Hơn 100 cối xay và nhiều công cụ nhà nông khác như cày bừa, dao, thuổng, mõ trâu đang được người đàn ông có tên 'Mạnh khùng' sưu tầm từ nhiều năm và có ý định mở Bảo tàng cá nhân.
Do có niềm đam mê với những chiếc cối đá cũ, ông Mạnh, một thợ ảnh ở thành phố Bắc Giang đã lặn lội đi khắp các nẻo đường quê, thôn xóm để sưu tầm cối đá đã qua sử dụng. Do vậy, dân làng nơi đây đặt cho ông cái tên là 'Mạnh khùng'. Bản thân ông cũng hào hứng với biệt danh vui vẻ này.
Ông Mạnh có một cuộc sống dư dả, tiền nhiều chỉ để sưu tập cối đá và những vật dụng mình yêu thích. Không chỉ có một khu vườn sưu tầm cối, ông còn có một hiệu ảnh lớn ở thành phố Bắc Giang với hàng chục nhân viên trong tay.
Ông bày và kết hợp chúng với nhau thành chủ đề. Người thợ ảnh tâm sự, thật lý thú khi những chiếc cối cũ kỹ, sứt mẻ vào tay ông sắp đặt bỗng trở nên có hình tượng và có hồn.
"Nếu ngắm kỹ sẽ thấy vẻ đẹp từ sự sắp đặt hình khối, từ cái bạc màu thời gian, từ cái xù xì thô ráp ...chúng tạo cho người xem cảm giác về quá khứ và hoài niệm", vị tỷ phú nói.
Bộ sưu tầm cối đá này cũng trị giá tiền tỷ nếu tính công sức đi thu thập nhiều năm qua của ông Mạnh.
"Nhiều người bảo tôi là khùng, vô công rồi nghề", ông Mạnh nói.
Cối giã gạo đã là nét văn hóa phồn thực của văn hóa Việt, đại diện cho nền văn minh lúa nước. Cối giã gồm có chày và cối tượng trưng cho “âm dương, hợp cách” chỉ sự sinh sôi, là gốc rễ của mọi nền văn hóa.
Một chiếc cối đá được ông Mạnh sắp đặt giống một chú Rùa mang trên lưng nhiều quả trứng đá.
Một sự sắp đặt tạo hình gồm hai chiếc cối đá úp đáy vào nhau đặt trên phiến đã đá đỡ cột đình, chiếc chày đá này ở vị trí vốn có của nó.
Từng chiếc cối đều được ông bố trí sắp đặt với nhau hài hoà nhằm tạo nên vẻ đẹp hình khối và chất liệu.
Công việc của ông hàng ngày giờ đây những lúc rảnh rỗi chỉ có ngồi trong vườn ngắm cối và thỉnh thoảng loay hoay sắp đặt lại theo ý tưởng của mình.
"Tôi sẽ còn tiếp tục sưu tầm cối đá và những công cụ sản xuất của nhà nông", ông thợ ảnh tỷ phú nói.
Theo Zing