"Vai ác không có tác dụng gì trong cuộc thi, nó chỉ để tạo hiệu ứng, gây sự chú ý, thậm chí là gây sốc..." - Phương Thanh chia sẻ khi cô đảm nhận vị trí giám khảo của Ngôi sao Việt - cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc để đào tạo tại Hàn Quốc.

Giám khảo đừng ác làm gì!

Từng đảm nhận vị trí giám khảo ở một số cuộc thi, tuy nhiên Ngôi sao Việt lại là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên mà chị ngồi ở vị trí ghế nóng. Lý do gì khiến chị nhận lời mời này?

Tôi đã từng làm giám khảo một vài lần, trong đó có Bước nhảy xì tin nhưng lại là một cuộc thi chuyên về nhảy. Là ca sĩ, tôi thấy một cuộc thi hát sẽ đúng với chuyên môn hơn. Với Ngôi sao Việt, thì có cả hai yếu tố hát và nhảy, vì vậy tôi thấy khá lạ và tò mò về cuộc thi này. Bên cạnh đó, tôi nhận được lời mời làm giám khảo từ khá lâu, cách đây gần hai năm từ một người trong ê-kíp sản xuất. Người đó đã hâm mộ tôi từ khi tôi còn hát Một thời đã xa, Trống vắng, vì vậy nên muốn kết hợp với tôi. Điều đó làm tôi cảm thấy vui và có hứng thú với cuộc thi này. Tôi nghĩ đó cũng là cái duyên, phải có duyên mới làm việc với nhau được.

Nhiều người cho rằng Phương Thanh đã quá tuổi để làm giám khảo của một cuộc thi toàn thí sinh teen như vậy. Chị có lúc nào thấy mình bị “khớp” so với các bạn trẻ?

Tôi thấy các thí sinh "khớp" tôi thì chắc đúng hơn, đã làm giám khảo thì phải có tuổi và có tầm một chút. Các thí sinh đi thi đều còn non và thiếu kinh nghiệm, mà hai cái đấy thì chỉ có giám khảo lớn tuổi, có kinh nghiệm, có tầm mới đáp ứng được. Còn đối với tôi, đã là nghệ sĩ thì từ trẻ đến già vẫn "hồn nhiên" như nhau, chứ không quan trọng về tuổi tác.

Nhiều ý kiến nhận xét chất lượng thí sinh của Ngôi sao Việt thực sự rất kém. Là người theo sát họ, chị nhìn nhận như thế nào?

Tiêu chí chọn thí sinh của Ngôi sao Việt khác với các cuộc thi khác, và chính vì vậy thí sinh cũng không thể giống nhau. Cuộc thi tuyển chọn những ai biết nhảy và hát, vì vậy những thí sinh hát hay chưa chắc đã chọn đi thi Ngôi sao Việt. Ê-kíp phía Hàn Quốc cũng chủ động tìm những thí sinh chưa thực sự xuất sắc vì đây là cuộc thi tìm kiếm thí sinh để đào tạo. Vì vậy, không thể có sự so sánh thí sinh ở đây. Ở một số cuộc thi khác, có những thí sinh chỉ sau một màn biểu diễn, sau một đêm đã bất ngờ nổi tiếng, tạo nên sức hút đặc biệt nhưng Ngôi sao Việt lại không cần điều đó.

Qua 19 tập, ê-kíp sản xuất của chương trình sẽ cho khán giả thấy sự thay đổi hoàn toàn của các thí sinh, và tôi nghĩ đó cũng chính là một tiêu chí lạ của cuộc thi. Chính vì tiêu chí khác nhau nên chất lượng thí sinh của Ngôi sao Việt cũng sẽ khác. Ngôi sao Việt đặt yếu tố đào tạo lên hàng đầu và đó chính là điểm khác biệt.

{keywords}

Nhà sản xuất âm nhạc Kim Jin Woo, Phương Thanh và biên đạo nhảy John Huy Trần

Chị có thể nói rõ hơn về sự thay đổi của các thí sinh?

