- Nhà phê bình văn học, PGS-TS Đỗ Lai Thúy chia sẻ quan điểm của ông quanh câu chuyện về văn hóa đọc hôm nay với các bảng xếp hạng bán chạy thừa sách giải trí, người Hà Nội dường như đang "lười" đọc sách hơn người Sài Gòn...

{keywords}
Nhà phê bình văn học, PGS.TS Đỗ Lai Thúy

Best-seller chỉ đại diện cho một số đông

- Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến bi quan khi nhìn vào các tựa sách có mặt trong một số bảng xếp hạng sách bán chạy hiện nay rằng thừa sách giải trí và vắng sách có chất lượng học thuật cao. Ý kiến của ông thế nào?

PGS.TS Đỗ Lai Thúy: Tôi cho rằng best-seller chỉ đại diện cho một số đông. Xã hội đang có sự phân hóa, đây là điều cần thiết cho sự phát triển. Và vì thế cho nên hiện không có cái gọi là văn hóa đọc nói chung mà chỉ có văn hóa đọc của từng tầng lớp cụ thể. Không thể lấy tiêu chí của nhóm này để đánh giá nhóm kia. Nếu mình cứ lấy đại diện cho văn hóa đọc của một nhóm nào đó làm chuẩn chung cả nước thì đó hoàn toàn sai.

Trước đây cả nước là một nhóm, nên tạo ra sự đọc rất thống nhất. Hầu như tất cả mọi người đọc những cuốn sách như nhau, nên người đọc về mặt định chất lẫn định lượng đều rất kinh khủng. Điều ấy làm người ta cảm giác văn hóa đọc của mình thời ấy rất cao. Và so với nó, văn hóa đọc bây giờ thấp, không bằng ngày xưa. Nhưng đó là tiêu chí không chuẩn.

Tôi nghĩ văn hóa đọc hiện nay là rất cao và đặc biệt rất đa dạng, bởi có nhiều nhóm đọc khác nhau. Trong đó có một nhóm đọc những sách khó, dù người Việt mình vốn không có thói quen đọc sách khó. Đặc biệt việc hình thành một lớp thanh niên làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ thông tin... rất chịu đọc sách khó. Đấy chính là điều đáng mừng.

- Vậy cách nào để chúng ta có thể hình dung về tình hình văn hóa đọc ở nước ta hiện nay, thưa ông?

- Hiện nay không nên và không thể có một tiêu chí chung để đánh giá văn hóa đọc của cả nước, mà phải phân theo các nhóm độc giả. Ví dụ như độc giả đại chúng, phổ thông. Số lượng độc giả này là rất lớn, nếu làm thống kê các tựa sách được mua nhiều nhất tại hội sách, rõ ràng các tựa sách do độc giả phổ thông chọn sẽ dễ dàng đứng trong top 10. Chứ còn những cuốn của NXB Tri Thức, do lượng người đọc ít, khó có thể lọt vào best- seller.

Nhưng từ bảng xếp hạng này mà đánh giá văn hóa đọc cả nước là không đúng. Tất cả mọi người không đọc cùng một thứ sách, đó là điều rất đáng mừng. Hiện nay đang hình thành một lớp độc giả, rất ít thôi, chịu đọc những sách khó. Đó là những độc giả tích cực. Trong khi đa phần người đọc hiện nay đọc tiêu cực, tức đọc một cách thụ động, sách có ý tưởng nào thì tiếp thu cái đó. Còn người đọc tích cực tham dự vào các suy nghĩ, các ý tưởng của cuốn sách để tạo nên ý tưởng của riêng mình. Đây là lực lượng người đọc mới trong xã hội mà chúng ta cần phải xây dựng họ, phải làm sao tạo cho họ đông hơn cả về chất và lượng, để một ngày nào đó, sách khó sẽ lọt vào best-seller.

Tôi không muốn mình thành best-seller

- Ông là người đã viết và cho ra mắt rất nhiều tựa sách nặng tính chất học thuật, hàn lâm. Việc chúng không trở thành sách bán chạy trên best-seller có làm ông bi quan?

- Với tình hình văn hóa đọc hiện nay của mình, có sự phân nhóm như thế, tôi không bi quan. Thậm chí, sách mình không trở thành best-seller thì đó là điều đáng mừng. Tôi nghĩ sách của các nhà nghiên cứu bao giờ cũng phải đi trước độc giả một bước, số người đọc của mình như thế sẽ phải ít đi. Giả dụ mình nhịp bước, đồng hành cùng các độc giả phổ thông, sách của mình có thể thành best-seller nhưng những sáng tạo đi trước độc giả về mặt học thuật lại không có. Trong tình trạng hiện nay tôi không mong muốn mình thành best-seller.

Trên thế giới cũng vậy. Những sách có khám phá mới, phát hiện mới về học thuật, tức đi trước thời gian thì không bao giờ có thể trở thành sách bán chạy. Thậm chí, còn phải bỏ tiền riêng ra in để cống hiến cho bạn đọc. Đó là số phận được báo trước của khoa học.

{keywords}
Hình ảnh chen chân mua sách tại Hội sách TP.HCM.

Sự khác biệt hai miền

- Doanh thu bán sách ở TP.HCM hiện được cho là cao hơn hẳn so với Hà Nội. Theo ông, điều đó liệu có phản ánh văn hóa đọc khác biệt giữa hai miền?

