- Công diễn bản giao hưởng mang tên "Điểm hẹn" khi tuổi đã vào thất thập, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cho thấy ông vẫn lai láng nguồn mạch sáng tạo sau hơn 40 năm miệt mài sáng tác.

Tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt khi bản giao hưởng mới của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vừa kết thúc trong những giai điệu của khải hoàn. Bằng tất cả trân trọng, nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji mời nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo bước lên đón nhận những ngợi khen dành cho ông và Dàn nhạc Giao hưởng VN (VNSO) đã nỗ lực xuất sắc trong một thời gian ngắn để đưa bản nhạc công diễn kịp đúng ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (trái) và chỉ huy đêm diễn Honna Tetsuji.

Tình tự được kể trong giao hưởng "Điểm hẹn" trải rộng trong một chiều dài lịch sử lớn hơn rất nhiều, dù thời lượng chỉ gói gọn trong chừng 25 phút, với 4 chương tách biệt gồm: Rồng tiên, Tình ca, Thời nô lệ, Điểm hẹn.

Ngay chương đầu tiên, ông cho thấy tài năng như thể phù thủy qua những âm thanh, giai điệu có sức mô phỏng, gợi trí tưởng tượng và khuấy động xúc cảm. Bằng cách sử dụng bộ gõ và dàn dây, ông tạo ra những phức điệu âm u, huyền bí khơi động thuở hồng hoang và sự ra đời của dòng máu Lạc Hồng, khởi đầu cho một đại sự lớn lao, có gian nan hoạn nạn lẫn thái bình ấm no, có khúc bi ca tráng lệ lẫn khúc khải hoàn vinh quang.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác hơn 40 năm với hơn 93 tác phẩm từ độc tấu, giao hưởng cho tới thanh xướng kịch, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo luôn cho thấy ông là người đứng giữa đôi bờ Đông - Tây.

Sinh tại Hà Đông, ông qua Pháp theo học âm nhạc cổ điển từ năm 13 tuổi. 10 năm sau, ông tốt nghiệp hạng nhất khoa sáng tác (với tác phẩm Thành đồng tổ quốc) tại Nhạc viện quốc gia Paris khi mới 23 tuổi.

"Điểm hẹn" không nằm ngoài đặc trưng chứa trong nguồn mạch sáng tạo ấy của nhạc sĩ, người sẽ mừng sinh nhật lần thứ 74 của mình vào ngày 3/7 tới đây. Khả năng biểu cảm, mô phỏng của các nhạc cụ dân tộc, từ sáo đến cồng, chiêng tiếp tục được ông sử dụng, hòa quyện chặt chẽ với các nhạc cụ phương Tây trong mô hình dàn đại nhạc. Bản giao hưởng vì vậy không quá khó nghe, và rất gần gũi trong không gian văn hóa Việt. Người nghe dễ nhận ra đâu đó trong kỹ thuật phương Tây, có những nét thuộc về dân ca, dân nhạc đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ.

{keywords}
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy trình diễn bản Poem Op.25 của Ernest Chausson trong đêm Điện Biên Phủ Concert, diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội tối ngày 7/5.

Thực tế, "Điểm hẹn" ra đời từ một lời đặt hàng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng có thể coi đó chỉ là duyên cớ để Nguyễn Thiện Đạo có dịp kể câu chuyện ngợi ca tổ quốc bằng giao hưởng.

Ông nói với báo chí: "Để dấn thân vào tác phẩm này, trước hết phải suy nghĩ, phải hiểu rõ ngọn ngành và kỹ càng hơn lịch sử đánh giặc ngoại xâm, lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta ngay từ thời Hùng Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Bà Trưng, Bà Triệu rồi Ngô Quyền… Rồi từ đó mới tìm hiểu từng dấu mốc của chiến dịch Điện Biên Phủ".

Chương trình Điện Biên Phủ Concert còn diễn ra đêm 8/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Minh Chánh