- Làng văn hóa - giải trí Việt vừa khép lại một năm đầy những chuyện nóng trên mặt báo chí và gây dư luận xã hội.
Có thể xem 13 sự kiện dưới đây là những sự kiện ồn ào bậc nhất, phản ánh những màu sắc đa dạng trong mối quan hệ giữa con người và văn hóa, giữa công chúng và người nổi tiếng, cũng như sức mạnh trỗi dậy của truyền thông mạng.
Tranh cãi Đàn Xã tắc
Sự kiện UBND TP.Hà Nội quyết định xây cầu vượt ngang qua khu vực di tích Đàn Xã tắc nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại ngã 5 Ô Chợ Dừa đã làm dấy lên những tranh cãi nảy lửa của giới sử học, khảo cổ và các nhà quản lý. Ngay sau quyết định này, Hội Sử học đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ khẳng định giá trị đặc biệt quan trọng của Đàn Xã tắc đối với thủ đô, bởi nó xác định một phần những dấu tích kiến trúc truyền thống trong quần thể kinh đô của các triều đại VN.
UBND TP.Hà Nội sau đó đã phải điều chỉnh phương án cầu vượt tránh khu vực được cho là vùng lõi của di tích. Vụ việc rõ ràng để lại nhiều bài học về giải quyết mâu thuẫn giữa bảo vệ di sản, phát triển kinh tế và lợi ích công cộng.
Dân Đường Lâm xin trả danh hiệu di tích quốc gia
Sau nhiều năm sống bức bối trong "chiếc áo" di sản, ngày 30/4/2013, 78 người dân Đường Lâm dù rất tự hào nhưng vẫn phải đồng ký tên xin trả lại danh hiệu di tích làng cổ. Sau đó, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị xuống lắng nghe ý kiến và tìm biện pháp tháo gỡ. Một điều chỉnh sau đó của UBND TP.Hà Nội cho phép người dân được cải tạo, xây dựng nhà theo mẫu thiết kế của Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Ngày 25/9, người dân tiếp tục có đơn xin trả lại di tích, sự việc đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Sư trụ trì "đúc tượng mình"
Lời đồn kèm "bằng chứng" hình ảnh sự kiện sư Thích Minh Phượng, trụ trì chùa Chân Long ở Chàng Sơn, Thạch Thất (Hà Tây) tự đúc tượng mình đưa vào chùa để thờ, bắt đầu từ trang facebook của một số người dân địa phương. Sự vụ khiến báo chí vào cuộc, làm nóng hơn bức xúc trước đó của người địa phương, sau nhiều vụ xâm phạm của sư Phượng đối với kiến trúc ngôi chùa được bảo vệ bởi Luật di sản. Từ việc xây nhà vệ sinh bên cạnh chùa chính, cho tới tự ý dời tượng. Sư Phượng sau đó lên tiếng bác bỏ chuyện ông đúc tượng mình, mà đó là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông do một Phật tử cúng dường.
Cuốn du ký bị kiện của Huyền Chip
Câu chuyện Huyền Chip (tức Nguyễn Thị Khánh Huyền) và hai tập du ký "Xách ba lô lên và đi" bất ngờ bùng phát thành tâm điểm dậy sóng truyền thông mạng chỉ bằng hai buổi họp báo ra mắt tập 2 vào trung tuần tháng 9/2013 tại Hà Nội và TP.HCM (tập 1 ra mắt một năm trước đó). Hàng loạt câu hỏi chất vấn về tính xác thực của nhiều chi tiết trong cuốn sách như đi 25 nước với 700 USD, gãy xương ống đồng và hồi phục sau 3 tuần... không được cô gái trẻ giải đáp thỏa đáng, càng đổ thêm dầu vào lửa.
Đỉnh điểm là độc giả Trần Ngọc Thịnh gửi kiến nghị Cục xuất bản thu hồi hai tập của cuốn sách, Cục gửi công văn yêu cầu NXB Văn học và Quảng Văn Books giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Một bản giải trình dài 31 trang của tác giả đã được gửi tới Trần Ngọc Thịnh và được ông công bố lên mạng. Theo đó, Huyền Chip thừa nhận cô có phần cường điệu trong một số chi tiết.
