- "Việc những nghệ sĩ trẻ cần làm, là phân biệt rõ 2 luồng công chúng. Công chúng yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật, khác với công chúng yêu scandal" - nhạc sĩ Lê Thanh Tâm.

 

Đưa ra một góc nhìn với khả năng kiểm soát bản thân và tự chịu trách nhiệm hành vi, nhạc sĩ trẻ Lê Thanh Tâm tỏ ra cực kì bình tĩnh với diễn biến đa dạng của scandal trong giới truyền thông, giải trí. 

{keywords}

Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm và vợ (ca sĩ Hải Yến)


Anh cho rằng showbiz Việt đã qua thời quan niệm phải tạo dựng scandal để nổi tiếng chưa? Liệu đến khi nào tài năng mới là tiêu chí lớn nhất cho việc trở thành một người nổi tiếng?

- Showbiz của cả thế giới, hiện tại đều dùng scandal như một phương tiện hữu hiệu và ít tốn kém nhất để tạo dựng sự nổi tiếng. Kể cả anh có tài, nhiều lúc vẫn cần scandal để có tiếng tăm nếu anh muốn nổi tiếng. Điều đó rất rõ ràng, hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới đều có scandal.

Tài năng luôn đóng vai trò cực kỳ quan trong cho việc trở thành một người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên người nổi tiếng không có nghĩa là người hoạt động nghệ thuật. Nên Tâm phân biệt rõ ràng, người trở nên nổi tiếng nhờ hoạt động nghệ thuật, và người nổi tiếng rồi mới đi hoạt động nghệ thuật là khác nhau hoàn toàn.

Nhận thấy khi một scandal xảy ra nó luôn thu hút sự quan tâm của một bộ phận đông đảo dư luận. Một mặt nó thu hút nhiều nguồn lực/thời gian từ truyền thông, bạn đọc... để giải quyết vấn đề; mặt khác nó có khiến cho một bộ phận nghệ sĩ nghiêm túc cảm thấy không hài lòng vì những scandal lại thu hút sự chú ý nhiều hơn những lao động nghiêm túc? Nó đã gây ra sự mất cân bằng như thế nào trong cái nhìn về thế giới âm nhạc và nghệ thuật?

- Ta cần phân biệt rõ ràng sự chú ý dành cho scandal, và cho sản phẩm âm nhạc hay nghệ thuật. Tại sao ta lại lo lắng khi scandal chưa bao giờ là sản phẩm nghệ thuật cả? Nó chỉ góp phần làm ai đấy trở nên nổi tiếng, ở khía cạnh không làm gì cả.

Nghệ sĩ nghiêm túc chẳng bao giờ quan tâm đến scandal, họ bận đầu tư vào sáng tạo hết rồi. Nhưng hiện nay, các nghệ sĩ nghiêm túc đã bắt đầu bị lung lay bởi những sự quan tâm dư thừa của công chúng dành cho scandal. Họ bắt đầu cuống quýt tạo ra sản phẩm để duy trì sức ảnh hưởng. Đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm càng ngày càng kém đi.

Không thể đòi hỏi nhiều ở công chúng, nhưng cũng không thể dễ dãi đến mức làm ra cái không hay rồi cho công chúng thưởng thức được.

Khi truyền thông/khán giả dành thời gian quan tâm đến những vụ lùm xùm ngoài lề thì họ có bớt thời gian quan tâm đến những sản phẩm thực chất hơn? Như vậy những nghệ sĩ trẻ chẳng hạn, họ sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng?

- Tâm nghĩ là có sự hiểu nhầm trong việc này. Một người thích nghe nhạc họ vẫn phải tìm nhạc hay để mà nghe. Làm sao họ lại có thể bớt nghe nhạc để đọc scandal? Làm sao ai đó có thể đọc scandal thay cho việc nghe nhạc? Nếu muốn biết công chúng nghe nhạc gì thì phải tìm hiểu từ máy nghe nhạc của họ, chứ không phải đo lượt đọc trên các phương tiện truyền thông. Còn nếu là một phóng viên âm nhạc mà không viết về thì người đang không làm việc của mình mà đang làm một việc trái nghề, giống như một nhạc sĩ ban ngày làm nhạc tối chạy xe ôm. Thế thì không tính. 

{keywords}

Nhóm MTV mới đây tung một MV nhạo những trò lố trong showbiz.


Ca sĩ mà lại đi ghen tị với độ 'hot' của một người đang khoe thân, khoe của à? (cười).

Nếu muốn nổi tiếng theo cách đó thì hãy làm theo cách đó, chứ đi hát làm gì? Phân biệt rõ ràng được "thị phần", sẽ hiểu là chúng không đụng nhau. Khán giả yêu nhạc không đi đâu cả, họ vẫn ở đó thôi. Làm ra sản phẩm âm nhạc, là để phục vụ công chúng yêu nhạc. Vẽ ra một bức tranh, là để phục vụ người yêu tranh. Không phải dành cho những người thích đọc tin scandal.


Theo Tâm, các nghệ sĩ trẻ đang có lợi thế rất lớn, họ có điều kiện tiếp cận với thế giới, thông qua nguồn thông tin giải trí vô hạn của Internet. Bước đầu tiên của họ cao hơn rất nhiều so với người đi trước. Thế nên nếu có sự trưởng thành và nghiêm túc trong nghề nghiệp, họ sẽ tiến rất xa. Việc họ cần làm, là phân biệt rõ 2 luồng công chúng. Công chúng yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật, khác với công chúng yêu scandal.