- Tôi nghĩ người miền Nam mua sách nhiều hơn người miền Bắc là có những lý do như sau. Lý do là ở miền Nam, nhất là ở Sài Gòn, lượng người đọc đông hơn ở miền Bắc. Những ông xích lô đang đợi khách, những người bán hàng rỗi... hay mang sách ra đọc. Tại sao có hiện tượng như vậy? Rõ ràng trình độ xã hội hóa của Sài Gòn là cao hơn Hà Nội, điều này có nguyên nhân sâu xa từ chế độ Nam kỳ trực trị dưới thời Pháp thuộc, tuân theo luật pháp dân chủ tư sản của nước Pháp, khác với chế độ bảo hộ vẫn còn bị chi phối bởi luật pháp của triều đình nhà Nguyễn phong kiến.

Vì vậy, số người tham gia đọc sách nhiều hơn và số người bỏ tiền mua sách ở Sài Gòn do vậy cũng nhiều hơn. Từ đó ta có thể suy ra số bạn đọc phổ thông ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc, làm nên bảng xếp hạng ở hội sách Sài Gòn mà ta vừa thấy.

- Ông vừa nhắc đến khái niệm xã hội hóa. Tại sao khái niệm này và trình độ phát triển của nó lại tác động lên văn hóa đọc đến thế?

- Trình độ xã hội hóa mà cao, mỗi người dân đều quan tâm đến những vấn đề của xã hội hơn, cũng như quan tâm tìm hiểu những vấn đề tri thức nói chung. Vì thế tạo nên nhu cầu đọc sách. Còn miền Bắc, sự quan tâm ở độc giả thông thường lẫn độc giả cao cấp thường dành cho những vấn đề chính trị. Những vấn đề khác họ ít quan tâm.

- Như vậy mình có thể nói văn hóa đọc của miền Nam cao hơn miền Bắc hoặc ngược lại không, thưa ông?

- Ở đây mình không thể nói một câu chung chung là văn hóa đọc của miền Nam cao hơn miền Bắc. Mà chỉ có thể nói văn hóa đọc của công chúng thông thường, bình dân miền Nam là cao hơn miền Bắc. Còn văn hóa đọc dành cho những cuốn sách nặng tri thức chưa chắc đã cao hơn. Xã hội bây giờ không có chân lý chung, mà chỉ có chân lý cụ thể cho những nhóm người cụ thể. Ở đây là nhóm bạn đọc cụ thể.

Đừng vì thương mại mà làm loạn môi trường xuất bản

- Xin ông cho biết cái nhìn của ông về công nghệ truyền thông, quảng bá sách hiện nay. Liệu động cơ thương mại có khiến công nghệ này bị lạm dụng để đánh tráo giá trị thực của cuốn sách, khiến bạn đọc nhầm lẫn?

- Công nghệ truyền thông nhiều khi làm rối, khiến độc giả nhầm lẫn giá trị của cuốn sách. Chuyện này là không thể tránh. Trước đây chưa có công nghệ truyền thông, mà chỉ tin đồn cũng làm người ta tưởng thật, như truyện mẹ của Huệ Tử rất tin con trai mình là người tử tế, hiếu thuận. Nhưng một hôm có người đi chợ về nói với bà rằng Huệ Tử đánh nhau và bị bắt ở ngoài chợ. Người thứ nhất nói bà không tin, người thứ hai nói bà bán tín bán nghi, người thứ ba nói bà ù té chạy.

Thời xưa đã còn như thế, huống chi bây giờ với công nghệ truyền thông thì không chỉ có ba người nói mà hàng triệu người nói. Nên người ta rất dễ bị đánh lừa. Và có thể, đây là câu chuyện muôn thuở, không thể giải quyết hết được. Nhưng có thể hạn chế nó và phải hạn chế từ cả hai phía. Một mặt, bản thân người đọc không nên đặt cược niềm tin hoàn toàn vào truyền thông, mà phải biết hoài nghi. Mặt khác người làm truyền thông cũng như người làm sách phải có trách nhiệm, không nên vì mục tiêu thương mại mà làm mù mịt môi trường xuất bản sách.

-  Phải chăng tình trạng trên còn do thị trường sách của chúng ta chưa xuất hiện giới phê bình sách để minh định các chuẩn mực, giá trị của sách đang có trên thị trường?

- Nói hẹp trong giới phê bình, hiện rất cần một lớp người làm phê bình báo chí phát hiện ra cái hay, cái đẹp từ sách, đọc hộ và chọn hộ bạn đọc. Rồi đưa lên giới thiệu, tạo ra dư luận và một đời sống văn hóa đọc lành mạnh. Hiện số người làm nhiệm vụ này tản mác, không nhiều. Ngay bản thân họ làm việc này cũng không có một hệ tiêu chí, giá trị của riêng mình. Có cảm tưởng họ thích cuốn sách nào thì viết giới thiệu cuốn đó. Hệ chuẩn giá trị sẽ giúp họ hình thành nhận định, lý giải được cho mình và cho bạn đọc tại sao cuốn sách này hay hoặc chưa hay. Hiện nay có lẽ hệ chuẩn này đang hình thành, các nhà phê bình họa thuật đang từng bước theo đuổi, khám phá, xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ mới này.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Minh Chánh thực hiện