Nảy lửa "Sến - Xưa"
Những tranh cãi về nhạc sến, nhạc xưa bất ngờ bùng nổ chỉ sau một bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Quốc Trung trên một tờ báo mạng vào trung tuần tháng 9/2013.
Trả lời cho câu hỏi sức sống bền bỉ của nhạc sến, nhạc xưa có lợi hay hại cho những dòng nhạc khác, Quốc Trung nói: "Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn hi-end đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì có còn gọi là bình thường hay không? Họ còn nhầm lẫn và cho đó là đẳng cấp của văn hóa hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật. Sự chênh lệch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc".
Ý kiến lập tức vấp phải hàng ngàn ý kiến phản đối bày tỏ trên mạng. Phần lớn cho rằng nhạc sến, nhạc xưa vẫn còn nguyên giá trị. Riêng nhạc sĩ đã nhầm lẫn trong mối liên hệ mơ hồ và võ đoán giữa "tốc độ sống" và "cảm xúc nghệ thuật", cũng như bất thường khi lại đi chỉ trích thị hiếu của dòng nhạc khác với mình.
Nhắc nhở "văn hóa" Mr. Đàm
Trong vòng 1 năm, Cục nghệ thuật biểu diễn thống kê được những hành động, phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục VN của Đàm Vĩnh Hưng như sau: hôn môi sư trên sân khấu; đứng tạo dáng chụp ảnh trước hàng nghìn người dân đang xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; phát ngôn thiếu tôn trọng và chuẩn mực đối với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (gọi ông là "ngụy quân tử"); hóa trang thành bác sĩ Cát Tường giữa lúc dư luận đang bức xúc... Kết quả, vào cuối năm, "ông hoàng" tự phong của nhạc Việt nhận văn bản của Cục nhắc nhở và yêu cầu nghiêm khắc rút kinh nghiệm điều chỉnh hành vi.
Siu Black vỡ nợ
Sự kiện Siu Black vỡ nợ và "biến mất" bùng nổ showbiz Việt vào cuối tháng 7, giữa lúc dư âm vụ vỡ nợ của ông bầu Phước Sang còn vọng từ cuối năm trước sang hết năm sau. Một tháng trước đó là cơn chấn động NSƯT Kim Tử Long bị bắt quả tang trên chiếu bạc. Cả ba vụ cộng hưởng thành ấn tượng không hay về làng giải trí đầy những lem nhem tài chính, những nghệ sĩ có máu cờ bạc và một năm làm ăn thất bại.
Đêm nhạc quyên tiền giúp đỡ cho Siu Black do ca sĩ Phương Thanh đứng ra tổ chức đã trở thành sự kiện có mặt không hai, bởi những giọt nước mắt của họa mi núi rừng, bởi vòng tay ấm áp của tình nghệ sĩ, và bởi những gương mặt hầm hầm đe dọa của những chủ nợ bao vây lối vào sân khấu.
Fan "tống tiền" thần tượng
Mối quan hệ giữa fan và thần tượng trong showbiz Việt có thêm một ví dụ không hay trong năm. Vào chiều 11/7, hai vợ chồng nam ca sĩ Đan Trường họp báo tố cáo chuyện bị một fan nữ của anh tống tiền. Khi mối quan hệ giữa Đan Trường và fan nữ còn "nồng ấm" trước ngày anh lấy vợ, nam ca sĩ đã có nhiều khoản vay lên tới hàng chục ngàn USD. Fan nữ lập tức lên tiếng đáp trả thần tượng của mình "vừa ăn cướp vừa la làng". Lời qua tiếng lại giữa cả hai làm nóng truyền thông một thời gian.
Hiện tượng Phương Mỹ Chi
Lần đầu tiên du nhập vào VN, cuộc thi hát được tổ chức theo công nghệ truyền hình thực tế The Voice Kids (phiên bản của The Voice dành cho thí sinh nhí) gây tiếng vang khi giới thiệu được giọng ca ngọt ngào của cô bé 10 tuổi Phương Mỹ Chi. Khán giả không chỉ yêu cô bé qua những ca khúc dân ca, tự tình quê hương, mà còn cảm mến vì gia cảnh cô bé trong một con hẻm lao động, nghèo khó ở Quận 8, TP.HCM.
