- 2 giờ chiều ngày 25/6, Cục Điện ảnh đã có cuộc gặp gỡ báo chí về trường hợp bộ phim Căn hộ số 69 tại Hà Nội. Phòng họp chật kín phóng viên các báo.
Chủ trì cuộc họp là ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông nêu lý do gặp báo chí là vì "tính bức xúc về bộ phim Căn hộ số 69" mà nhà sản xuất Nam Cito vừa tung lên mạng.
Theo Cục Điện ảnh, nội dung phim Căn hộ số 69 sẽ còn chờ giám định của Thanh tra Bộ để xem xét có sai phạm hay không. |
Hai cái sai về thủ tục...
"Về vụ việc này, quan điểm của Cục như sau", ông nói. "Quy trình sản xuất và phổ biến phim tại Việt Nam đều đã được nêu rất rõ trong Luật và các văn bản pháp lý khác. Theo đó, luật quy định tất cả các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim ngoài giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch địa phương cấp, còn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của Cục Điện ảnh. Điều đó có nghĩa tất cả cá nhân sản xuất phim mà không có tư cách pháp nhân lẫn chức năng sản xuất phim là trái pháp luật".
Ông nói thêm, qua kiểm tra, Cục thấy Nam Cito là một nhóm thanh niên làm phim, chưa đủ điều kiện, chức năng sản xuất phim. Điểm thứ hai là trước khi phát hành, Căn hộ số 69 không thông qua Hội đồng thẩm định phim trung ương. "Do vậy, việc sản xuất và phổ biến phim là hoàn toàn sai trái", ông Duy Anh kết luận.
Sau phần thông báo quan điểm của Cục Điện ảnh, phóng viên VietNamNet đặt câu hỏi: Cơ sở nào để Cục chỉ đề nghị xử lý bộ phim Căn hộ số 69 trong bối cảnh rất nhiều phim đang trôi nổi trên trang Youtube và chắc chắn là không có giấy phép phổ biến?
Ông Duy Anh trả lời: "Như trước tôi đã giải thích, toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất rõ anh được sản xuất phim khi nào, và khi sản xuất phim, anh phải tuân theo những điều kiện nào. Thứ hai nữa là những quy định để phổ biến phim, cũng đã quy định rất rõ rồi. Chúng tôi ở đây hôm nay có nói, về phim (Căn hộ số 69) thì chúng tôi chưa đề cập đến nội dung".
Tuy nhiên, ông cho biết nội dung phải chờ kết quả thanh tra của Bộ VHTTDL. "Các cơ quan chức năng đang thanh tra hai việc, một là thủ tục của anh có đúng không, hai là nội dung làm phim của anh có đúng không. Riêng đối với thủ tục làm phim, chúng tôi có thể nói ở đây là xử lý sai phạm về thủ tục làm phim. Còn nội dung phim, sau khi có kết quả thẩm định, giám định nội dung phim của thanh tra, (Cục) sẽ thông báo sau", ông nói.
...nhưng nhiều câu hỏi còn bỏ lại
Cuộc gặp gỡ thu hút sự quan tâm của rất nhiều phóng viên. Ảnh: Nick M
VietNamNet cũng đặt các câu hỏi: 1. Cục có thể cho biết quan điểm phân biệt giữa video clip và phim, video clip có chịu sự chi phối của Luật Điện ảnh và các luật khác hay không? 2. Và nếu như những nhà làm phim Căn hộ số 69 nói phim của họ là video clip, Cục sẽ giải thích với họ thế nào? 3. Cục có coi YouTube như một chủ thể có liên quan, cần phải được điều tra, xử lý trong vụ việc này hay không?
Ông Duy Anh nói: "Ở đây, chúng tôi đã phân biệt rất rõ các giải thích thế nào là một bộ phim. Các anh chị có lẽ cũng đã biết Luật. Chúng tôi cũng xin giải thích luôn: Phim là tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình. Phim nhựa là phim được sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật điện ảnh, được ghi trên vật liệu phim nhựa để chiếu trên màn ảnh thông qua máy chiếu phim. Phim video là phim sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật video, được ghi trên băng, đĩa từ và các vật liệu ghi hình khác để phát sóng qua thiết bị video. Phim truyền hình là phim video để phát trên sóng truyền hình".
Ông cho biết thêm, "ngoài những quy định này, Cục không gọi là phim và cách xử lý cũng khác nhau". Ông nêu ví dụ những video clip quay những cảnh rất riêng tư, có nội dung không lành mạnh, trong sáng, người ta cũng đưa lên và đó là sai phạm. Về câu hỏi liên quan đến việc có điều tra hay xử lý YouTube, ông nói qua trao đổi với đối tác của YouTube tại Việt Nam, ông được biết người dùng YouTube sẽ quyết định sự tồn tại của bộ phim này.
Cuộc gặp sau đó bỗng kịch tính hơn khi các phóng viên đặt ra một loạt câu hỏi khiến ông Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh lúng túng, ngắt quãng trong trả lời. Khi được hỏi, ông đã xem bộ phim Căn hộ số 69, thì ông cho biết "chưa xem". Một phóng viên dẫn lại 4 hành vi bị cấm được ghi tại điều 11 của Luật Điện ảnh, và hỏi ông bộ phim vị phạm điều khoản nào. Tuy nhiên, ông khẳng định lại mục đích chính của cuộc gặp này chỉ là thông báo sai phạm về mặt thủ tục của bộ phim.
Đáng lưu ý là một phóng viên đặt vấn đề: có ý kiến cho Căn hộ số 69 chỉ là một video clip thì có chịu quản lý của Luật Điện ảnh? Ông Duy Anh nói: "Như chính các anh chị phản ánh, đây là một loạt phim mà mỗi một tập dài 30 phút và kéo dài 25 tập. Tất cả những điều này chúng tôi sẽ trả lời, sau khi có kết quả của ban thanh tra". Phóng viên này "đính chính" lời ông rằng Căn hộ số 69 chỉ có dự định làm 20 tập, và tập đầu tiên dài 20 phút 45 giây.
Phòng họp sau đó ồn ào hơn khi nhiều ý kiến cho rằng Cục điện ảnh chưa thể xác định Căn hộ số 69 có phải là phim để chịu sự điều chỉnh của Luật Điện ảnh hay không thì chưa thể nói bộ phim vi phạm trong thủ tục sản xuất hay phổ biến. Tuy nhiên, từ phía Cục đã không có câu trả lời thỏa đáng, khiến nhiều phóng viên bỏ về trước khi cuộc gặp báo chí kết thúc.