưới hầm". Ông diễn dịch hai tác phẩm này cũng như con người của Dostoyevsky trong sự mâu thuẫn giữa tư tưởng phương Tây (được nhiều người coi là đại diện của nền văn minh) và tư tưởng dân tộc. Đây cũng là đầu mối cho những mâu thuẫn xã hội/con người mà Orhan Pamuk đặc biệt quan tâm và đồng cảm. 

Orhan Pamuk viết về "Bút kí dưới hầm":

"Sự giận dữ của ông (Dostoyevsky) không phải là sự bộc lộ giản đơn thái độ chống phương Tây hay thù ghét tư tưởng châu Âu: cái Dostoyevsky không tán thành là tư tưởng châu Âu đến với đất nước của ông như một thứ nước xái. 

Điều làm ông giận dữ không phải là vẻ huy hoàng, tính độc sáng, hay những khuynh hướng không tưởng của tư tưởng ấy, mà là cái thú vui dễ dãi nó mang đến cho những người đón nhận nó. Ông ghét nhìn thấy cái kiểu các trí thức Nga vớ lấy một tư tưởng xuất phát từ châu Âu và ngỡ như thế là họ đã rành rẽ tất cả bí mật của thế giới và - quan trọng hơn - của đất nước họ."

Bình luận về tác phẩm "Lũ người quỷ ám", Orhan Pamuk viết:

"Cứ như Dostoyevsky thì thầm vào tai tôi, chỉ bảo tôi ngôn ngữ bí mật của tâm hồn, lôi kéo tôi vào một hội những người cấp tiến, những người, mặc dù cháy bỏng ước mơ thay đổi thế giới, lại cũng bị khóa chặt vào các tổ chức bí mật và sung sướng mà lừa dối người khác nhân danh cách mạng, nguyền rủa và nhục mạ những ai không nói cùng ngôn ngữ hay chia sẻ quan điểm của họ." 

Càng đi sâu vào sự nghiệp văn chương, Orhan Pamuk lại càng được thế giới mở lòng ra đón nhận, đồng thời cũng vấp phải cả những chỉ trích lẫn ngưỡng mộ từ độc giả đất nước ông. Ông nói: "Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi bị chỉ trích vì những bài phỏng vấn nhiều hơn vì những cuốn sách của mình.  Tôi bị tai tiếng vì những bình luận chính trị - hầu hết bị một số nhà báo theo chủ nghĩa quốc gia Thổ tỉa ra từ các cuộc phỏng vấn quốc tế và bóp méo một cách vô liêm sỉ và khiến tôi có vẻ cực đoan và điên rồ về chính trị hơn trên thực tế".

{keywords}
Góc làm việc riêng tư của Orhan Pamuk.

Có thể xem Orhan Pamuk như một nhà văn cởi mở và có khả năng so sánh thì chính xác hơn là khu biệt ông theo xu hướng dân tộc hay chủ nghĩa quốc tế. Chỉ đơn giản là ông nhận biết khá rõ cả hai xu hướng này và chấp nhận sự tồn tại của chúng một cách song song và hợp lý trong mình. Cái mà ông muốn nghiêng về để đấu tranh mạnh mẽ hơn, có lẽ là sự chênh lệch giàu nghèo, phồn thịnh trên thế giới, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. 


"Chưa khi nào trên thế giới khoảng cách giàu nghèo lại rộng như bây giờ. Người ta có thể lập luận rằng các quốc gia giàu trên thế giới tự mình thành công và do đó chẳng phải có trách nhiệm gì đối với các sự nghèo của thế giới. Nhưng cũng chưa bao giờ đời sống của người giàu được phơi bày cho người nghèo như ngày nay, thông qua truyền hình và phim Hollywood...

Thật hết sức xấu hổ khi thế giới phương Tây hầu như không đoái hoài đến cái cảm giác tủi nhục tràn ngập của hầu hết con người trên thế giới, một tủi nhục mà những người ấy đã cố vượt qua - sao cho không bị đánh mất lý trí hay cách sống, hay lao vào con đường khủng bố, chủ nghĩa quốc gia cực đoan hay tôn giáo cực đoan...

Thách thức đích thực chính là phải hiểu đời sống tinh thần của những người nghèo, những dân tộc tủi nhục, không được tin cậy, đã bị loại trừ khỏi tình huynh đệ... Sự bất lực sinh ra từ tủi nhục thường xuyên, từ sự thất bại trong việc làm cho người ta hiểu mình, lắng nghe tiếng nói của mình". (Orhan Pamuk viết trong bài "Sự giận dữ của những kẻ dưới đáy")

Hồ Hương Giang