- Quốc Trung vừa tuyên bố tạm dừng chương trình Cầm tay mùa hè. Vậy là một loạt chuỗi chương trình âm nhạc được cho là "đặc sản" của Hà Nội đang ngày dần hao hụt bởi đơn vị tổ chức không thể cứ liều để mang lỗ vào thân' được mãi.
Loạt chương trình chất lượng phải nói lời từ biệt
Thị trường ca nhạc miền Bắc mấy năm qua bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt khi các ê kíp cùng lúc tung ra nhiều chương trình được cho là đẳng cấp, hấp dẫn với sự đầu tư rất kỹ càng và có hướng phát triển dài hạn.
Không gian âm nhạc (có nhà tài trợ) của đạo diễn Việt Tú đã từng được công luận khen ngợi nhưng cũng không cầm cự quá một năm với 10 số trước sức ép thị trường. Số thứ 11 đã quảng bá và bán vé nhưng rút cuộc không thể diễn ra.
Tuấn Ngọc - Nguyên Thảo trong chương trình Không gian âm nhạc |
Đạo diễn Việt Tú giải thích về việc đóng cửa chuỗi chương trình cao cấp này là do trong năm đầu tiên nhờ sự giúp sức của mạnh thường quân ê kíp thực hiện không phải đau đầu lo chuyện lỗ, lãi. Nhưng sau một năm, mạnh thường quân rút lui, nếu để tồn tại, người tổ chức phải bỏ tiền nhà ra vài trăm triệu đồng để tổ chức mỗi sô.
Dừng lại vì không đủ kinh phí là một lý do nhưng một thực tế ai cũng nhận thấy đó là những ca sĩ hàng đầu Việt Nam quanh đi quẩn lại chỉ có vài người. Khi hết những nhân vật 'hot' thì rất khó để khán giả chịu bỏ tiền triệu để xem một chương trình ca nhạc trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Tương tự như Không gian âm nhạc, Câu chuyện âm nhạc với giá vé rất 'mềm' (từ 300.000 đến 2 triệu) với ê kíp thực hiện đều là những nhạc sĩ, nhà sản xuất có uy tín nhưng cũng chỉ tổ chức được 4 số rồi dừng lại.
Ca sĩ Anh Thơ - Việt Hoàn trong chương trình Câu chuyện âm nhạc. |
Nhạc sĩ Phan Cường - Giám đốc âm nhạc chương trình Câu chuyện âm nhạc cho biết có rất nhiều lý do khiến một chương trình dành nhiều tâm huyết phải dừng cuộc chơi nhưng yếu tố cốt lõi chính là kinh phí tổ chức có hạn và đơn vị tổ chức không thể cứ để tình trạng thua lỗ trong việc tổ chức đêm nhạc liên tục xảy ra.
"Là những nghệ sĩ đứng ra tổ chức các đêm nhạc, chúng tôi chỉ giỏi thứ duy nhất là chuyên môn liên quan đến âm nhạc. Còn những khâu như giấy phép, băng rôn tự làm gặp rất nhiều khó khăn. Nếu nhờ một công ty lo cho mình thì phải tốn một khoản chi phí nhất định.
Việc tìm đến những "mạnh thường quân" hỗ trợ cho mình trước mỗi đêm nhạc là điều mà các đơn vị tổ chức luôn nghĩ tới. Nhưng đôi khi dù đã được hứa hẹn sẽ giúp đỡ mua vé ủng hộ nhưng đến phút chót họ lại bỏ cuộc khiến bầu sô thậm chí nghệ sĩ cũng phải chạy ngược chạy xuôi.
Như Câu chuyện âm nhạc của Việt Hoàn và Anh Thơ mà chúng tôi đã thực hiện. Chả giấu gì mọi người khi đó bản thân ca sĩ Việt Hoàn cũng phải đích thân đi đến một số doanh nghiệp quen biết để vận động mua vé cho đêm diễn thứ hai" - nhạc sĩ Phan Cường.