Dù chỉ là á quân của cuộc thi, Mỹ Chi vẫn là cái tên được nhắc tới nhiều nhất khi cuộc thi kết thúc, bởi các hoạt động âm nhạc, phim ảnh, từ thiện cũng như bởi các scandal "hét giá". Ca sĩ Quang Lê nhận Mỹ Chi làm con nuôi, và công ty của anh cũng ký độc quyền với cô bé trong 2 năm.
Cấm phim "Bụi đời Chợ Lớn"
Sau hai lần trình lên bản phim chỉnh sửa vẫn không được duyệt, ngày 7/6, bộ phim Bụi đời Chợ Lớn chính thức bị cấm lưu hành vĩnh viễn vì hai lý do: phạm điều cấm tuyên truyền, kích động bạo lực được ghi trong Luật Điện ảnh; nhà sản xuất không trình kịch bản chỉnh sửa sau khi có ý kiến của Hội đồng thẩm định trước khi phim bấm máy.
Sự kiện gây sốc cho làng điện ảnh lẫn khán giả bởi đứng sau bộ phim là những cái tên từng mang về hàng triệu USD phòng vé cho điện ảnh Việt như Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Thái Hòa... Diễn biến vụ việc chưa dừng ở đó khi một tháng sau, ngày 5/7, một bản phim bị rò rỉ và phát tán trên internet. Đến nay chưa thấy có thông tin về thủ phạm.
Hoa hậu đeo băng sai tên nước
Dải băng ghi sai tên nước, "Mrs. VietNam" thành "Mrs. VietNem", của Trần Thị Quỳnh tại đêm phúc khảo và chung kết của cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2013 (diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc) đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cư dân mạng. Ngoài Quỳnh, một số thí sinh khác cũng phải đeo những dải băng ghi sai tương tự. Ông David Marmel, chủ tịch cuộc thi, ngay sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm của ban tổ chức. Sự việc để lại bài học sâu sắc về ý thức quốc gia khi các nhân vật trong làng giải trí Việt tham dự các sự kiện quốc tế.
"Cú lừa" trai đẹp
Vừa xong giao lưu với chàng trai không chân tay Nick Vujicic với tự truyện gợi nhiều cảm hứng về nghị lực sống cho bạn trẻ VN, làng giải trí Việt lại đón tiếp vị khách chỉ đơn thuần ồn ào chuyện "bị trục xuất tại một lễ hội ở Riyadh, Ả Rập Xêút vì quá đẹp trai", do báo chí VN dịch lại từ truyền thông nước ngoài. Sự kiện giao lưu cùng "trai đẹp Omar" đã trở thành bê bối lớn nhất trong năm khi khán giả cảm thấy bị coi thường. Khách thăm "thú nhận" anh chỉ "đi nhầm vào một chỗ không đúng thời điểm nên bị mời ra". Còn nhà tổ chức sau đó cũng tố cáo Omar "vòi tiền" khi đòi chi thêm nếu muốn anh xuất hiện dưới trời mưa hoặc mặc thêm áo dài (vốn không có trong hợp đồng).
Trò khiêu khích của "bà Tưng"
Biệt danh "bà Tưng" của cô Lê Thị Huyền Anh là cái tên có lẽ gây sốt nhất làng giải trí Việt trong mùa hè vừa qua. Những đoạn clip tung lên mạng của cô dường như đã vượt quá giới hạn của những trò đùa cợt thông thường trên mạng. Trong clip, bằng thân hình giải phẫu thẩm mỹ, cô không ngần ngại vận những bộ đồ khiêu khích để "giáo dục" giới tính, hát nhạc chế tục tĩu...
Cô còn kết hợp với các chiêu trò ngoài đời khi trơ mặt làm khách không mời ở một số sự kiện chỉ để được xuất hiện trước ống kính. Sự nổi điên của dư luận có lẽ đã nằm sẵn trong chờ đợi của cô: muốn được nổi tiếng bằng tai tiếng, miễn là... có tiếng. Kết quả, cô cùng hotgirl múa cột Angela Phương Trinh bị Cục nghệ thuật biểu diễn cấm biểu diễn.
Minh Chánh