- “Như tiếng đồng vọng cùng tạo hóa, các tác phẩm hội họa của họa sĩ Lương Xuân Nhị là những cái nhìn xanh giữa thiên nhiên muôn thủa màu xanh. Tâm hồn lành sạch với thiên nhiên và nghệ thuật góp phần vào thành công cho những tác phẩm của ông”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét.
Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006) nằm khiêm nhường ngay phố hội ồn ào ở Cửa Nam (Hà Nội). Không gian căn nhà vẫn giữ được không khí cổ kính như chính chủ nhân vẫn còn đang hiện diện đâu đây, nhiều chục năm trước.
Thưởng lãm những tư liệu còn lưu giữ cũng như một số ký họa, tranh đủ chất liệu: bột mầu, sơn dầu, thuốc nước, lụa…tại ngôi nhà xưa cũ này, bất cứ ai dù không am hiểu lắm về hội họa đều có cảm xúc khó tả.
Chân dung Họa sĩ Lương Xuân Nhị
Họa sĩ của màu xanh
Không thể có một bản danh sách đầy đủ về số tác phẩm mà họa sĩ Lương Xuân Nhị đã hoàn thành trong ngót một thế kỷ làm việc.
Lương Xuân Nhị một họa sĩ nổi tiếng về nghệ thuật trau chuốt, mượt mà nhất một thời. Sơn dầu của ông thể hiện những thân hình mảnh mai, yểu điệu của những phụ nữ trung lưu Hà Thành. Một nhà phê bình mỹ thuật Pháp từng viết: "Vẻ đẹp phương Đông hiện lên lung linh trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị", còn họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thì bình luận tại cuộc triển lãm năm 1939 rằng: "Những tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị đứng đắn và xinh, nhẹ nhàng và rất dễ yêu".
Bức tranh thiếu phụ
Là một người lịch lãm, hào hoa sinh ra và làm nên sự nghiệp nghệ thuật chốn thị thành, Lương Xuân Nhị lại lẳng lặng bén duyên với người quê, cảnh quê. Nơi giếng làng, đồi cọ, bờ tre quấn quýt, níu chặt ông trong xanh lục xanh lam, trong xanh non pha một chút hanh vàng.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng viết: “Như tiếng đồng vọng cùng tạo hóa, các tác phẩm hội họa của họa sĩ Lương Xuân Nhị là những cái nhìn xanh giữa thiên nhiên muôn thủa màu xanh”.
Sinh thời, họa sĩ Lương Xuân Nhị từng chia sẻ hội họa bắt đầu từ cuộc sống, yếu tố thành công trong những tác phẩm của ông chính là ông đã học được nhiều nhất từ cuộc sống của con người và thiên nhiên muôn màu của đất nước Việt Nam. Ông tìm thấy luật bố cục trong cấu trúc mạch lạc của núi non, cây cỏ sông suối, cánh đồng. Ông tìm thấy tình cảm của ông trong màu sắc của tự nhiên mà chẳng cần phải thêm bớt gì cho nó.
Hội họa của ông đồng nhịp với đời sống đất nước, giữ lại cái đẹp của mọi thời. “Tôi tiếp nhận tất cả nhưng vẫn tìm một cách vẽ riêng của mình. Ưa thích sự thanh nhã và dịu dàng, tả thực mà không kém vẻ mơ màng, tươi tắn ấn tượng mà không tan nét huyền ảo của cái đẹp thuần Việt”, cố họa sĩ từng chia sẻ.
Hai bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên hiện vẫn còn được lưu giữ tại nhà của họa sĩ Lương Xuân Nhị.
Loa kèn đỏ
Họa sĩ của những bức tranh địch vận
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những đóng góp trực tiếp của người họa sĩ tài ba này với công cuộc kháng chiến của dân tộc. Mỗi bức tranh địch vận của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị đã tác động mạnh đến tâm lí của người lính bên kia chiến tuyến.
Ông trực tiếp pha màu in, tìm hiểu về tác dụng của tranh đối với lính địch, nghiên cứu khổ tranh vẽ sao cho phù hợp để có thể mau chóng phổ biến ngoài mặt trận. Hạnh phúc là khi ông biết, có những người lính trong đội quân Pháp và tay sai đã chuyền tay những bức tranh của mình, rồi ra hàng vì được thức tỉnh về sự phi nghĩa của họ trong cuộc chiến.
Gia sản của ông hiện vẫn được lưu giữ cẩn thận còn có bộ sưu tập phong phú mảng vẽ này với những bức tranh nhỏ in litô hoặc khắc gỗ với những mảng màu cơ bản.
Hai bức tranh địch vận “Vì sao, vì ai” và “Noel - Noel” hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với những thông điệp lớn lao. Với bức tranh “Vì sao, vì ai”, họa sĩ vẽ một người lính Pháp đội mũ sắt, quỳ xuống giơ hai tay lên, như đặt một dấu hỏi, ngầm ý phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam.
Bức tranh “Noel - Noel” tái hiện hai bức tranh: một bên là người lính Pháp như xác chết không còn sinh khí, tựa gốc cây bị bom napal làm trơ trụi hết cành lá; một bên là cuộc sống xa hoa của những thanh niên Pháp mải mê dưới ánh sáng lung linh, nhảy theo điệu nhạc trong những bữa tiệc xa hoa nơi quê nhà.
Tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị góp phần vào công cuộc kháng chiến là thế, được truyền tay nhiều là thế nhưng bản thân họa sĩ lại là người âm thầm lặng lẽ. Công việc thầm lặng của ông đã được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư động viên tới hai lần.
Đọc tin chiến thắng
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn còn nhớ khi ông cùng bác của mình ở nơi sơ tán, thỉnh thoảng lại thấy xe quân đội lên đón ông về để thực hiện gấp tác phẩm. Hay có những lúc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thấy ông ngồi vẽ phác tại ngôi nhà lá trong một thư thái ung dung, lúc nào cũng nhẹ nhàng và yên lặng. Địch vận là công việc thầm lặng, không phải họa sĩ nào cũng làm công việc này. Đó là sứ mệnh lịch sử trao cho ông như điểm thêm để hoàn tất về chân dung con người Lương Xuân Nhị.
8 năm kể từ ngày họa sĩ Lương Xuân Nhị trở về với đất, những kỷ niệm thiêng liêng mà cố họa để lại còn đọng mãi trong ký ức của mọi thế hệ yêu nghệ thuật về một nhân cách, tài năng, cá tính một con người trọn đời vì cái đẹp, vì cuộc sống mà hiến dâng tất cả.
Tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị được gìn giữ trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bảo tàng ở Paris, New York, Tokyo... cũng như nhiều bộ sưu tập cá nhân ở trong và ngoài nước. Những bức tranh nổi tiếng của ông được đánh giá cao là "Quán nước bên đường" (Lụa- sáng tác năm 1937), "Gia đình thuyền chài" (1938). "Thiếu nữ Hà Thành" (lụa và sơn dầu 1938 - 1940), "Thiếu nữ Nhật Bản", "Phong cảnh Nhật Bản" (sơn dầu 1940-1941), "Cầu ngói Thanh Toàn - Huế” (lụa, 1940 -1941. "Bên bờ giếng". (sơn dầu; 1956). "Tĩnh vật hoa hồng bạch" (sơn dầu; 1957). "Đồi cọ" (sơn dầu; 1957). "Nhà Bác Hồ" (sơn dầu 1970 – 1980)... |
Tình Lê