Bên phía Hàn Quốc họ thích thay đổi thí sinh qua quá trình đào tạo. Có nhiều em từ vòng đầu rất yếu và chưa có nhiều tiến bộ, nhưng đến vòng cuối thì khác hoàn toàn. Ngược lại, có những thí sinh ở vòng ngoài hát tốt, nhảy tốt nhưng vào sâu thì bị loại. Tôi thấy cuộc thi này lạ và hay ở chỗ đó, vì thí sinh thay đổi một cách đột ngột.

Nhiều thí sinh còn vô tư và không biết hết khả năng của mình, có những bạn thì lại nhút nhát, khi đứng trên sân khấu lại quên mất phải làm gì, nhưng khi được đào tạo tại Hàn Quốc thì thay đổi hoàn toàn. Cuộc thi giúp cho thí sinh biết được điểm yếu của mình để sửa và tiến bộ qua từng tuần. Hy vọng là trong Liveshow cuối, khán giả sẽ nhận ra sự thay đổi đó.

Nhiều thí sinh tham gia Ngôi sao Việt chỉ với ước mơ được sang Hàn Quốc, chị thấy mục đích này đúng hay sai?

Các bạn thí sinh của Ngôi sao Việt còn rất trẻ, chỉ khoảng mười mấy tuổi, nên ban đầu đăng ký tham gia với tâm lý để được đi chơi, được sang Hàn Quốc. Tuy nhiên khi vào đến vòng trong, được chỉ ra mục tiêu rõ ràng thì các thí sinh tự họ cảm thấy phải cố gắng vì đã được học rất nhiều điều khi sang đấy.

Lúc đầu rõ ràng là sự vô tư, nhưng sau một thời gian các thí sinh hiểu rõ được mình được điều gì, họ thấy họ có nhiều cái lợi từ việc đào tạo, chuẩn bị rất kỹ về cả phong cách, ngoại hình mà không hề mất bất cứ chi phí nào. Chính vì vậy, mục đích ban đầu cũng không còn nữa.

Các ca khúc nhạc Hàn Quốc được nhiều thí sinh chọn để thể hiện trong cuộc thi này, thậm chí bắt chước về cả ngoại hình, phong cách. Chị nghĩ sao về điều này?

Tôi thấy không chỉ có Ngôi sao Việt, mà ở một số cuộc thi khác các thí sinh cũng hát tiếng nước ngoài khá nhiều. Ở vòng ngoài của Ngôi sao Việt, các thí sinh đua nhau hát nhạc Hàn Quốc và bắt chước cả phong cách ăn mặc, nhưng tôi vẫn tôn trọng thí sinh vì đó là lựa chọn của họ. Nhưng tôi chỉ châm chước cho một hai vòng đầu, vì vào vòng trong thì bắt buộc phải hát tiếng Việt mới được công nhận.

Chị đã từng nói không muốn đóng vai ác, nhưng với vị trí một giám khảo, hiền quá cũng không hẳn là tốt?

Tôi thấy không cần thiết phải ác, trên truyền hình mà bắt đóng vai ác là một sai lầm. Các bạn thí sinh có những người chưa từng đứng trên sân khấu, thì mình chỉ nên chỉ đường chứ ác làm gì, có chăng thì mình hơi khó hơn một chút. Khó ở đây có nghĩa là khi nào các bạn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hỗn với người xung quanh thì lúc đấy mình phải thẳng thắn chỉnh lại.

Vai ác không có tác dụng gì trong cuộc thi, nó chỉ để tạo hiệu ứng, gây sự chú ý, thậm chí là gây sốc, nhưng đóng vai ác rồi thì chẳng giúp gì được thí sinh. Ngay từ đầu khi nhận làm giám khảo chương trình, tôi đã từ chối việc đóng vai ác.