Rõ ràng scandal của người khác không liên quan gì đến mình cả, trừ phi mình cũng có vấn đề gì đấy tương tự mà chưa bị phát hiện. Vậy, để không vướng vào scandal, thì đừng làm gì như cái scandal mà mình đã biết. Hoặc, muốn có scandal như thế, thì cứ việc làm cái mà đã bị phát hiện. Ta cũng có thể sáng tạo ra một cái scandal theo cách riêng, nôm na là cứ phản cảm là được.

Tuy nhiên phần lớn những người có scandal để có tiếng, mất rất nhiều thời gian để có sản phẩm được công chúng đón nhận, đa phần những sản phẩm do họ tạo ra sẽ lại bị chê bai giễu cợt, vì rõ là dè bỉu có sức lan toả cao hơn là khen ngợi, dù sản phẩm có hay chăng nữa.

Anh có nghĩ rằng thế giới giải trí có thể cám dỗ khiến người ta nghiện cảm giác được chú ý, được dư luận quan tâm và phải tìm cách duy trì nó?

- Chỉ nói về khía cạnh làm nghề nhạc, Tâm phân biệt rõ âm nhạc giúp người nghe giải trí và những thông tin dùng để giải trí. Tâm không tạo ra thông tin để giải trí, mà chỉ làm âm nhạc nên việc được chú ý bởi âm nhạc và bởi việc ngoài âm nhạc chả liên quan gì đến nhau cả. Chẳng lẽ mình làm nhạc sĩ phối khí mà lại mong người ta biết đến mình vì hay đi uống cafe ở quán nào đấy?

Sau khi scandal xảy ra (dù vô tình hay cố ý), rất ít nghệ sĩ chủ động xin lỗi công chúng hoặc tự xây dựng những động thái tích cực.  Dường như họ không được trang bị tốt các kĩ năng giải quyết scandal hoặc khủng hoảng truyền thông. Điều đó có liên quan đến sự hiểu biết và phông văn hóa cá nhân của người làm giải trí hiện nay?

- Chuyện này cũng đơn giản thôi, nếu nghệ sĩ nào đó có scandal, mà muốn duy trì độ hot, thì cứ để yên đấy cho công chúng tiếp tục bàn tán, càng lâu thì càng hot. Nếu nghệ sĩ không quan tâm đến scandal, thì không việc gì phải giải thích cả. Họ bận để dành thời gian để sản xuất ra sản phẩm.

Về văn hoá cá nhân, Tâm nghĩ đây là một vấn đề quá tầm của Tâm, xin phép không có ý kiến gì. Nhưng theo Tâm thấy, nhưng nghệ sĩ có sản phẩm hay, đầu tư tốt, thì có trình độ văn hoá rất cao. So với họ nhiều lúc mình như đứa trẻ vậy. Còn những người không có sản phẩm thì Tâm không biết, vì không có điều kiện tiếp cận với họ.

Kỹ năng giải quyết scandal là gì? Bỗng dưng ta tạo ra scandal, và phải giải quyết nó ư? Nếu có loại kỹ năng đấy nghệ sĩ cũng không cần trang bị làm gì, giải quyết càng kém, scandal càng to, và càng nổi tiếng.

Theo anh, truyền thông, bạn đọc và giới nghệ sĩ...có thể ứng xử như thế nào với những scandal thuộc dạng cố ý để nổi tiếng?

- Về phương diện nghề nghiệp, nghệ sĩ là người của công chúng, nói đến ứng xử và văn hoá, là tấm gương cho xã hội, nên bất kỳ chuyện gì nhạy cảm, không phù hợp với văn hoá xã hội thì luôn bị chỉ trích, nếu ta chọn làm một nghệ sĩ chân chính, ta buộc phải tìm cách để hoàn thiện bản thân. 

Về phương diện công chúng, thực tình người VN nhìn chung, rất muốn có những thông tin gây sốc, thậm chí là những sản phẩm nghệ thuật gây sốc, để tiếp cận và bình phẩm "cho đỡ nhạt", nên việc báo mạng đưa thông tin nào đó gây chú ý là hưởng ứng ngay.

Thế nên ta không nhất thiết phải chú ý nhiều về ảnh hưởng của các kiểu thông tin ấy. Hiểu nôm na là, nghệ sĩ cũng là người, cá nhân mỗi con người không ai dám đảm bảo mình hoàn hảo, thì nghệ sĩ cũng không thể hoàn hảo, nên ngoài khía cạnh nghệ thuật, bạn không thể đòi hỏi người ta có lối sống mẫu mực. Công chúng nên chăng chỉ chú tâm vào những sản phẩm nghệ thuật mà nghệ sĩ tạo ra thôi, việc gì phải để ý đến người ta mặc gì, ăn gì, yêu ai, làm gì?

Tâm cũng phải nói thẳng, Tâm chẳng quan tâm tới người nổi tiếng, khi họ không tạo ra sản phẩm nào. Rõ ràng hiện nay tồn tại nhiều người nổi tiếng, mà thực ra chẳng có một tí khả năng nào cả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Hồ Hương Giang

Bài cuối: Đàm Vĩnh Hưng bị đám đông thương mại hóa