- "Nhiều địa phương có Hội đồng thẩm định nghệ thuật rất yếu, thậm chí nhiều nơi không tổ chức được hội đồng mà chỉ dựa vào những tác phẩm đăng ký được phép hát mà duyệt, vì thế nhiều chương trình có chất lượng không cao" - Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa.
Sáng 21/3, Cục NTBD đã tổ chức Hội nghị tổng kết nghị định số 79/2012/NĐ-CP sau một năm thực hiện và các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó có đại diện của nhiều cơ quan quản lý văn hóa cấp Trung ương và địa phương khu vực phía Bắc tham gia.
Trong đó, đáng chú ý là những chia sẻ thẳng thắn của ông Xuân Phúc - Phó chánh Thanh tra Bộ VHTTDL. Theo ông Phúc, năm 2013, thanh tra Bộ đã có 10 cuộc kiểm tra 10 tỉnh, trong đó có một số "bất cập" được lộ ra.
Thứ nhất là việc thành lập doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hiện nay rất dễ dàng. Vì vậy, có những doanh nghiệp tổ chức biểu diễn sai phạm bị tước giấy phép hoặc đình chỉ tổ chức biểu diễn sẵn sàng thay đổi tên doanh doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, đây là hiện tượng bình mới rượu cũ.
Nhiều địa phương có Hội đồng thẩm định nghệ thuật rất yếu, thậm chí nhiều nơi không tổ chức được hội đồng mà chỉ dựa vào những tác phẩm đăng ký được phép hát mà duyệt, vì thế nhiều chương trình có chất lượng không cao.
Có Sở cấp phép biểu diễn một mớ hàng trăm ca khúc và hơn 200 nghệ sĩ. Vì thế, chương trình ở các tỉnh khác nhau nhưng do băng rôn đã làm từ trước nên nhiều trường hợp có tên, có hình của nghệ sĩ quảng cáo nhưng thực tế diễn lại không có dẫn đến mâu thuẫn giữa đơn vị tổ chức và người xem.
"Có hiện tượng một công ty A mời các ca sĩ hải ngoại độc quyền tham gia 1 chương trình nhưng sau đó lại có văn bản ủy quyền cho một công ty B để ca sĩ đó được phép hát trong chương trình của công ty B. Tình trạng này vẫn xảy ra ở 1 số tỉnh" - ông Xuân Phúc tiết lộ.
Angela Phương Trinh và bộ trang phục khiến cô phải nộp phạt trong năm 2013. |
Ông Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội than thở việc xin giấy phép biểu diễn ở địa phương này nhưng lại biểu diễn thực ở nơi khác khiến việc quản lý khó khăn. Đối với trường hợp các đoàn biểu diễn nghệ thuật có yếu tố nước ngoài thìì thời hạn tiếp nhận giải quyết trong 5 ngày là rất khó thực hiện được do phải xin ý kiến của nhiều đơn vị liên quan.
Đối với một số địa điểm cũng hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhưng không bán vé, thu tiền như quán giải khát, quán bar do việc xin cấp phép trước nhiều tháng, sau đó khi diễn lại muốn bổ sung hoặc thay nghệ sĩ khác nhưng thủ tục này lại khá rươm rà dẫn đến việc dù chỉ bổ sung nhưng thời gian hoàn thiện kéo dài như cấp phép mới.
Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ đề xuất về việc xem xét để đưa ra mức giá trần cho vấn đề cát xê của ca sĩ biểu diễn và quy định giá vé ca nhạc. "Ví dụ chúng tôi sắp tới tổ chức Lễ hội Đền Hùng rất muốn mời 1, 2 ca sĩ hạng sao nhưng họ đưa ra mức cát sê cao quá" - đại diện Sở Phú Thọ bày tỏ.
Nghệ sĩ Mai Tư - Phó GĐ Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm rằng hoạt động biểu diễn vẫn những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Ví dụ như việc kiện cáo tại cuộc thi "Nữ hoàng biển" vô hình chung tạo ra một dư luận không tốt về luật pháp, giữa người thực thi luật pháp và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông, nên rà lại xem Cục NTBD cấp phép nhưng việc thu hồi giấy phép có thuộc Cục không hay là thuộc về thanh tra Bộ. Đồng quan điểm với nghệ sĩ Mai Tư, một số đại biểu khác cho rằng nguyên nhân dẫn đến những bất cập này là do còn thiếu những quy định cụ thể, cũng như chưa có những hình thức xử lý vi phạm đủ sức răn đe.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, trong thời gian tới sẽ có những sửa đổi tại Thông tư 03, tiến tới sửa đổi Nghị định 79 cho phù hợp với thực tế xã hội. Tuy nhiên việc tăng cao hình thức xử phạt các vi phạm vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Sơn Hà