- Chúng tôi từng ngồi bàn luận và cười với nhau, gợi ý nên có giải trái cóc xanh gì đó. Nhưng có người bảo quả cóc còn nhắm rượu được chứ thứ này (phim nhảm) thì không nhắm được với cái gì cả.

{keywords}

"Nàng men chàng bóng" từng được là 'đỉnh' của dòng phim hài nhảm.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Báo chí nên vào cuộc!

Nếu làm phim thị trường kiểu Victor Vũ thì rất tốt, vì nó đạt cả yếu tố chuyên nghiệp và chất lượng làm phim. Còn những phim dạng hài nhảm như ngày xưa Vân Sơn và Phước Sang làm cuối năm, dòng phim hài nhảm và tấu hài dạng này có lượng khán giả riêng và cũng không nên cấm cũng như kìm hãm nó. Nhưng đã tham dự LHP phim thì phim phải ra phim. Nếu anh đã đạt mục đích kinh doanh rồi thì cũng không nên tham gia liên hoan phim. Họ nên hiểu đây là 1 sân chơi khác, đừng để họ tham gia mà khổ thân họ. BTC thì thiếu phim nên cứ muốn đưa vào nhưng bản thân giám khảo và khán giả lại thấy họ đáng thương. Đáng thương hơn nữa khi lại còn trao thêm giải mâm xôi cho họ nữa.

Tuy nhiên tôi nghĩ nếu có 1 hội đồng báo chí bình chọn ra một giải phim thảm họa thì sẽ rất hay. Báo chí hoàn toàn có thể làm được điều này vì họ tiếp xúc trực tiếp với phim ảnh và khán giả. Đây chắc chắn sẽ là một điều thú vị và khiến cho những người làm phim nhảm có trách nhiệm hơn và cảm thấy xấu hổ.

NBK Trịnh Thanh Nhã: Quản lý vĩ mô lẩm cẩm thế thì làm sao thay đổi được

Cách đây hơn chục năm tôi cũng từng nói nên có một giải cho phim dở. Chúng tôi từng ngồi bàn luận và cười với nhau, gợi ý nên có giải trái cóc xanh gì đó. Nhưng có người bảo quả cóc còn nhắm rượu được chứ thứ này (phim nhảm - PV) thì không nhắm được với cái gì cả. Theo tôi là rất nên có giải ngược như vậy để cảnh báo cho mọi người biết thế nào là giới hạn văn hóa nữa.

Thực ra nhắc nhở lớn nhất với những người làm phim là khán giả không xem và báo chí công luận không nhìn nhận. Nhưng tất cả có tác động gì đâu. Thực ra, muốn thay đổi thì phải từ tầm chiến lược của những người quản lý. Họ muốn diện mạo điện ảnh nước này thế nào? Phải muốn đã thì mới vạch ra được chiến lược còn nay thì dường như ta không biết là mình muốn cái gì. Nó chệch choạc và không có định hướng gì cả, đó là thực tế hiện nay.

Các nhà quản lý muốn nhiều phim hơn thì phải thả cho tư nhân họ làm. Hầu bao của nhà nước thì siết lại, ngay cả phim của nhà nước làm dịp kỷ niệm thôi mà đến tận bây giờ Bộ Tài chính còn chưa thả tiền ra thì còn làm cái gì. Phim thảm họa vì thế mà ra. Thứ nhất là rất chậm để có quyết định làm 1 phim. Thứ 2, khi kịch bản có rồi thì tiền mãi không về để họ quyết định có làm hay không. Toàn bộ bộ máy sản xuất phim vì không biết thế nào, có tiền làm không nên đứng im hết cả. Rồi khi có tiền thì ào ào làm trong vài 3 tháng, hổng tứ tung. Mà hổng về nghệ thuật là cái hổng không thể kiểm soát được. Đó là do chiến lược từng giai đoạn rất dở và không đồng bộ từ trên xuống, đi một cách lúng túng.

Ngành điện ảnh rất muốn có phim hay nhưng dậm châm tại chỗ vì tiền mà tiền đó Bộ Văn hóa không quyết định được, phải đợi Bộ Tài chính. Mà không biết Bộ Tài chính họ đợi gì, mình cũng không hiểu. Tất cả mọi thứ từ trong quản lý vĩ mô lẩm cẩm thế thì làm sao thay đổi được. Đương nhiên khi đã thả nổi cho tư nhân thì tư nhân khi làm phim họ phải đảm bảo nguồn tiền của họ, nên không thể trách họ làm hài nhảm được. Với một giải thưởng ngược, tôi nghĩ mọi cảnh báo đều có lợi ở mức độ nào đó. Có điều là có ai nghe nó hay không?

Bao giờ có giải cho phim thảm họa?

Khi VietNamNet đặt câu hỏi với nhà báo Đinh Trọng Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phê bình điện ảnh của Hội điện ảnh về việc có nên trao giải ngược cho phim dở nhất bên cạnh việc chọn ra phim hay nhất?  Nhà báo Đinh Trọng Tuấn nói đây là việc có thể làm được và ông sẽ hỏi ý kiến BCH Hội điện ảnh. "Nhiều năm qua tôi đã nghĩ nếu làm được thì sẽ rất hay. Tuy nhiên, khen thì dễ chứ chê thì khó".

Hạnh Phương