- "Trong 12 ngày đêm ấy, tôi luôn trực chiến, không phải trên chiến hào mà ngay cạnh giá vẽ để kịp có tranh cấp tốc phục vụ cổ vũ cho trận đánh của quân ta".
Để hiểu thêm câu chuyện về tranh cổ động, chúng tôi tìm gặp họa sĩ Trường Sinh, người từng vẽ hơn 1000 bức tranh cổ động trong sự nghiệp 30 năm sáng tác (1960 - 1990) nên anh em ngành hội họa gọi đùa ông là "vua áp phích". Ông hiện sống ở Hà Nội, tuổi ông đã ngoài 80 và cuộc sống đã qua nhiều thăng trầm. Dù vậy, ký ức về những ngày tháng vẽ tranh cổ động dưới tầm bom đạn thì vẫn cứ vẹn nguyên với tất cả những cung bậc cảm xúc.
Họa sĩ Trường Sinh bên bức ảnh mà người Nhật chụp lại bức tranh cổ động của ông trên một bức tường đổ nát vì bom đạn Mỹ ở Hải Phòng. |
Nhớ lại cuộc chiến chống lại những trận bom B52 kéo dài 12 ngày đêm của cả thành phố, họa sĩ Trường Sinh cho biết: "Tôi luôn trực chiến, không phải trên chiến hào mà ngay cạnh giá vẽ để kịp có tranh cấp tốc phục vụ cổ vũ cho trận đánh của quân ta. Công việc tập trung cao độ vào những buổi tối để kịp sáng hôm sau có tranh phục vụ cổ vũ". Để làm ra được 28 bức tranh chỉ trong 12 ngày đêm, có những ngày ông gần như thức trắng và chỉ ngủ 1 - 2 tiếng, cà phê thì không thể uống theo tách nữa mà phải dùng cả phích mới đủ để tỉnh táo.
Một bức tranh cổ động nổi tiếng của họa sĩ Trường Sinh. |
Thời điểm ấy, ông giữ vai trò là cán bộ tuyên huấn của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Ông là người sáng tác các bức tranh cổ động, phụ giúp ông có khoảng 10 cán bộ khác ở phòng họa phụ trách sao chép lại và phổ biến chúng trên đường phố. Vào những lúc cao điểm của nhiệm vụ, đội ngũ họa sĩ chép lại này có khi lên tới hàng chục người.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể dung hòa được tính cấp bách của nhiệm vụ mà vẫn đảm bảo được chất lượng nghệ thuật hội họa, ông nói: "Bản thân người sáng tác và trái tim anh ta phải bốc lửa. Cảm hứng sáng tạo bùng lên rất nhanh, vụt qua trong tâm trí chỉ chừng 1 - 2 phút và anh phải vẽ ra ngay. Về phẩm chất, người sáng tác ngoài việc phải nắm rõ đường lối, chính sách không thì rất dễ chệch hướng, anh ta cũng cần phải có nghệ thuật cao, bởi tất cả những gì được thể hiện phải cô đọng nhưng nói lên được tất cả những gì cần nói".
Một bức nổi tiếng khác của họa sĩ Trường Sinh. |
Một thách thức khác là nghệ thuật tranh cổ động thường cố định trong một hệ thống biểu tượng quen thuộc và súc tích như búa liềm, cờ sao, bông lúa, người chiến sĩ...nhằm phục vụ nhu cầu tuyên truyền một cách kịp thời, dễ hiểu và rõ ràng về thông điệp. Vậy làm thế nào để không rơi vào những khuôn mẫu nhàm chán và lặp đi lặp lại? Họa sĩ Trường Sinh nói ông đòi hỏi sự khác biệt nhất định khi vẽ từ tranh A đến tranh B. Các nhân vật có thể đại diện cho một lớp người nhưng vẫn phải có nét rất riêng.
Những bức tranh của ông có bản gốc hiện được lưu giữ ở khá nhiều bảo tàng. Nhiều nhà sưu tập phương Tây đến tìm mua và ông cho biết đã bán gần 200 bức ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật của Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Và kỷ lục hơn 1000 bức tranh cổ động của ông đến nay vẫn là cột mốc khó ai có thể vượt qua.
Khải Trí