- Bức tranh rất đặc biệt, nó như phả vào mặt người xem cái không khí nóng bỏng của cuộc chiến đấu khốc liệt ở Điện Biên Phủ ngày ấy.


Năm 1956, chỉ ngay sau hai năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) đã cho ra mắt tác phẩm sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”.

Đến thăm bảo tàng vào dịp tháng 5, kỷ niệm 60 năm Giải phóng Điện Biên Phủ, tôi thấy một cụ tóc bạc phơ lặng lẽ ngắm bức tranh này trong không gian tĩnh lặng của bảo tàng. Tôi rụt rè làm quen và được biết cụ là họa sĩ học trường Mỹ Thuật Yết Kiêu từ những năm 1960. 

{keywords}

Bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”

Cụ chậm rãi kể: “Khi nào rảnh tôi thường đến thăm Bảo tàng Mỹ Thuật, và lần nào cũng đến chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt vời này. Ông Sáng chọn đề tài rất gai góc tưởng rất khô khan mà thể hiện rất ngọt, không lên gân, không hô khẩu hiệu. Các chiến sĩ Điện Biên họ hoạt động y như thế. Chỉ có 8 người lính và một lá cờ búa liềm mầu đỏ đính trên bờ chiến hào mà cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và quyết tâm quyết chiến, quyết thắng của cả một dân tộc".

"Người xem như đang nhìn thấy họ trên một góc chiến hào nào đó. Nhiều họa sĩ có những tác phẩm hay về Điện Biên Phủ. Nhưng đây là bức tranh đặc biệt. Nó như phả vào mặt người xem cái không khí nóng bỏng của cuộc chiến đấu khốc liệt ngày ấy. Ông Sáng làm bức tranh sơn mài này rất kỹ, gần nửa thế kỷ mà mầu sơn vẫn tươi nguyên. Nghe nói có lần bảo tàng nước ngoài mượn bức tranh này đóng bảo hiểm cả triệu đô la. Với tôi tác phẩm này là vô giá, không có bức thứ hai. Đời họa sĩ ai cũng ao ước vẽ được một tác phẩm như thế này dù chỉ một lần", cụ kể tiếp. 

{keywords}
Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng

Ngày 10/9/1996, con tem “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế ra mắt nhân dịp bức tranh tròn 40 tuổi.

Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa: “Bức tranh là tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính/ phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm. 

Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh. 

Nhưng phía hậu cảnh lại là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bức tranh có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả.

{keywords}

Con tem “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”

Nét đặc sắc của tác phẩm: Hình tượng các chiến sĩ Điện Biên đã được Nguyễn Sáng khắc họa bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc. 

Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam”.

Kiệt tác này được Cục Di sản văn hóa xếp loại Bảo Vật quốc gia.

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943. Ông được đánh giá là một trong bốn nhân vật xuất sắc thuộc bộ tứ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.

Nho Quan