- UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội nói đã họp dân ở thôn Cựu Quán để thống nhất phương án khôi phục lại quán thờ của thôn nhưng vẫn tiếp tục truy tìm để thu hồi lại 4 thanh gỗ sưa đã bị ban khánh tiết dỡ đem bán lấy 1,2 tỉ đồng.
Đó là một trong những nội dung chính của bản báo cáo về vụ việc dỡ quán thờ Cựu Quán (báo chí thường gọi là đình) mà UBND huyện Hoài Đức gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, theo đúng hạn 15/3.
Sự việc được chính quyền địa phương tường trình lại như sau: "Vào hồi 18 giờ ngày 2/3, một số người của thôn Cựu Quán gồm trưởng thôn, đại diện ban khánh tiết và thủ từ trông nom cho dỡ mái nối giữa hậu cung và đại bái của quán thờ, đem tới cho ni sư Thích Diệu Bản, trụ chì của chùa Cựu Quán.
Bốn thanh gỗ có trọng lượng 127,5 kg được bán với số tiền 1,2 tỷ đồng. Theo giải trình của trưởng thôn và ban khánh tiết thì việc bán gỗ nhằm mục đích lấy tiền tu sửa, tôn tạo, mua thêm đất để mở rộng quán thờ cho khang trang hơn. 500 triệu đồng đã được các đối tượng này mua đất mở rộng khuôn viên, còn lại 700 triệu đồng gửi ngân hàng NN & PTNT. Vụ việc gây bất bình người trong thôn do không được công khai dân chủ, tham gia bàn bạc đối với một sự vụ liên quan đến di tích và tín ngưỡng tâm linh của người dân".
Phần mái đình có gỗ sưa bị dỡ đem bán cho chùa cùng thôn. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện, UBND xã Đức Thượng sau đó họp toàn thể dân trong thôn để đóng góp ý kiến và thống nhất biện pháp xử lý. Hội nghị thống nhất cử ra một ban khánh tiết mới và thay đổi ông thủ từ. Phần mái sẽ được tu sửa và lợp lại theo hướng dùng gỗ lim và gỗ xoan thay thế cho các cấu kiện đã bị hư hỏng và bị dỡ đem bán.
Các phần việc tiếp theo mà huyện sẽ phải làm là giao công an tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, truy tìm lại di vật thất lạc và đề xuất xử lý các cá nhân liên quan sau khi có kết luận điều tra. Riêng UBND xã và các ban ngành tuyên truyền, vận động ổn định tư tưởng nhân dân và định hướng dư luận, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Chiều ngày 17/3, trao đổi với VietNamNet, ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội cho biết quan điểm của Sở là thống nhất với hướng xử lý sớm khôi phục lại đình. Việc có khôi phục lại nguyên trạng bằng gỗ sưa hay không, xử lý khoản tiền thu được từ việc bán gỗ sưa như thế nào, hiện chưa được đặt ra do còn phải chờ kết luận điều tra của công an.
"Tùy theo kết luận này mà huyện có hướng xử lý. Tất nhiên, sở chỉ đồng ý khi hướng xử lý này phù hợp với lòng dân và đúng luật di sản", ông nói.
Được biết, Sở hiện đang cho tiến hành kiểm kê lại hiện vật trong đình.
Minh Chánh