- Trong số các họa sĩ vẽ tranh cổ động hàng đầu của Việt Nam, có lẽ ít ai có số lượng tranh vẽ về Bác Hồ nhiều như ông. Họa sĩ Trần Mai quan niệm làm nghề là đưa tác phẩm đến với công chúng bằng cái Tâm, lòng đam mê thực sự chứ không phải bởi mục đích nổi tiếng. Ông bảo chỉ những bức tranh mới neo người nghệ sĩ lại với cuộc đời, dù thời gian có thể làm cho con người già đi và biến mất.

Gặp họa sĩ Trần Mai những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ trong căn nhà nhỏ trên phố Cửa Nam, trông ông yếu và gầy đi rất nhiều so với tám tháng trước khi ông tới dự buổi khai trương phòng tranh cổ động Thăng Long Gallery trên phố Hàng Bạc. Hỏi ra mới biết ông vừa trải qua một trận tai biến nhẹ phải vào viện cấp cứu và điều trị. Ông mới được các con đưa về nhà tĩnh dưỡng vài ngày trước dịp Tết âm lịch vừa qua.

Chị Hiển, con gái thứ của họa sĩ Trần Mai tâm sự rằng nếu vài tháng trước , bố chị còn nhanh nhẹn ngày nào cũng hết dạo phố, đi chơi thăm hỏi bạn bè, hàng xóm, người thân thậm chí uống bia hàng ngày thì bây giờ ông cụ gần như chỉ quanh quẩn bên chiếc giường thân thuộc. "Ông không tự đi được vì cứ đi là ngã. Không biết sức khỏe có hồi phục và khá lên không chứ nếu ở mãi trong nhà chắc ông cũng buồn lắm mặc dù ngày nào các con cũng túc trực ở bên" - chị Hiển bùi ngùi nói.

{keywords}
Họa sĩ Trần Mai

Cũng theo chị Hiển, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng tình yêu họa sĩ Trần Mai dành cho hội họa thì vẫn còn rất nhiều. Chị nói: "Trong bộ sưu tập của ông vẫn còn nhiều bức tranh phác họa còn đang dở dang". Thi thoảng nhớ đến ông lại bảo: "Mấy hôm nữa khỏe, bố sẽ vẽ tiếp". Ông vẫn còn tâm huyết với nghề vẽ lắm nhưng không biết có làm được không. Nếu ông không hoàn tất được thì Trần Long - em trai tôi sẽ hoàn tất cho ông cụ. Vì trong số 7 người con chỉ có Trần Long và anh tôi Trần Vinh theo nghiệp hội họa của bố".

Cũng có mặt trong buổi trò chuyện thân mật cùng họa sĩ Trần Mai, anh Trần Long con trai thứ của ông bảo: “ Bố tôi có sự định hướng cho các con theo nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Sợ chúng tôi đi chơi nhiều nên bố hay nhận những mẫu tranh in về để chúng tôi tô vẽ đè lên. Ông giao tranh giống như giao bài tập vậy. Các con phải hoàn thành xong mới được đi chơi. Anh Nghĩa trên tôi hay nhờ tôi vẽ hộ nhưng có hôm bị ông cụ phát hiện ra còn bị đánh đòn”.

{keywords}
Một tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ Trần Mai.

Hướng các con đến với hội họa từ khi còn bé nhưng họa sĩ Trần Mai lại rất tôn trọng sở thích làm nghề của các con. Dù chưa từng một lần được gặp Bác nhưng ông luôn dành tình yêu đặc biệt cho vị lãnh tụ kính yêu và có "quy tắc" riêng cho những tác phẩm về Người. "Chính tôi đã chứng kiến ông cụ xóa đi vẽ lại một tác phẩm về Bác Hồ không biết bao nhiêu lần mới có bản ưng ý. Đặc biệt với những bức tranh về Bác Hồ, bố tôi không bao giờ bán" - họa sĩ Trần Long tâm sự.

Theo ông, vẽ Bác Hồ điều khó nhất là làm sao cho toát lên cái thần thái vĩ đại của Người. "Đã nhiều đêm, tôi vừa vẽ vừa khóc. Tôi khóc không phải sự bất lực trước nét vẽ còn chưa thật sự tuân theo tình cảm của mình mà khóc vì thương Bác, vị cha già dân tộc rất đỗi giản dị và thanh cao" - họa sĩ Trần Mai xúc động nói.

{keywords}
Bác Hồ qua nét vẽ của họa sĩ Trần Mai.


Họa sĩ Trần Mai bảo có bức tranh về Bác, ông vẽ rất nhanh, nhưng cũng có bức phải vẽ đi vẽ lại không biết bao nhiêu lần. Ông trăn trở với từng mảng miếng, màu sắc, kích thước, các con chữ trên bức họa. Ông đã lao tâm với việc tìm ra những hình ảnh mới nhất về Bác, những câu nói của các vị lãnh tụ, những ý thơ sao cho khi ráp nối giữa hình ảnh và câu chữ phải hài hòa và toát lên được chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hay tình cảm thân thương Bác dành cho nhân dân cả nước.

Họa sĩ Trần Mai giờ đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời. Với những người nghệ sĩ lớn như ông thì sự bon chen danh lợi của cuộc đời không còn chạm tới ông được nữa. Chỉ có hội họa, dường như vẫn là chốn nương thân giúp ông hóa giải những muộn phiền trong cõi nhân gian. Và những ngày này khi sức khỏe không còn được như xưa, trong những chia sẻ dễ cảm nhận được sự "tiếc nuối" còn vương đâu đó khi ông rất khó có thể để ngồi tiếp tục vẽ những bức tranh vẫn còn dang dở...

Họa sĩ Trần Mai quê gốc ở Thái Bình, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông không được học qua một trường lớp chính quy về mỹ thuật nào nhưng say mê vẽ từ nhỏ nhưng ông vẫn nắm được các yếu tố cơ bản của hội họa như: hình họa, màu sắc, bố cục trang trí... Trong suốt chín năm kháng chiến, ông theo gia đình đi tản cư.

Sau 1954, hòa bình lập lại, người ta cũng bắt đầu biết đến tranh cổ động của Trần Mai. Năm 1957, Trần Mai được kết nạp vào Hội Mỹ thuật VN. Cũng nhờ tài vẽ tranh cổ động, Trần Mai được nhận vào làm ở Sở Bưu điện Hà Nội và gắn bó với "nghề" vẽ tranh cổ động gần 30 năm cho đến khi về nghỉ hưu.

Tranh cổ động của ông được sử dụng rộng rãi qua 6 kỳ Đại hội Đảng (từ Đại hội IV-IX) và đạt nhiều giải thưởng trong nước. Hơn 40 năm miệt mài sáng tạo, họa sĩ Trần Mai có một bộ sưu tập các giải thưởng quốc tế: giải ba cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm Chiến thắng Moncada (Cuba) - năm 1978, giải ba cuộc thi tranh cổ động quốc tế tại Liên Xô (cũ) - năm 1984, giải vàng Festival TNSV Thế giới tổ chức tại Bình Nhưỡng - năm 1989...

Bài và ảnh: Sơn Hà