- Dù từng có hơn 150 triệu đĩa bán ra, hơn 1300 bản thu âm và có hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới, nhưng giá trị giúp tựu thành sự nghiệp của "ông hoàng dương cầm" người Pháp vẫn còn là điều tranh cãi.
Tất nhiên, những con số thống kê trên con đường âm nhạc kéo dài gần bốn thập niên của Richard Clayderman khiến không ai có thể phủ nhận ông là một trong những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng nhất đương đại.
Richard Clayderman, 61 tuổi, tên thật là Robert Louis Philippe Pagès. Ông bắt đầu sự nghiệp vào lúc mà các trào lưu nhạc disco, rock'n'roll đang thống trị sân khấu thế giới. Người ta thường thấy Pagès chơi đàn piano trong rất nhiều quán bar ở kinh đô ánh sáng. Đó là canh bạc cuộc đời của chàng sinh viên Nhạc viện Paris để có tiền gánh vác gia đình với người cha đang bị bệnh, vợ vừa sinh con.
Bố ông bệnh nặng và mất năm 40 tuổi khi chưa kịp nhìn thấy thành công của đứa con trai. Còn Richard cưới người vợ đầu tiên khi tuổi vừa 18, vì lý do cô có thai, điều mà sau này ông thú nhận “là một sai lầm vì bạn còn chưa trưởng thành” (họ ly dị 2 năm sau đó).
Cơ duyên khởi nghiệp
Pagès đến với dương cầm khi tuổi còn rất nhỏ, dưới sự dẫn dắt của bố ông, một giáo viên dạy dương cầm và phong cầm. Năm 12 tuổi, ông được nhận vào một nhạc viện ở Paris. Trong căn hộ nhỏ ở ngoại ô mà gia đình ông, gồm bố mẹ, ông và một người em gái chung sống, luôn có chiếc đàn dương cầm để cha ông đưa ra những bài tập và lý thuyết âm nhạc đầu tiên.
Hồi tưởng lại tuổi thơ trong một lần trả lời phỏng vấn, ông kể: “Cây dương cầm với một hàng thẳng tắp xen kẽ đều đặn giữa những phím đen và phím trắng đã thu hút tôi, quyến rũ tôi… Cha mẹ tôi rất khéo léo làm tôi thấy học chơi đàn một cách thoải mái mà không gây áp lực gì”.
Năm 16 tuổi ông thắng giải piano đầu tiên. Nhưng khi nhận ra mình khó theo đuổi con đường của một nghệ sĩ nhạc cổ điển, ông chuyển hướng sang nhạc pop, chơi theo phong cách bán cổ điển. Sau vài năm chơi đàn kiếm sống ở quán bar, ông bắt đầu có những show diễn lớn hơn, ngồi trên sân khấu để đệm piano cho các ngôi sao Johnny Hallyday, Thierry Le Luron hay Michel Sardou...
Bước ngoặt sự nghiệp đến với ông vào năm 23 tuổi, khi ông bầu Olivier Toussaint và người bạn cộng sự Paul de Senneville kiếm người trình diễn để ghi âm bản ballad êm dịu “Adeline” mà Senneville sáng tác dành tặng con gái vừa chào đời. Pagès vượt qua 20 ứng viên khác để được ghi âm. Đĩa đơn của bản nhạc được phát hành, lập tức trở thành cơn địa chấn trong giới âm nhạc khi bán được tới 34 triệu bản tại 38 quốc gia. Kể từ đó, bản nhạc này nổi tiếng với cái tên “Ballade pour Adeline” (Bản ballad cho Adeline).
Nghe lại bản nhạc "Bản ballad cho Adeline" do Richard Clayderman trình diễn.
Và cũng kể từ đó, ông không dùng cái tên Pagès, một họ nghe rất Pháp nhưng dễ làm người nước ngoài phát âm sai. Ông đổi nghệ danh thành Richard Clayderman (Clayderman là họ của người bà cố của ông), cái tên phần nào nói lên nguồn gốc Bắc Âu của ông. Thực tế, “Ballade pour Adeline” là bản nhạc hòa tấu dài chưa tới 3 phút, chính xác là 150 giây, nhưng theo Clayderman đã mở ra cho ông một sự nghiệp mà không ai, ngay cả chính ông, có thể tưởng tượng hay mơ ước.
“Có điều gì đó thật rõ ràng và hiển nhiên khiến bản nhạc vượt được thời gian và có thể trở thành bất tử”, ông nói. Hơn bất cứ nghệ sĩ nào khác, ông là người ý thức được sức mạnh của các giai điệu có chủ đề. Bên cạnh những sáng tác mới, ông còn dùng tiếng đàn piano để chơi các giai điệu nổi tiếng nhất trong dòng ca khúc nhạc pop, nhạc thánh ca và tất nhiên, nhiều nhất vẫn là dòng cổ điển.
