- “Hát để kiếm cơm không sai trái. Còn đã muốn làm một nghệ sĩ hát (thay vì thợ hát) thì phải làm cho tiếng hát ngày một đẹp lên, hát ca tụng cái đẹp. Tôi không nghĩ là cứ nghệ thuật thì đói, không có show”, nhạc sĩ Quốc Bảo.

Sau chia sẻ của NSƯT Cao Minh, ca sĩ Ánh Tuyết, chúng tôi liên hệ với nhạc sĩ Quốc Bảo. Anh nói về sự khác nhau giữa “nghệ sĩ hát” và“thợ hát”. Và anh cũng khẳng định, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể sống được với nghề.  

{keywords}
Nhạc sĩ Quốc Bảo

Thưa nhạc sĩ Quốc Bảo, anh yêu thích điều gì khi một ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình? Họ có cần phải thấu hiểu được bài hát và nói lên được nỗi niềm/ thông điệp ẩn giấu trong bài hát đó?

- Thực ra khi tác phẩm đã trình làng, thì ai hát cũng tốt, cũng vui. Một bài hát có vô vàn cách cảm nhận, trình bày. Tôi không câu nệ phải người nào mới"được" hát.

Chỉ có những bản thu âm hoặc trình diễn do tôi trực tiếp điều hành, thì mới đặt ra yêu cầu. Tất nhiên có yêu cầu hiểu bài, khám phá được những tầng sâu, những ẩn dụ (bài của tôi rất nhiều ẩn dụ), không dừng lại ở việc hát đúng nốt đúng lời. Tùy khả năng mỗi người, tôi hướng dẫn họ làm tốt nhất có thể; và thường thì tôi hài lòng.

Kỹ thuật và thủ thuật (hoặc kỹ xảo) đóng vai trò gì trong việc thể hiện một tác phẩm âm nhạc, thưa anh?

- Kỹ thuật là điều tiên quyết trong bất kỳ công việc gì. Nhờ kỹ thuật, ta mới làm được điều ta nghĩ. Nhờ kỹ thuật, ta mới điều khiển được giọng hát sao cho biểu cảm nhất, có màu sắc nhất, hoặc lạnh và khô nhất (nếu ta muốn thế). Kỹ xảo thì không cần thiết lắm, chỉ khi trình diễn sân khấu mới cần.

Định nghĩa của anh về nhạc thị trường và ca sĩ thị trường?

- Tôi không có ý niệm gì về hai cụm từ đó. Tôi chưa từng sử dụng.

Theo anh, “ca sĩ thị trường” để được gọi là một “ca sĩ” thì cần một sự chuyển hóa như thế nào trong cách hát, cách trình bày một tác phẩm?

- Phải học. Ai cũng phải học cả.

Một độc giả của VietNamNet bình luận: "Ca sĩ cũng là một nghề để người ta kiếm tiền, nuôi sống họ, cũng như các bạn đi làm nghề của mình để kiếm tiền.Chứ còn hát nghệ thuật mà không có khán giả, chạy show không có người xem thì chóng nản, lấy đâu ra tiền để sống?". Anh có chia sẻ gì với ý kiến của bạn độc giả ấy? Anh nghĩ thế nào là hát nghệ thuật?

- Hát để kiếm cơm không sai trái. Còn đã muốn làm một nghệ sĩ hát (thay vì thợ hát) thì phải làm cho tiếng hát ngày một đẹp lên, hát ca tụng cái đẹp. Tôi không nghĩ là cứ nghệ thuật thì đói, không có show. Làm việc nào lên đến đỉnh cao đều được tôn vinh cả.

{keywords}
Mỹ Tâm là 1 trong những ca sĩ có cát-sê cao nhất hiện nay.

Một bạn đọc khác, viết rằng "Psy hát 2 bài hit, có nội dung gì đâu, mà vẫn thành công, một thành công rất sạch, được thế giới công nhận. Vấn đề là góc nhìn thôi. Ví dụ: 1 dòng nhạc rất hay, chỉ có 100 người nghe. còn dòng nhạc thị trường, có 1 triệu người nghe. Vậy thì các nhạc sĩ sẽ làm gì? Những chú bác, ca sĩ thời trước, thành công là vì thị trường nghe nhạc thời mấy chục năm trước khác, bây giờ thị trường khác. Làm ăn, làm việc, làm nghệ thuật cũng phải nói thực tế". Anh nghĩ sao? Và anh có "thực tế" theo quan niệm như vậy?

- Tôi hơn hai mươi năm nay sống bằng nghề viết nhạc, làm nhạc: vậy thì âm nhạc vẫn là thứ có thể bán được (và được giá). Còn về Psy hay ai đó, tôi không bàn. Tôi cũng không nghĩ rằng "thế giới công nhận" anh ta. Chỉ là trò mua vui thôi.

Giá trị kinh tế và giá trị nghệ thuật. Hai điều này được đưa lên bàn cân như thế nào, và với góc nhìn của mình, anh ứng xử với chúng ra sao?

- Hãy làm ra cái đẹp thực sự. Nó có giá trị vật chất nữa đấy!

Anh trọng điều gì ở một ca sĩ khi họ thể hiện một tác phẩm âm nhạc khiến anh cảm thấy thuyết phục và rung động? Hiện nay, anh nhìn thấy những ca sĩ nào có được phẩm chất đó?

- Như đã nói, tôi yêu mến những Nghệ sĩ, những người trao cả tâm hồn cho cái đẹp, không toan tính, và luôn luôn sẵn sàng phục vụ cho cái đẹp. Như Trần Thu Hà, Nguyên Hà, Phan Lê Ái Phương…

Xin cảm ơn anh

Hồ Hương Giang (thực hiện)