- Phim thảm họa liên tục có "đỉnh" mới, không còn giới hạn nào cho cái gọi là phim nhảm, trao giải cho phim dở nhất giờ còn dễ hơn trao giải cho phim hay.
"Hello cô ba", phim tiêu biểu cho dòng phim 'hài nhảm'
'Đỉnh' phim nhảm liên tục bị phá
Vài năm nay, nhiều từ ngữ tệ hại đã được dùng để gọi nhiều bộ phim Việt, từ "hài nhảm", "thảm họa" đến "rác". Chưa bao giờ phim dở xuất hiện nhiều ngoài rạp, thậm chí tràn vào các giải thưởng điện ảnh định kỳ như LHP Việt Nam, Cánh diều như thời gian gần đây, đến mức tại LHP Việt Nam 2013 vừa qua, nhiều người cho rằng nên gọi là LHP thảm họa mới đúng vì phim dở quá nhiều. Phim nhảm nhiều đến mức nó trở thành "xu hướng" trong điện ảnh Việt hiện nay đến nỗi phim dở ra rạp là bình thường, phim hay ra rạp mới là chuyện lạ.
Ngày 15/3 tới đây, theo dự kiến lễ trao giải Cánh diều thường niên của Hội điện ảnh sẽ diễn ra tại HN để chọn ra những bộ phim hay nhất, dĩ nhiên. Tuy nhiên một giả thiết đang được nhiều người đặt ra nên chăng có một giải thưởng ngược để trao cho những phim dở nhất. Bởi trên thực tế hiện nay, phim hay thì quá ít nhưng phim dở thì quá nhiều, và chất lượng thảm đến mức không biết chọn phim nào là phim dở nhất mới xứng đáng.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khi đó đã có bài trả lời phỏng vấn chấn động trên VietNamNet với nhận định: "Điện ảnh Việt Nam ở dưới của đáy" và nói "Điện ảnh VN đang đi đến bể phốt" còn là quá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau nhận định nhìn thẳng vào sự thật này, điện ảnh VN còn xuống "thảm hơn" với sự ra đời của dòng phim "siêu nhảm".
Cũng như LHP Việt Nam vừa qua, tại giải Cánh diều tới đây, vấn đề nên loại phim dở lại được đặt ra một lần nữa. Bởi trên thực tế, sẽ có một lượng phim không nhỏ vừa đăng ký tranh giải LHP Việt Nam lại tiếp tục chạy qua Cánh diều cho vui. Trước, do lượng phim sản xuất mỗi năm không nhiều nên các nhà tổ chức đành nhận hết các phim được sản xuất trong năm, miễn có giấy phép phổ biến trong thời gian yêu cầu là nhận hết. Với quan niệm càng nhiều phim dự càng đông vui nên bất kể phim thuộc thể loại gì, chất lượng ra sao cũng được mời vào hết.
Đừng nể nang nhau nữa
Với lượng phim đang không ngừng tăng với chừng 20 phim thì đã đến lúc cần phải mạnh tay, không nể nang để gạt bớt những phim kém cho đỡ bất công với những phim tử tế. Điều này cũng là hợp lẽ thường bởi đa phần các liên hoan phim hay giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới đều có ban tuyển chọn phim, dù giải thưởng "đỉnh cao" như Oscar hay giải chọn ra những cái dở nhất năm như Mâm xôi vàng hàng năm cũng đều công bố đề cử. Các liên hoan phim cũng vậy, chỉ có lượng phim nhất định được chọn vào tranh giải chính thức.
Đạo diễn Đào Bá Sơn lần đầu ngồi ghế ban giam khảo LHP Việt Nam 2013 đã "choáng" khi xem các phim tham dự và rất thật thà trả lời báo giới rằng đáng lẽ nhiều phim không nên tham dự liên hoan. Ông cũng chia sẻ trong đêm bế mạc trao giải rằng đúng là có phim xem xong giám khảo cũng muốn "khùng" luôn. Nhiều người trong giới cũng đồng tình với quan điểm nên loại bớt các phim dở, không cho tranh giải chính thức mà chỉ trình chiếu như các liên hoan ở nước ngoài.
Bởi LHP VN hay giải thưởng điện ảnh ở ta do đặc thù riêng nên chỉ dừng ở việc tổng kết những bộ phim được sản xuất trong khoảng thời gian giữa hai kỳ liên hoan (LHP VN) hay được sản xuất trong năm trước đó (Cánh diều) và chủ yếu mang tính hội hè là chính. Do sự kiêng nể, ngại đụng chạm nhau nên sẽ chẳng có nhà tổ chức nào "dũng cảm" trao giải cho phim dở nhất mà sẽ chỉ có giải cho cái hay nhất, thậm chí hiện tượng "chia giải" cho vui cả làng vẫn có.
"Tôi nghĩ khi lượng phim từ15 trở
lên thì nên loại phim dở. Các giải thưởng điện ảnh ở ta hiện đang như một cái
chợ nên nhiều khi sợ không bán được hàng. Hiện nay chúng ta đang lấy số lượng để
vui mừng nên việc sơ loại thì khó. Nên nếu đánh giá nó bằng 1 giải ngược, giải
bét thì cũng là cách sơ lọc rồi", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Bài sau: Ai dám trao giải cho phim nhảm?
Hạnh Phương