Hiệu ứng lãng mạn tổng hợp
Bước chuyển từ âm nhạc cổ điển sang nhạc pop không chỉ cho phép ông theo đuổi một sự nghiệp đầy thành công, mà còn cho phép ông đi vào một địa hạt âm nhạc mà ông cảm thấy là gần gũi nhất với tâm hồn và cá tính của mình. Dù thỉnh thoảng ông vẫn chơi nhạc theo phong cách cổ điển mà ông được đào tạo, nhưng thực tế người ta thường thấy ông tập trung vào trình diễn theo phong cách pop và bán cổ điển. Trong gần 4 thập niên sự nghiệp, ông gần như chỉ cộng tác với ba nhà sản xuất là Olivier Toussaint, Hervé Roy và Gerard Salesses.
Màn trình diễn của ông được cho là hấp dẫn khán giả, đặc biệt là các khán giả nữ, bằng một hiệu ứng tổng hợp. Bằng ngón đàn dương cầm mềm mại, ông ru hồn người vào không khí lãng mạn của giai điệu. Cộng hưởng với lối giao tiếp đầy lịch lãm bằng giọng nam trầm đúng kiểu Pháp và một vẻ ngoài nam tính, với mái tóc vàng và phong thái lãng tử. Thật khó để tìm thấy một nghệ sĩ có khả năng làm đẹp lòng đám đông một cách rộng rãi như ông.
Richard Clayderman trong một bức ảnh chụp năm 1980. |
Trả lời phỏng vấn tờ Christian Science Monitor, ông nói: “Tôi nghĩ kiểu âm nhạc lãng mạn này tồn tại là một nhu cầu. Vì chúng ta đang sống trong một thế giới diễn ra những thứ kinh khủng, và người ta cần âm nhạc để có chút lắng lại và thư giãn".
Bất chấp thành công và những lời tán dương rộng rãi, Richard Clayderman vẫn là nghệ sĩ dương cầm hứng chịu nhiều chỉ trích, chế giễu sâu cay âm nhạc của ông cũng không ít. Có người cho rằng màn trình diễn bao gồm “tất cả những cảm xúc của một củ cải”, thậm chí tờ Rolling Stones từng có nhận xét ông là “một nghệ sĩ dương cầm vứt đi”.
"Sự thật tôi là đối tượng bị chỉ trích nặng nề ở Pháp và tôi buồn vì điều đó. Nhưng dù sao, ở châu Á, Mỹ La Tinh hay Úc tôi lại chưa bao giờ phải đối phó với những chỉ trích như thế. Đây chính là phần thưởng đáng yêu và có lẽ ngày nào đó tôi sẽ được đánh giá cao hơn ở chính đất nước mình", ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn.
Về đời tư, ngay cả khi đã nổi tiếng toàn cầu, Clayderman lại là người nghệ sĩ hiếm hoi không vướng vào các vụ bê bối, sống hạnh phúc với vợ con. Ông thừa hưởng ở cha mình thói quen không hút thuốc và uống rượu, đồng thời giữ một niềm xác tín "phải luôn chống lại những cám dỗ" trên con đường đưa ông đi lưu diễn qua khắp những đô thị phù hoa nhất của nhân loại.
Ngày 23/8 tới đây, Richard sẽ mang ngón đàn danh tiếng của mình đến với khán giả Hà Nội lần đầu tiên, trong một show diễn duy nhất có tên đêm nhạc Richard Clayderman cùng VP Bank tại Trung tâm hội nghị quốc gia.
Trước thông tin về việc vé của show diễn đã được bán gần hết, không ít khán giả Việt Nam đã tỏ ra khá thất vọng vì không có cơ hội được đến thưởng thức đêm nhạc này, ông Trần Tuấn Việt - Phụ trách marketing VPBank - với tư cách thành viên BTC thừa nhận: "Đúng là chúng tôi đã bán hơn 70% số vé chỉ ngay trong hai ngày đầu tiên và đến thời điểm này chỉ còn lại hơn 100 vé. Quý vị quan tâm đến show diễn của nghệ sĩ Richard Clayderman có thể gọi ngay tới 02 đơn vị phân phối vé chính: ở miền bắc là www.ticbox.vn số hotline: 0128.888.9901 và ở miền nam là www.ticketbox.vn với số hotline: 0916.001.706 để kịp thời sở hữu những vé xem còn lại của chương trình. Hy vọng những chương trình sau của VP Bank sẽ được tổ chức quy mô hơn để đông đảo khán giả Việt Nam được thưởng thức thêm nhiều tài năng của các nghệ sĩ lớn trên thế giới". |