“Tôi không hiểu tại sao ban tổ chức lễ hội đền Thánh tổ Lạc Long Quân lại đi làm một việc như vậy? Nâng cấp cái gì? Đây là một sự phá hoại, sự xâm lăng, đẩy người dân ra khỏi lễ hội của mình thì đúng hơn” –GS Ngô Đức Thịnh nói.


Dự án phục dựng, nâng cấp lễ hội truyền thống tại đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân lần đầu tiên đưa phần trình diễn ánh sáng hiện đại làm điểm nhấn của lễ hội khiến nhiều người băn khoăn. Liệu sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại có phù hợp với một lễ hội dân gian truyền thống?

VietNamNet đã có buổi trò chuyện với GS Ngô Đức Thịnh- Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian xung quanh vấn đề này.

Vừa qua, UBND Huyện Thanh Oai kết hợp với Viện nghiên cứu Văn hóa VN tổ chức nâng cấp lễ hội Bình Đà bằng việc phục dựng lại một số nghi thức lễ hội và điểm nhấn là đưa ánh sáng hiện đại trình chiếu tại cổng đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Văn hóa luôn luôn động, không ai quan niệm văn hóa phải đứng một chỗ cả.  Sự vận động của văn hóa có quy luật, chuẩn mực của nó.

{keywords}
Tiệc ánh sáng ở lễ hội Bình Đà

 

Tôi không phải là người cổ hủ, không cực đoan tới độ văn hóa truyền thống như thế nào thì phải giữ nguyên như thế. Tôi luôn có chủ trương phải thay đổi, tuy nhiên sự thay đổi đó phải đảm bảo được 3 nguyên tắc: Phải đảm bảo được tính thiêng của nó; Phải là sáng tạo của nhân dân, chủ thể văn hóa phải được tham gia. Phải tuân thủ mô thức của lễ hội.

Chúng ta hoan nghênh sự mọi sự tìm tòi để nâng cao văn hóa truyền thống, đây cũng là một cách để truyền thống dò dẫm, đặt chân mình vào cuộc sống hiện đại.

Mọi ý tưởng cần được tôn trọng, trải nghiệm trước khi đánh giá. Nhưng như những gì mà Ban tổ chức trình diễn trong lễ hội Bình Đà như lần này thì liệu dân làng sẽ làm thế nào trong những năm tiếp theo, tự bỏ tiền ra hay lại thuê về làm hộ? Lễ hội là của dân làng, tự nhiên lại có bàn tay bên ngoài vào chỉ đạo, điều hành như vậy thì lễ hội để làm gì, dành cho ai?

Đến ngày 5/4 tới đây, lễ hội Bình Đà đón nhận quyết định Di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng chính là lý do mà BTC lễ hội quyết định “nâng cấp” lễ hội vốn chỉ ở quy mô làng xã để quảng bá lễ hội này với người dân cả nước.. Lễ hội là của dân- tự thân nó vẫn thế? Tại sao phải nâng cấp?

 Tôi không hiểu tại sao Viện nghiên cứu văn hóa và UBND  huyện Thanh Oai đi làm một việc như vậy? Nâng cấp cái gì? Đây là một sự phá hoại, sự xâm lăng, đẩy người dân ra khỏi lễ hội của mình thì đúng hơn.

{keywords}
GS Ngô Đức Thịnh

 

Rất nhiều bài học về sự nâng cấp lễ hội như lễ hội Lảnh Giang, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), lễ hội Lam Kinh…đều thất bại vì không nhận được sự đồng thuận của giới nghiên cứu và cả người dân khi những năm sau đó, họ không thể tự mình trình diễn được những thứ hiện đại xâm nhập vào.

Lễ hội là của dân, tự người dân họ tham gia đóng góp và trình diễn để vui chơi, để tưởng nhớ và tôn thờ vị thần mà họ yêu kính, tôn sùng. Tại sao lại cần thu hút được nhiều người ở khắp nơi. Lễ hội nơi nào thể hiện văn hóa của nơi đó, những người nơi khác đến chắc gì đã thích thú với những văn hóa địa phương này.

Trong buổi gặp mặt báo chí, PGS-TS Bùi Quang Thắng (Viện nghiên cứu Văn hóa VN) nói rằng, lễ hội truyền thống cứ lặp đi lặp lại khiến nó trở nên nhàm chán. Việc đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội truyền thống nhằm thu hút giới trẻ, từ đó mới dạy được giới trẻ hiểu lịch sử và yêu lễ hội?

 Nói như vậy thì lễ hội đền Hùng bao nhiêu năm nay vẫn diễn theo một mô thức cũ, vậy sao vẫn thu hút được hàng ngàn người tham dự. Có người cả chục năm ròng năm nào cũng đi, họ có thấy nhàm chán không? Người dân tới đến Hùng cảm nhận những hình ảnh chân thực về nơi thờ cúng linh thiêng, về văn hóa tín ngưỡng nơi đây chứ không phải vì có màn trình chiếu ánh sáng hiện đại chưa từng có tại Việt Nam từ một nơi khác mang đến.

Ai bảo giới trẻ không quan tâm tới lễ hội? Theo nghiên cứu xã hội học, lễ hội không dành riêng cho người già, giới trẻ cũng có nhu cầu tới lễ hội. Đây là một nhu cầu nhận thức về truyền thống, thông qua hành vi của lễ hội, thông qua bức tranh, bức tượng, thông qua hành vi của người dân thể hiện sự tôn kính với vị thần mà mình thờ cúng để học hỏi về lịch sử.

Hàng ngàn năm nay, lễ hội vẫn diễn ra như thế, nó là sự trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác chứ không cần phải thu hút giới trẻ đến với lễ hội bởi có sự mới lạ, gây tò mò.

Học gì, dạy gì ở lễ hội? Tôi băn khoăn không hiểu giới trẻ sẽ học hỏi gì ở việc trình chiếu ánh sáng như vậy. Cần gì phải giới thiệu những ngôi đền của các vị thần trên thế giới, cần gì phải mô phỏng Lạc Long Quân ở thủy cung bằng việc chiếu đàn cá bơi lội. Giới trẻ tìm hiểu những thứ này đầy trên phim ảnh thiếu, sách báo.

Không cần mang văn hóa của các dân tộc khác giáo dục cho giới trẻ tại lễ hội mà chính lễ hội với những nghi thức truyền thống là cách mà người dân giáo dục chính truyền thống văn hóa của địa phương họ cho thế hệ mai sau.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

T.Lê

 Kỳ quái "tiệc ánh sáng" để tưởng nhớ Lạc Long Quân