- Bộ phim kinh dị siêu nhiên của đạo diễn Hàm Trần giữ được nhịp độ đầy căng thẳng và sợ hãi trong suốt 90 phút bằng một câu chuyện hấp dẫn được dàn dựng kịch tính theo lối phim hành động.

Trên cầu, một cô gái trông tuyệt vọng, dơ bẩn và đầy thương tích, trong tay ôm con búp bê, rồi dấn thêm bước nữa buông mình xuống dòng sông chảy xiết. Một buổi hầu đồng với con nhang mới là gia đình đại gia Vương Gia Huy, trong lúc đứa con gái chừng 6 tuổi của họ cố gắng với lấy một hình nhân trên sông rồi ngã xuống. Một tuần sau, họ được tin cô bé đang ở một nhà xác. Khi đến thì thấy bé còn sống nhưng khi đưa về nhà thì những chuyện lạ xảy ra khiến họ tin rằng bé đã bị ma ám.

{keywords}
Một cảnh trong phim Đoạt hồn.

Trong một mạch dồn dập và gấp gáp, bộ phim cứ thế tung ra những tình tiết khuấy động sự tò mò lẫn cảm xúc của người xem bằng âm thanh, tiếng động và cách quay phim luôn cố gắng tạo ấn tượng thẩm mỹ trong từng khuôn hình. Tuy nhiên, cấu trúc tuyến tính của kịch bản với đôi đoạn hồi tưởng rồi lại đi tới, khiến bộ phim chỉ hấp dẫn ở cách lần giở từng nút thắt - mở tiếp nối, nhấn trọng tâm vào các hành động kinh dị. 

Khả năng tạo lập một không gian kinh dị nhằm tăng "ép phê" cho câu chuyện, như thường thấy ở thể loại này, xem như bị bộ phim bỏ qua. Truyền thuyết "ma ám" dù có trong mọi nền văn hóa, nhưng cách khai thác của phim chưa được bản địa hóa triệt để, gần gũi hơn với tín ngưỡng tâm linh người Việt, mà nghiêng nhiều hơn về các yếu tố thường thấy trong các phim cùng thể loại ở nước ngoài.

{keywords}
Nguyễn Hồng Ân trong vai Chi.

Điểm đáng khen nhất ở bộ phim dứt khoát là phần diễn xuất. Số lượng nhân vật có phần hơi quá tải so với một phim kinh dị, nhưng phần chỉ đạo diễn xuất và khả năng sáng tạo của dàn diễn viên đã đem lại sức sống động hiếm thấy cho các nhân vật, từ vai lớn đến vai nhỏ. Lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng, Nguyễn Hồng Ân trong vai Chi, cô bé tuổi teen sống với ác cảm về ông bố dượng và sẵn sàng mạnh mẽ khi cần thiết để bảo vệ mẹ và em, cho thấy cô hoàn toàn có thể đi đường dài với điện ảnh. 

Trần Bảo Sơn cũng không gây nhàm chán dù anh tiếp tục đóng vai một ông chồng đau khổ và có bí mật che giấu. Đặc biệt nhất là cô bé Thanh Mỹ trong vai bé Ái, phần lớn ấn tượng kinh dị của bộ phim được cô bé tạo ra.

{keywords}
Trần Bảo Sơn vai Vương Gia Huy.

Có thể thấy các diễn viên trẻ được hậu thuẫn rất lớn bởi một dàn diễn viên gạo cội vào các vai phụ trong phim. Minh Trang, "nữ hoàng sân khấu" một thời trước khi theo chồng ra nước ngoài định cư, bất ngờ trở lại với vai bà mẹ phát điên sau cái chết của cô con gái. Không chỉ nhập vai xuất sắc, khả năng đài từ của bà còn tạo ra một giọng nói nghe thật đáng sợ trên màn ảnh. Chừng như bà chỉ cần 5 phút xuất hiện là đủ gây được ấn tượng khó quên. Kiều Chinh, người lần đầu về nước đóng phim sau hơn 30 năm xa xứ khiến người xem tin bà đích thực là một người hầu đồng với niềm tin vững chắc về thế giới bên kia.

Riêng Ngọc Hiệp dưới vẻ nhu mì, nhẫn nại của một người đàn bà tuổi trung niên hết mình vì chồng con vẫn đầy sức mạnh trong những cơn bùng nổ cảm xúc, sự quyết đoán đẩy nhân vật đi tới hành động. Thương Tín, người đã đi qua rất nhiều thăng trầm để sắp bước vào tuổi lục tuần vẫn cho thấy ông là lựa chọn hoàn hảo cho những vai hiểm ác và nhẫn tâm.

{keywords}
"Nữ hoàng sân khấu" Minh Trang trong vai bà mẹ điên.

Điểm yếu nhất ở bộ phim lại chính là cách kết thúc. Ai cũng biết làm phim kinh dị siêu nhiên tại VN luôn là một thách thức, bởi sự sáng tạo của nhà làm phim thường xuyên trong tình trạng phải thương lượng với ranh giới mông lung và mơ hồ của điều "cấm truyền bá mê tín dị đoan" nằm trong đầu các vị hội đồng kiểm duyệt.

Trong cùng một thể loại, nếu Victor Vũ thường có cách giải quyết thông minh theo lối phân bua chẳng đặng đừng "đây là chuyện người chứ đâu phải chuyện ma" thì Hàm Trần và hai đồng biên kịch với anh lúng túng hơn rất nhiều khi chọn một kết thúc mà hầu như các đường dây câu chuyện từ nhỏ đến lớn đều trong tình trạng thiếu chất kết dính lẫn nhau và lơ lửng một cách kỳ cục, để lại một dư vị không mấy dễ chịu nơi người xem.

Minh Chánh