- Nhà văn Áo Stefan Zweig - nổi tiếng với khả năng nắm bắt tâm lý và xúc cảm của nhân vật - đã trở lại với "Khát vọng đổi đời".

Tin bài khác: 

Tác phẩm cuối cùng được xuất bản của Stefan Zweig rốt cục cũng đã có mặt tại Việt Nam. Được xem như là bậc thầy của những tấm bi kịch về tâm lý và số phận con người, những tác phẩm của Stefan Zweig vẫn thường gây nên những rung động sâu sắc về số phận và triết lý nhân sinh, đặc biệt có khả năng nắm bắt thấu suốt những xúc cảm của người phụ nữ.

40 năm kể từ khi Stefan Zweig qua đời, đến năm 1982 nhà xuất bản Fischer của Đức cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông mang tên "Khát vọng đổi đời".

{keywords}
Tác phẩm ra mắt 40 năm sau khi Stefan Zweig qua đời. Bản tiếng Việt xuất bản tháng 6/2014.

"Khát vọng đổi đời" được bắt đầu viết vào khoảng những năm 1930, gần với thời điểm ông viết "24 giờ trong đời một người đàn bà". Giới phê bình cho rằng sự tồn tại của "Khát vọng đổi đời" là một sự kiện văn học quan trọng, vì đã từ lâu chưa có một tác phẩm văn học nào viết bằng ngôn ngữ Đức lại gây ra những cuộc tranh luận xôn xao và rộng rãi đến thế. Cuốn sách được bạn đọc quan tâm và đón nhận nồng nhiệt, đi kèm với nó là việc ra đời đầy bí ẩn.

Ngay cả ở Đức thời gian đó (năm xuất bản cuốn sách), người ta cũng không biết chắc tác phẩm này được tìm thấy thế nào. Giám đốc NXB Fischer không tiết lộ một lời nào về việc tại sao bản thảo lại có mặt tại nhà in của ông. Mọi người chỉ ước đoán qua giọng văn được xác nhận là đúng của Stefan Zweig và mùa hè năm 1931, Zweig từng viết một bức thư kể về "Tiểu thuyết về một cô nhân viên bưu điện". Ông nói "Không hiểu tại sao đến phần giữa của cuốn tiểu thuyết, tôi lại rơi vào một vực thẳm sâu hoắm, không sao vượt qua nổi". Ông gác cuốn tiểu thuyết sang một bên.

Mãi đến mấy năm sau khi đã lưu vong sang London, Stefan Zweig mới lại bắt tay vào để vượt qua cái vực thẳm ấy. Trong bản hoàn thiện, bạn đọc và giới phê bình có thể nhận ra sự khác nhau chút ít về mặt văn phong. Ở phần đầu, ông cân đối giữa mô tả thế giới bên ngoài và nội tâm bên trong - những câu văn được viết với quan sát kĩ lưỡng, ánh sáng và cảm xúc. Đến nửa cuối, ông đi sâu hơn vào những phức cảm sâu kín và nỗi khổ đau không lối thoát của nhân vật.

Câu chuyện kể về cô gái trẻ là Christine, nhân viên tại một trạm bưu điện xa xôi thuộc nước Áo. Bố và anh trai cô đã mất vì những hậu quả của chiến tranh, Christine sống với bà mẹ già nua bệnh tật trong một căn phòng ọp ẹp tồi tàn và ngày qua ngày làm một công việc nhàm chán. Cho đến một hôm, người dì đã lưu lạc sang Mỹ 25 năm trước của Christine mời nàng đến nghỉ cùng vợ chồng họ trên dãy núi Alps thuộc Thụy Sĩ.

Christine gói ghém đồ đạc vào chiếc va li bằng mây đan rồi đi tàu tới khách sạn của dì Claire ở Potresina. Tại đây, cô gái nghèo hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh giàu sang phú quý. Dì Claire đã đưa nàng bước chân vào thế giới thượng lưu hào nhoáng. Christine ngay lập tức tỏa sáng bởi vẻ hồn nhiên xinh đẹp. Cô say sưa với thế giới mới đến mức giờ đây thật khó để sống lại những ngày tháng nghèo khổ xưa.

Nhưng thiên đàng chỉ tồn tại 3 tuần, sau đó Christine bị ném trở lại quê hương nghèo khổ. Cô không còn nhìn cuộc sống theo cái nhìn cũ mà trở nên vừa thất vọng, vừa ghê tởm, vừa căm ghét nó. Cô trở nên bế tắc hoàn toàn.

Một bên là thế giới giàu sang và tàn nhẫn với kẻ nghèo, một bên là cuộc sống nghèo hèn, thô lỗ và bẩn thỉu, Christine như đứng giữa hai dòng nước. Rồi cô gặp Ferdinand - một người lính trở về sau chiến tranh, gần như lành lặn chỉ trừ một ngón tay đã chết. Chính thương tật tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy và những năm tháng của tuổi trẻ mất mát khiến anh không thể hoàn thành ước mơ trở thành một kiến trúc sư.

Anh điên cuồng đuổi theo những người đã thành công - những con người đã có thời gian ăn học trong hòa bình và làm việc với một cơ thể lành lặn - nhưng anh có cảm giác mình không bao giờ với tới.

{keywords}
Nhà văn Áo Stefan Zweig nổi tiếng với khả năng nắm bắt tâm lý và xúc cảm của nhân vật.

"Khát vọng đổi đời" là một tiểu thuyết đầy dằn vặt về con người trước cái nghèo và hệ quả của cuộc chiến tranh. Hai nhân vật chính của Stefan Zweig đều được mô tả như những người tốt bụng và ngây thơ, giàu lòng tự trọng và giàu niềm tin vào người khác. Họ nhạy cảm và dễ xúc động trước lòng tốt cũng như sự hắt hủi, và vì thế họ cũng dễ thất vọng bởi con người. Họ thấy đồng tiền và quyền lực thật tàn nhẫn với mình. Khi còn trẻ, họ bị người khác điều khiển như những quân cờ, khi trưởng thành, lòng tự trọng khiến họ thấm đau bởi tình trạng khốn khổ của mình trước những người khác. Sự bần cùng khiến họ cảm thấy mình là nô lệ.

"Chưa khi nào họ cảm thấy đồng tiền có sức mạnh chi phối ghê gớm đến vậy. Khi có tiền - quyền lực của những đồng tiền ấy thật hùng mạnh, còn khi không có tiền - quyền lực của chúng lại càng hùng mạnh hơn. Họ cảm thấy được uy lực của tự do mà đồng tiền có thể mang lại, đồng thời họ cũng cảm thấy được sự thâm độc quỷ quái mà họ bắt buộc phải từ chối vì sự tự do ấy".

Chắc chắn những độc giả đã từng ái mộ Stefan Zweig qua "Bức thư của người đàn bà không quen", "24 giờ trong đời một người đàn bà" sẽ không phải thất vọng với tài phân tích tâm lý của tác giả trong "Khát vọng đổi đời".

Hồ Hương Giang