Nhạc sĩ Phan Cường cũng chia sẻ rằng anh em nghệ sĩ thì luôn nhận được sự hỗ trợ. Nhưng đứng ở góc độ là người tổ chức biểu diễn thì dù có nhờ vả bạn bè thì cũng chỉ nhờ một lần, hai lần chứ không thể nhờ không mãi được. Mà vấn đề là vé không bán được, lấy đâu ra chi phí để trả cho anh em", Phan Cường nói.
Chuỗi chương trình Cầm tay mùa hè của nhạc sĩ Quốc Trung cũng vừa chính thức tuyên bố tạm dừng. "Vì những lý do chủ quan và cả khách quan trong quá trình sản xuất, cùng một số sai lầm cá nhân, chúng tôi với một tinh thần cầu thị cao nhất đã đi đến quyết định dừng cuộc chơi" - nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Thanh Lam - Hà Trần trong chương trình Cầm tay mùa hè. |
Dù tất cả những người làm chương trình không muốn nói hoặc ngại ngần nói về chuyện lỗ lãi cho những đêm nhạc tạo nên thương hiệu riêng của mình nhưng bài toán được đặt ra là nếu không bán được vé thì chẳng có cớ gì những chương trình được coi là "tử tế" đại diện cho sân khấu ca nhạc miền Bắc tồn tại.
Muốn giữ khán giả phải luôn mới
Tùng Dương - một trong những ca sĩ hiếm hoi ở miền Bắc giữ được độ "hot" cho những đêm nhạc riêng chia sẻ rằng để tồn tại và ghi dấu ấn với khán giả, các nghệ sĩ sẽ phải tìm mọi cách đem đến những gì mới nhất. Đơn vị tổ chức cũng phải tính toán khách mời bởi thực tế cho thấy nhiều ca sĩ hạng A ở Sài Gòn nhưng lại không hot ở Hà Nội.
Ca sĩ Tùng Dương trong "Hát tình ca 2" diễn ra ngày 8/6 vừa qua. |
"Nếu ca sĩ và dòng nhạc không mang tính thị trường thì quy mô chương trình cũng phải phù hợp với lượng khán giả. Trước mỗi liveshow phải có sự tính toán kỹ càng, không được liều lĩnh, ảo tưởng và quá tự tin vào bản thân" - ca sĩ Tùng Dương bày tỏ.
Tùng Dương cũng không giấu giếm rằng để làm được thương hiệu kiểu "Tùng Dương hát tình ca" vừa qua, ngoài yếu tố mới từ phía nghệ sĩ biểu diễn thì sát cánh bên anh luôn có những "mạnh thường quân", những tập đoàn lớn sẵn sàng tài trợ và bỏ tiền mua vé. Và một yếu tố vô cùng quan trọng nữa đó là sức lan tỏa của các thông tin về đêm nhạc xuất hiện trên các mặt báo.
Tính đến thời điểm này, khi những đối thủ nặng ký như Câu chuyện âm nhạc, Cầm tay mùa hè, Không gian âm nhạc không còn tồn tại thì có vẻ như chuỗi chương trình Hòa nhạc Việt Nam (Vietnam concert) của công ty Viet Vision đang nắm thế thượng phong khi biết lựa chọn những nghệ sĩ có sức hút để tổ chức các đêm nhạc riêng.
Bằng Kiều - Minh Tuyết - Hồng Nhung - Mỹ Linh trong chương trình Vietnam concert. |
Dù tổ chức chưa nhiều concert nhưng những cái tên Bằng Kiều, Thu Phương và gần đây nhất là Khánh Ly với sức hút ghê gớm đã tạo nên cơn sốt vé đối với các khán giả thủ đô mặc dù giá vé của những đêm diễn này rất cao.
Không có nhà tài trợ và không còn ca sĩ ăn khách, chương trình nghệ thuật âm nhạc sẽ kéo dài được bao lâu? Làm thế nào để duy trì những đêm nhạc tử tế mà không bị "chết yểu"? Đó là những câu hỏi đang đặt ra với các chương trình nghệ thuật được đầu tư kỹ càng về âm nhạc lẫn không gian nghệ thuật. VietNamNet sẽ tiếp tục trở lại với vấn đề này trong những bài tiếp theo.
Sơn Hà