Nếu thí sinh cứng đầu quá thì đóng vai ác mới hợp lý, lúc đó mình mới cần khó tính, khó chịu. Nhưng thí sinh của Ngôi sao Việt thì dễ thương và hiền lắm nên đóng vai ác là vô duyên. Tôi nghĩ nên làm bạn đồng hành với các thí sinh, vì các bạn ấy còn non nghề và thiếu kinh nghiệm.

Tôi không muốn gây khó dễ cho thí sinh bởi ngày xưa tôi cũng đã từng đi thi, mà thi toàn trượt nhưng lại không có ai nói vì sao bị trượt. Thế nên, giờ có bao nhiêu kinh nghiệm tôi cũng chỉ cho các thí sinh và các em cũng hỏi tôi rất nhiều. Không nhất thiết cứ phải nóng vội, cũng không cần khắt khe quá. Thấy được điểm yếu của thí sinh, tôi sẽ chỉ ra dần dần để họ tiến bộ.

Môi trường đạo tạo tại Hàn Quốc giống như Quân đội

Khi làm việc với giám khảo Hàn Quốc, chị thấy tiêu chí chọn thí sinh có khác nhau nhiều? Giám khảo Hàn Quốc thường đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất?

Với giám khảo của Ngôi sao Việt, thì mỗi người có sự lựa chọn khác nhau, và chúng tôi sẽ dựa trên sự đồng ý của hai người để quyết định thí sinh được đi tiếp hay không. Về giám khảo Hàn Quốc thì có ca sĩ Baek Ji Young, rapper Mario và nhà sản xuất âm nhạc Kim Jin Woo, tôi thấy điểm chung là họ thiên về cảm xúc, cũng giống như tôi, đặc biệt là Baek Ji Young.

Bên cạnh đó, đối với Hàn Quốc, người ta rất chuộng đẹp, theo quan niệm của họ đã là nghệ sĩ thì phải đẹp, chính vì vậy các thí sinh khi lên sân khấu đều phải trang điểm kỹ. Đây cũng là một yếu tố quan trọng đối với họ, các thí sinh phải vừa hát hay và phải có hình thức đẹp nữa. Một nghệ sĩ không có ngoại hình đẹp và nếu đã đẹp mà không tận dụng được điều đó thì không được đánh giá cao. Nhưng đối với tôi thì khác, đẹp mà hát không được thì tôi cũng gạt ra. Thế nên họ cũng tôn trọng và cho tôi toàn quyền quyết định.

{keywords}

Giám khảo Mario và Phương Thanh

Vậy còn phong cách làm việc của họ, chị có thấy sự khác biệt nào?

Khi làm việc với Hàn Quốc, tôi thấy khá thích vì họ đi rất từ từ, thậm chí nhiều lúc tôi cũng rất nôn nóng với các thí sinh của mình. Vì như ở cuộc thi khác, sau một màn biểu diễn là có thể nổi tiếng ngay, nhưng ở Ngôi sao Việt thì qua 2,3 tập mà thí sinh vẫn chưa ai nhớ mặt.

Lúc đầu tôi nghĩ có thể họ chưa làm tốt khâu PR, nhưng sau này tôi nhận ra là họ cố tình làm thế. Tôi thấy khác hẳn với bây giờ khi vì cạnh tranh mà nhiều cuộc thi chỉ chú trọng quảng cáo và tạo scandal gây sốc.

Tôi cũng thấy thương thí sinh, thậm chí muốn làm PR riêng cho họ nhưng tôi cũng nhận ra là làm như vậy không hẳn là tốt. Nổi tiếng nhanh sẽ khiến thí sinh bị ngộp và chưa chắc các họ chịu được áp lực từ công chúng và truyền thông, và cách làm đó cũng có nguy hiểm của nó.

Có thể thấy rõ môi trường đào tạo ở Hàn Quốc có sự chuyên nghiệp rất cao và cũng rất áp lực. Thí sinh Ngôi sao Việt có chịu được những điều đó?

