"Đắng lòng hơn nhiều nơi dưới bia công đức đó còn có bát hương, khách thập phương về cứ thấy bát hương là đặt tiền, là thắp hương, là khấn khấn vái vái. Vô hình chung họ đang thờ cúng người sống, trông rất phản cảm và phi văn hóa. ", ông  Phạm Xuân Phúc bức xúc.


Sáng 6/6 tại Hà Nội, Bộ VH-TT & DL đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2014, những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở.

{keywords}

Cổng ra vào của chùa Giồng Lớn khắc tên nhà hảo tâm

Cúng người sống

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Bộ VH-TT & DL, hầu hết các lễ hội hiện nay đều có ban quản lý lễ hội đàng hoàng và được chỉ đạo đến nơi đến chốn, có kịch bản phần lễ và phần hội rõ ràng.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, nhiều nơi làm bài bản quá nên đến nơi thì công an, dân phòng đứng đầy, người dân tới đều bị đẩy ra khiến lễ hội không còn là của dân nữa.

Theo ông Phúc, việc thanh kiểm tra lễ hội thường rơi vào tình huống chủ động. Có nghĩa là, thanh tra muốn thanh tra một lễ hội nào đó thường phải lên kế hoạch, báo trước nơi cần đến để tránh tình trạng khi xuống địa bàn, lãnh đạo ở đó nói vì không báo trước nên không cử người ở nhà tiếp đón. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng thanh tra nhiều nhưng toàn kiểm tra những thứ đã được sắp xếp lại, tốt đẹp hết.

Qua nhiều lần kiểm tra, ông Phúc nhận thấy có sự bất thường trong việc xuất hiện những mâm tiền vàng ngút trời, những giá đồng lên tới hàng trăm triệu đồng... "Tôi tha thiết đề nghị phóng viên nên tìm hiểu rõ nguồn gốc những thứ này xuất phát từ đâu. Thanh tra không có nhiệm vụ điều tra nhưng tôi tin chắc rằng những mâm cao cỗ đầy đó không xuất phát từ dân", ông Phúc nói.

Hiện tượng tiếp nhận công đức bằng hiện vật (lục bình, tượng, hoành phi câu đối, sư tử đá...) hiện nay ở các di tích theo ông Phúc cũng đang diễn ra tràn lan, dẫn đến phá vỡ cảnh quan di tích.

Nhiều nơi tiếp nhận công đức lại khắc bia ghi danh những nhà hảo tâm rồi gắn luôn lên bức tường di tích khiến di tích trông loang lổ, thiếu thẩm mỹ.

"Đắng lòng hơn nhiều nơi dưới bia công đức đó còn có bát hương, khách thập phương về cứ thấy bát hương là đặt tiền, là thắp hương, là khấn khấn vái vái. Vô hình chung họ đang thờ cúng người sống, trông rất phản cảm và phi văn hóa. Nhiều di tích nhận tài trợ từ một đơn vị xây dựng hạng mục nào đấy sau đó dựng một biển to tướng ghi đơn vị A, đơn vị B... Họ nghĩ xây một hạng mục ở di tích như là nhà tình nghĩa. Đừng nghĩ bỏ mấy chục triệu rồi muốn làm gì thì làm", ông Phúc bức xúc.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Lào Cai cho biết việc đưa vàng mã, sư tử đá... vào di tích không phải dân. "Chẳng hạn ở chỗ tôi, một xã nào đó được một vị to to nào công đức hiện vật chả lẽ lại không nhận. Nhưng nhận xong rồi thì quả thật rất khó, bị dọa phạt, chẳng biết nên bỏ hay nên nhận phạt. Chính vì vậy lãnh đạo cần phải làm gương. Thanh tra ít thôi, hành động nhiều hơn. Thanh tra phạt để BQL di tích hiểu ra thì cũng quý nhưng hướng dẫn họ ngay từ đầu để đỡ hiểu sai còn quý gấp vạn lần", ông Sơn phát biểu.

{keywords}

Ngựa sắt xuất hiện tại đền Phù Đổng hồi đầu năm

Tư duy thực dụng

Theo đại diện BQL di tích Bắc Ninh, số lượng vàng mã năm nay tại đền Bà chúa kho đã ít hơn rất nhiều so với mọi năm nhưng đây vẫn là điểm nóng của việc đốt vàng mã. Mặc dù BQL di tích đã quản lý việc đốt vàng mã nhưng nhiều khi cấm nơi này lại đốt nơi khác.

Đại diện BQL di tích cũng tỏ ý "quan ngại" về việc một số báo đưa tin các liền anh liền chị quan họ ngả nón xin tiền. Vị đại diện này khẳng định: "Quan họ không xin tiền, các báo đưa thì đành chịu chứ thực chất là tiền xòe ra trước, nón mới ngả theo sau. Người ta nghe thấy hay thưởng tiền cho người hát cũng là một nét văn hóa".

Theo đại diện Viện nghiên cứu Văn hóa, đốt vàng mã là vấn đề nóng nhưng không thể bài trừ nó ngay lập tức trong một sớm một chiều mà phải từ từ. Nhiều người có tư duy rất thực dụng rằng cúng càng nhiều, đốt càng nhiều thì lộc càng nhiều. Đây là hành động thực hành nghi lễ nên phải tìm cách tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, từ đó thay đổi hành vi.

Theo TS Trần Hữu Sơn, muốn thay đổi tư duy thực hành nghi lễ cần phải làm trực diện. Kinh nghiệm ở Lào Cai cho thấy việc hướng dẫn cụ thể người dân trong các dịp lễ lạt là rất hiệu quả.

"Lễ ông Công ông Táo năm vừa qua, tôi trực tiếp lên nói ý nghĩa của ngày lễ, hướng dẫn người dân một cách tỉ mỉ, cách thả cá như thế nào cho đúng và dọa nếu thả cá sai thì hại đến mình ngay.  Rồi tổ chức thả cá tập thể một cách trang trọng chứ không phải đi qua cầu vứt vèo xuống rồi rác thải rải khắp nơi như một số nơi", ông Sơn nói.

Thay đổi cách làm văn bản quy phạm pháp luật

Theo TS Trần Hữu Sơn, trong tất cả các mục cần quản lý trong lễ hội thì cái khó nhất lại là quản lý ban tổ chức lễ hội và người đi lễ hội. Ban quản lý lễ hội nếu đi lệch hướng chỉ chú ý đến thu tiền dịch vụ thì rất khó quản lý.

Theo ông Sơn, Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mà Thứ trưởng Bộ VH-TT & DL Huỳnh Vĩnh Ái vừa ký đọc xong ông lại thấy buồn vì nó vẫn là cũ, thêm mỗi điều 7 (về quản lý công đức công khai minh bạch...) nhưng lại quá chung chung nên chẳng biết vận dụng thế nào.

"Cần phải đầu tư thích đáng cho mỗi lần ra văn bản quy phạm pháp luật. Không thể lúc thì cấm cái này, lúc lại bỏ cái kia. Tư duy làm văn bản quy phạm pháp luật phải thay đổi", ông Sơn phát biểu.

T.Lê