Tôi thấy phía Hàn Quốc về đào tạo căn bản cũng như những gì trường lớp mình dạy, nhưng họ bắt các thí sinh phải có tiến bộ thật nhanh, nhiều thí sinh kêu với tôi là quá mệt bởi liên tục tập từ sáng đến tối.

Lúc đầu là do tâm lý được sang đi chơi nên khi phải tập luyện nhiều như vậy các thí sinh có phần nản vì các em đang trong môi trường thoải mái nên chưa thích nghi nhanh được, trong khi đó sức khỏe và nhan sắc cũng có phần giảm sút. Các thí sinh đang quen cuộc sống như ở Việt Nam, có thể ngủ nướng, ăn uống, đi chơi thoải mái nhưng khi sang Hàn Quốc rồi thì cuộc sống trong hai tháng như trong quân đội, 8h sáng dậy và ăn uống theo một quy định nhất định, một tuần chỉ đi chơi một lần. Bản thân tôi cũng chưa từng thấy cuộc thi nào mà thí sinh phải khổ cực như vậy, bên phía Hàn Quốc lại rất cứng rắn.

Nhưng tôi cũng chỉ cho các em, nếu vượt qua được áp lực này thì về sau dù có trong hoàn cảnh nào cũng có thể chịu đựng được. Con người ta khi phải đối diện với áp lực, khó khăn một lần thì sẽ quen và không còn sợ gì nữa.

Với phần thưởng khá lớn và hấp dẫn, rồi phải chịu áp lực cao trong quá trình đào tạo, khi bị loại thí sinh có tỏ ra cay cú?

Tôi thấy khá lạ vì dù bị loại nhưng các bạn ấy vẫn rất vui, dù tất nhiên không tránh được nỗi buồn. Tôi có chỉ cho các bạn thí sinh bị trượt là do mình kém hơn, mình phải chấp nhận điều đó. Tôi nói thẳng để họ có thể rút kinh nghiệm cho lần sau.

Các bạn ấy cũng rất dễ thương và bảo không bị loại lúc này thì về sau cũng bị loại, đó là một tâm lý rất tốt. Là một nghệ sĩ, tâm lý cực kỳ quan trọng, biết mình thua lúc nào, mình hơn lúc nào, thua rồi phải làm sao. Tôi thấy một số cuộc thi khác, có nhiều bạn thua thì thường hay cay cú, có thể do cuộc thi đó đã sắp đặt trước nhưng ở đây các thí sinh Ngôi sao Việt thua trong tư thế rất chấp nhận.

Đã có thí sinh nào bỏ cuộc?

Có một thí sinh vì không vượt qua được thử thách về tâm lý nên đã bỏ cuộc. Chúng tôi có cách chọn thí sinh khá khác. Có nhiều thí sinh có khả năng nhưng BGK cố tình để vớt để thử xem tâm lý ăn thua như thế nào, chịu đựng được ra sao. Trong một cuộc thi, không phải bị rớt là người dở nhất mà đó chỉ để thử thách tâm lý của các em. Nhiều thí sinh giỏi, hát tốt nhưng vấp lỗi liên tục mà toàn những lỗi đã được chỉ ra thì chúng tôi sẵn sàng loại. Nhưng ngược lại, có những thí sinh chưa hát tốt thì có ý chí, chỉ cần chỉ ra lỗi sai thì tuần sau họ đã sửa và khác hẳn.

Liệu chị đã nhìn thấy bóng dáng quán quân ở một thí sinh nào?

Tôi thấy có ba bạn có khả năng mà đây lại đều là những thí sinh được vớt ở vòng ngoài. Các bạn đó có giọng hát, năng lực, thông minh nhưng chỉ chưa tìm ra phương hướng đúng của mình.

Chị có kỳ vọng gì nhiều với quán quân cuộc thi?

Tôi không hy vọng nhiều và chỉ mong rằng cuộc thi sẽ tìm ra một bạn xứng đáng, hát tốt, nhảy tốt để làm quán quân cuộc thi.

Cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!

Theo VTC